Không nhớ mặt bố, mẹ tinh thần không ổn định
Đang trò chuyện bà Đậu Thị Diệu (77 tuổi, trú xóm 14, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) chỉ một cô gái đang bước vào cổng, cho biết đây là người cháu ngoại đang ở cùng. Năm nay cháu của bà Diệu 17 tuổi và đang học… lớp 9. Thấy người lạ, em Nguyễn Thị Thân nhanh nhẹn chào khách rồi bước xuống bếp chuẩn bị bữa trưa.
“Cháu tôi có hoàn cảnh đặc biệt nên có học muộn hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Nhưng cháu rất ngoan và yêu thương ông bà, vừa đi học về lập tức dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm chứ không để ông bà vất vả”, bà Diệu nói.
Bà Diệu có nhiều người con, trong đó có một người con gái là chị Nguyễn Thị Toàn (47 tuổi). Cho đến một ngày, chị Toàn bất ngờ mất liên lạc, không thấy về nhà. Mọi người tỏa đi khắp nơi tìm kiếm, nhưng mọi thông tin về Toàn đều “bặt vô âm tín”.
“Lúc đó gia đình đi khắp nơi tìm kiếm nhưng không có tung tích gì. Cũng không biết con sống chết như thế nào. hiều người nói con tôi đã chết hoặc bị lừa bán sang Trung Quốc. Tôi không tin, vẫn hi vọng rằng sẽ có phép màu đến với con”, bà Diệu nói.
Năm tháng trôi qua, bất ngờ chị Toàn được một cặp vợ chồng quê huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đưa về nhà cùng cô con gái đã lên 7 trong sự ngỡ ngàng của người thân. Qua trò chuyện với cặp vợ chồng đưa chị Toàn về, gia đình mới hay chị bị bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông đã lớn tuổi ở vùng quê hẻo lánh.
Cuộc sống khổ cực lại thường xuyên bị đánh đập đã khiến chị Toàn bị suy kiệt, sức khỏe yếu hẳn đi dẫn đến việc tâm trí bị ảnh hưởng. Cặp vợ chồng này vốn làm ăn ở Trung Quốc, biết chuyện đến hỏi thăm thì lúc này chị Toàn đã phát bệnh thần kinh. Sau đó, họ đề nghị được đưa 2 mẹ con về Việt Nam.
“Sau khi về nước, Toàn phát bệnh nặng, thần kinh không ổn định. Nó khờ khạo, không thể lao động như trước. Thậm chí, nó chẳng còn nhớ rõ đường về nhà, đi đâu phải có người theo bên cạnh. Thời điểm đó cháu Thân còn quá nhỏ nên không biết gì”, bà Diệu nói.
Nghị lực của nữ sinh mang 2 dòng máu Việt - Trung
Theo mẹ về quê ngoại sống nhưng không nói được tiếng Việt, em Nguyễn Thị Thân bỗng nhiên trở nên lạc lõng. Mặc dù đã gần 10 tuổi, nhưng việc không có tình thương của bố mẹ, cuộc sống xa lạ ở quê nhà cùng với những lời nói bàn tán của người dân đã khiến Thân chịu tổn thương, sống khép mình và chỉ loanh quanh ở nhà với ông bà ngoại.
Ông Nguyễn Duy Viên (82 tuổi, ông ngoại Thân) cho biết, phải mất hơn 1 năm chuyện trò, tập nói bập bẹ, người cháu gái của ông mới chịu tập làm quen với cuộc sống mới và tới trường học chữ. “9 tuổi nó mới học lớp 1 nên lúc đầu thường bị bạn bè trêu chọc. Nhưng con bé luôn cố gắng để theo kịp bạn bè, từ trường về cháu cũng không đi đâu mà ở nhà giúp ông bà công việc hằng ngày”, ông Viên nói.
Cố gắng bắt chuyện với nữ sinh này, Thân ngại ngùng cho biết em không còn nhớ gì về hình ảnh người bố của mình nữa. 17 tuổi nhưng mới học đến lớp 9, nhưng Thân cho biết chương trình học ở trường của mình ngày càng trở nên dễ dàng hơn nhờ sự quan tâm và động viên rất lớn của thầy cô.
Lúc đầu, hai mẹ con Thân sống chung cùng ông bà ngoại già yếu trong căn nhà tình thương của nhà nước hỗ trợ xây dựng. Nhà nghèo, mọi sinh hoạt của gia đình Thân đều trông chờ vào mấy sào ruộng canh tác. Sau đó, chị Toàn được một người quen ở Hà Nội nhận cưu mang, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Căn nhà nhỏ chỉ còn lại Thân và ông bà ngoại.
“Nhiều lúc thấy các bạn đi học về được bố, mẹ đưa đón, em cũng rất tủi. Nhưng hoàn cảnh gia đình mình như vậy rồi thì đành phải chấp nhận. Hiện em chỉ muốn học xong lớp 12 để đi làm kiếm tiền phụ giúp ông bà”, cô nữ sinh cho hay.
Ông Nguyễn Duy Ninh, Bí thư chi bộ xóm 14 cho biết, hoàn cảnh hai mẹ con chị Toàn rất éo le sau khi từ Trung Quốc trở về.
Sau khi mẹ con chị Toàn về quê, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện và hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng cho mẹ con chị một căn nhà cấp 4 nhỏ để sinh sống.