- “Nhiều người gọi điện, đến xin cháu tôi về nuôi”
Sau 5 ngày xuất viện vì bị bạo hành dã man, bỏ rơi tại bệnh viện, cháu Trần Tiến Anh (1 tuổi) đã được ông bà ngoại đón về nuôi dưỡng và chăm sóc.
Có mặt tại gia đình ông Đinh Văn Vượng (ông ngoại cháu Tiến Anh), chúng tôi nhận thấy từ khuôn mặt, đến thân hình cháu bé đã có sự “lột xác” hoàn toàn.
“Từ hôm ở viện về cháu ăn tốt, chơi tốt, những vết tím trên cơ thể cũng đã không còn nhiều. Nhưng đêm ngủ cháu vẫn giật mình, hay khóc vì sợ hãi. Hiện chúng tôi vẫn phải cho cháu uống thuốc chống bại não”, ông Vượng chia sẻ.
Theo ông Vượng, hai ngày đầu mới ở viện về, cháu Tiến Anh ngủ li bì, lúc đó tất cả mọi người trong gia đình ai cũng lo sợ. “Thấy cháu ngủ li bì suốt ngày, thêm vào đó là phản xạ kém, chúng tôi chỉ sợ cháu bị bại não”, ông Vượng cho biết.
Nhưng may mắn thay, kể từ ngày thứ 3 sau khi ở viện về, cháu đã tỉnh táo, chơi với các anh chị trong nhà và ăn tốt hơn. “Thấy cháu tiến triển vậy, tôi mừng lắm. Cháu mà bệnh tật, hai thân già chúng tôi chẳng biết bấu víu vào đâu”, ông Vượng nói.
Cũng theo tâm sự của ông Vượng, từ hôm xảy ra sự việc đến nay, do nhiều người biết gia đình hoàn cảnh khó khăn, đang nuôi 3 cháu nhỏ nên không ít cuộc điện thoại gọi đến, thậm chí có người còn tìm về tận nhà để xin cháu Tiến Anh làm con nuôi.
“Dù khó khăn đến mấy, chúng tôi vẫn phải gắng gượng để nuôi cháu ăn học nên người, chứ nhất quyết không cho ai cả, biết đâu cháu lại bị hành hạ thêm một lần nữa thì chúng tôi đau lắm”, ông Vượng ngậm ngùi.
Cũng theo ông ngoại của cháu Tiến Anh, từ khi cháu ở viện về phía bên công an vẫn chưa có thông báo về kẻ bạo hành cháu bé, còn mẹ nuôi của cháu cũng có đến thăm cháu vài lần.
Ông trông 4 cháu, bà đi rửa bát thuê kiếm tiền trang trải
Dù đã gần 70 tuổi, nhưng khi chia sẻ về cuộc sống gia đình, ông Vượng nghẹn ngào: “Ở tuổi của tôi, đáng ra phải an hưởng tuổi già. Nhưng giờ đây, tôi vừa là ông, vừa là cha nuôi 4 đứa trẻ”.
Theo ông Vượng, cả 4 đứa trẻ đều là con đẻ của con gái ông (hiện đang thi hành án tù) và điều trùng hợp là tất cả những đứa cháu của ông khi đón về đều vẫn đang ở tuổi bế ngửa.
“Các cháu khi đón về đều chưa đầy 1 tuổi, vì thế khi lớn lên các cháu đều gọi tôi là bố. Vì sự thật, các cháu cũng có biết bố mẹ là ai đâu”, ông Vượng nói.
Điều an ủi duy nhất cho đến lúc này là tất cả các cháu ngoại của Vượng đều lễ phép và năm học nào cũng đạt được thành tích cao trong học tập.
Tuy nhiên, do tuổi cao sức yếu không thể đi làm thuê để kiếm tiền, nên càng ngày gia đình càng túng quẫn. “Trong nhà tôi đã bán hết mọi thứ có giá trị. Đến cả cái loa và bộ âm li cũng đang gọi bán với giá 800.000 đồng để lấy tiền trang trải cuộc sống cho các cháu.
Năm học mới đã đến rồi, giờ lại có thêm 1 cháu nữa, chúng tôi cũng chưa biết xoay xở thế nào”, ông Vượng cho hay.
Hiện toàn bộ chi phí sinh hoạt trong gia đình đều trông vào 3.500.000 triệu đồng tiền lương hưu của ông Vượng. Chính vì cuộc sống quá khó khăn, nên vợ ông Vượng phải đi rửa bát thuê để kiếm tiền phụ giúp chồng nuôi cháu và trang trải sinh hoạt hàng ngày.
Ngoài những khó khăn về kinh tế mà gia đình ông Vượng đang gặp phải, hiện những thủ tục pháp lý cũng khiến gia đình vô cùng lo lắng. “Hiện tôi đưa cháu về nuôi, nhưng chưa được pháp luật công nhận. Chưa có giấy tờ gì cả.
Tôi mong muốn, phía cơ quan công an, chính quyền địa phương tạo điều kiện để tôi hoàn thành thủ tục giấy tờ nuôi dưỡng cháu, để cháu được nhập khẩu vào gia đình tôi, làm giấy khai sinh… theo đúng quy định của pháp luật”, ông Vượng mong muốn.