Trong căn nhà nhỏ nằm sát Bệnh viện K (Thanh Trì, Hà Nội), chị Phan Thị Hoa (50 tuổi) dưng dưng khi kể về cuộc đời đầy sóng gió của mình. 20 tuổi chị theo chồng về lập nghiệp ở đất Tam Hiệp (huyện Thanh Trì).
Năm 1985, chị sinh con gái đầu lòng. Những tưởng có thêm thành viên mới cuộc sống sẽ đầm ấm, hạnh phúc hơn nhưng ý nghĩ “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo” của chị đã bị chính người chồng dập tắt. Dù đã có con nhưng chồng vẫn không chịu làm ăn chỉ sa vào cờ bạc, rượu chè. Mỗi khi say, người đàn ông đó lại lôi chị ra đánh.
Nhớ lại những trận đòn "thập tử nhất sinh" của chồng mắt chị chia sẻ: “Cứ mỗi lần say anh ta lại lôi tôi ra đánh, có lần lấy gạch đập vào đầu phải khâu tới 7 mũi. Lần khác, anh ta còn buộc chéo tay ra sau cổ đánh, tôi ngất đi anh ta lại lấy nước canh hắt vào mặt".
Nhìn con trai khôn lớn, ngoan ngoãn chị cảm thấy được tiếp thêm động lực. Ảnh: Lường Toán. |
Không chỉ bị đánh đập, chị còn chịu cảnh chung chồng với người đàn bà khác khi đứa con thứ 2 mới chào đời. Vì các con, chị đành nhẫn nhịn.
15 năm nhịn nhục, chị bị đẩy khỏi nhà với 2 bàn tay trắng. Chị Hoa lang thang khắp nơi nhặt ve chai trên chiếc xe đạp cà tàng, kiếm tiền nuôi các con. Sau đó ít lâu, người chồng cũng qua đời vì rượu.
Những ngày vất vả mưu sinh, chị gặp người đàn ông kém mình 5 tuổi. Cùng chung số phận lở dở một lần đò, 2 mảnh ghép tìm đến nhau để xoa dịu nỗi đau. Nhưng thật trớ trêu, về sống chung chị mới biết người đàn ông của mình nghiện ma túy. Do đang mang thai nên chị đành chấp nhận.
15 năm làm vợ hờ nhưng 9 năm chị phải lặn lội vào trại cải tạo huyện Thanh Chương (Nghệ An) rồi trại cải tạo ở Ba Vì, Sóc Sơn (Hà Nội) tiếp tế do chồng phải đi cải tạo. "Có chồng cũng như không", chị nghẹn ngào. Tương tự như người chồng cũ, mỗi khi lên cơn nghiện, anh ta lại đánh đập chị.
Bù lại nỗi đau ấy, con trai của chị khôi ngô, ngoan hiền. Đó là món quà tinh thần mà người phụ nữ này may mắn có được.
Hiện, mỗi tháng chị vẫn vào trại tiếp tế cho chồng. "Đã là vợ chồng thì phải sống cho trọn tình trọn nghĩa", chị nói.
Lái xe ôm, làm từ thiện
Ngày mới của chị bắt đầu từ lúc 5h. Sau khi tỉnh giấc, người đàn bà này chạy xe máy ra trước cổng Bệnh viện K chở khách. Đến khoảng 6h30, chị về cho con ăn rồi đưa đi học, sau đó lại về bệnh viện. Những ngày nấu cơm hoặc cháo từ thiện, chị dậy sớm hơn để sang viện cùng mọi người đi chợ, nấu thức ăn, phát cho bệnh nhân nghèo.
Hàng tuần, chị Hoa hăng hái tham gia phát cơm, cháo cho các bệnh nhân ung thư, Bệnh viện K Thanh Trì. Ảnh: Lường Toán. |
Với số tiền kiếm được khi chở khách và cho thuê phòng, chị tiêu dè xẻn để dành dụm, góp công, góp sức vào các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh ung thư.
Ngoài tham gia nấu cháo cùng nhóm thiện nguyện Hòa Nhập, phát cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn (vào các chiều thứ 3 và thứ 6 hàng tuần), chị còn tự nguyện góp tiền cùng nhóm Thiện Đức và nhóm từ thiện chùa Phủ Linh Tây Hồ nấu cơm phát cho bệnh nhân.
"Mình khổ nhưng người ta còn khổ hơn nhiều. Có bao nhiêu tiền đã dùng hết để chữa bệnh rồi. Tiền ăn lại phải chắt chiu, tiết kiệm", chị trầm ngâm.
Chị Phạm Lan Hương (vợ anh Đỗ Minh Hòa, Trưởng nhóm Hòa Nhập) cho biết, chị Hoa tham gia nấu cháo từ thiện từ lâu.
"Dù cuộc đời chị ấy lắm truân chuyên, đau khổ thế nhưng chị ấy thật sự tốt tâm. Chỉ là bát cháo thiện nguyện nhỏ thôi nhưng tấm lòng của chị phần nào giúp bệnh nhân vơi đi một chút khó khăn", chị Hương chia sẻ.