'Có con đường nằm nghe nắng mưa' :
Sài Gòn rồi thì cũng vào những ngày cuối năm, bốn mùa rồi cũng trôi qua kẽ tay nhanh như chớp mắt. Nhưng vì không có mùa đông nên cuộc sống ở đây chẳng đổi thay bao nhiêu hết, vẫn yên lành như con đường nằm nghe nắng mưa. Sáng dậy sớm một chút để nghe hơi gió ùa về, dưới hiên nhà chợt thấy bâng khuâng không biết 12 tháng qua mình đã làm những gì cho cuộc đời này.
Thành phố không ngủ nướng nên cứ lặng lẽ ngắm những dòng người qua lại, thời gian cũng lật qua lật lại như vậy thôi. Nhưng càng đến những ngày chuyển năm người ta càng thấy tháng ngày sao nhanh quá, ngoảnh lưng lại mà đã hết veo thanh xuân. Chợt nhớ đến một đoạn nhạc cũ của cô gái gốc Việt đăng trên youtube vài năm trước được trích trong quyển sách, bài ca có đoạn tạm dịch là :
” Anh chẳng thể nào về lại ấu thơ đâu
Con đường không dẫn về phía ấy
Giữa um tùm bụi rậm và rừng cây
Cánh cổng xưa khóa kín rồi, đổ nát…”
Chúng ta không thể trở lại tuổi thơ nữa, những năm tháng này cũng vậy. Và Sài Gòn giữ lại những khoảnh khắc bình yên nhất bằng đôi mắt của một kẻ sống lâu nhưng không già. Thành phố hồn nhiên như ngày hôm qua mới ra đời đó thôi. Vẫn xanh như chưa nhuốm bụi đời, vẫn lành lặn giữa bao cuộc đổi thay.
Sài Gòn vẫn hát tình ca
Người ta ít sáng tác về Sài Gòn, chắc vì thành phố thiếu cái vẻ nên thơ và lãng mạn. Thay vào đó người ta nhớ nó, thấy đó mà nhớ đó. Sài Gòn làm người ta mủi lòng khi sáng ra thấy nhớ tiếng rao bánh giò, bánh chưng trên cái xe đạp cọc cạch. Thấy nhớ tiếng loa trên gốc cột điện phát âm ỉ những bài hát cũ, cái góc ta hay ngồi cà phê sáng nay vẫn những gương mặt quen. Chỉ vậy thôi mà ta nhớ, càng đi xa càng nhớ. Nhưng không sáng tác được nên ta bắt ghế ngồi đó nghe Sài Gòn hát tình ca, hát rằng : “ Sài Gòn chưa xa đã nhớ, tìm cho ra ngồi quán quen. Tình yêu chưa xa đã nhớ…”
Sài Gòn những ngày cuối năm, là chạy xe cũng thấy bâng khuâng tự hỏi sao thành phố không lạnh thêm chút nữa để ta được diện ít áo ấm, khăn len. Lạnh thêm chút để ta có nơi rúc vào than thở rằng tay mình buốt hết rồi, Sài Gòn không chiều lòng người. Nên người ta đành phải chiều lòng cái thành phố đỏng đảnh này, người ta vẫn đi làm, đi học, đón con, yêu nhau rồi hạnh phúc. Sài Gòn cứ “ép” những người sống ở đây phải hạnh phúc, bất kể là mùa nào hay gió mưa ra sao. Sự ổn thỏa vốn dĩ đã là hạnh phúc.
Sài Gòn có lãng mạn chứ, lãng mạn trong cái mùi thơm của bánh ống dừa phảng phất ở góc ngã tư. Hay mùi bột của những chiếc bánh nằm ngăn nắp do tay người, lãng mạn như mà sơ sài quá. Sơ sài mà vui quá nè, Sài Gòn ơi?
Khép cửa lại để cùng mở ra
Chỉ còn 2 tuần nữa là cánh cửa của năm cũ đã khép lại, những vui buồn cũng đã hườm hườm chín để cho một mùa mới về. Chắc Sài Gòn cũng chẳng kịp làm gì tặng cho bạn đâu ngoài việc cứ hiền lành như thế. Rồi những ngày đó bạn xếp ít đồ vào balo, mang đôi giày đã cũ trở về nhà. Thì Sài Gòn vẫn ở đây, kiên nhẫn và an nhiên chờ bạn quay lại. Với một mớ yêu thương đã thu xếp trong lòng, bạn nhớ nghen, Sài Gòn vẫn ở đây thôi!
Những ngày cuối cùng rồi thôi đừng buồn nhiều nữa, thành phố vẫn vui vậy mà. Chiều nay bạn đi làm về thử ngước nhìn lên vòm cây xem, những mầm cây vẫn vươn mình sau cơn ngủ dài chờ đến lúc được ngát xanh mà. Đừng buồn vì những chuyện đã qua, vì những ngày cuối năm chỉ để thương yêu, hẹn hò và hạnh phúc.
Chúng ta nợ năm cũ những hoạch định còn dang dở, nợ những người cũ một lời xin lỗi, tha thứ hay thương yêu. Vậy thì nói đi, nói với nhau những điều chưa nói. Còn Sài Gòn thì hát tình ca với cây mandolin màu hồng, tiễn những ngày cuối năm bằng lời ca cũ.
Sài Gòn chào năm cũ nhé, chúc chúng ta mãi là những kỷ niệm đẹp của đời nhau!
” Thì thôi em tóc kia còn xanh
Thì xin cứ an lành.”
Hình ảnh bình yên của Sài Gòn vào những ngày cuối cùng của 2016 là một trong những bài viết nằm trong tuyến bài đặc biệt về Sài Gòn muôn màu của Tạp chí điện tử Saostar.
Những tình cảm, ký ức - những câu chuyện cảm động và đầy thú vị về Sài Gòn mà bạn có/ biết hay chứng kiến - Hãy gửi qua email: doisong@saostar.vn để cùng chia sẻ cho tất cả mọi người cùng “ấm áp”, bạn nhé!
Vì một Sài Gòn xinh đẹp và phát triển hùng mạnh, chúng tôi chào đón tất cả những người con - những người muốn thuộc về/ yêu mảnh đất này.