Chạy thật nhanh khỏi phòng khám, chị òa khóc như một đứa trẻ. Bầu trời trong chị như sụp đổ, nghĩ về con và tương lai phía trước, trái tim chị nghẹn lại. Một mớ hỗn độn bám lấy tâm trí, chị không biết mình phải làm gì tiếp theo. Chị không chấp nhận được sự thật rằng con gái mình bị tự kỉ.
Đó là câu chuyện của chị Linh gần 7 năm về trước. Hiện tại, bé Bảo đã có thể nói và tham gia vào các hoạt động tập thể cùng bạn bè dù bé chưa thể biểu đạt hết cảm xúc của mình.
“Tôi đã khóc 1 tuần và không còn thiết sống nữa”
Đã 20 tháng tuổi, Gia Bảo - con gái thứ hai của chị Linh vẫn chưa nói được và có những biểu hiện lạ như không thích bố mẹ ẵm bế, chơi một mình và đặc biệt, bé chỉ lấy tay tâng đồ vật. Thấy vậy, chị Linh từ Hòa Bình đã đưa Bảo xuống khám tại Bệnh viện Nhi trung ương và được các bác sĩ chuẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Chị bắt đầu sụp đổ khi biết đây là một hội chứng rối loạn về thần kinh không thể chữa khỏi. Chị không hiểu tại sao điều này lại xảy đến với con chị. Chị trách móc bản thân rằng mình không tốt nên đứa con bé bỏng mới như vậy.
Sau đó, cả một tuần liền chị chẳng còn sức lực, nước mắt lúc nào cũng trực trào xuống. Tối đến, chờ Bảo ngủ say, chị Linh ôm con và khóc.
“Tôi khóc một tuần liền. Chỉ cần nhìn thấy con, tôi lại khóc. Có những lúc, tôi tự trách mình và cũng không còn muốn sống nữa. Nhưng rồi tôi nghĩ, nếu tôi chết đi thì con gái tôi phải làm sao đây?” - chị Linh nghẹn ngào nói.
Bằng sự động viên của bác sĩ, chị Linh hiểu nước mắt không giải quyết được vấn đề, mà chỉ bố mẹ mới giúp trẻ điều trị và cùng chiến đấu trong chặng đường phía trước.
“Tôi nghỉ việc để cùng con chiến đấu”
Để giúp con gái, từ người không biết gì về tự kỷ, chị bắt đầu tìm hiểu tài liệu. Thấy con gái càng ngày càng khó gần với mọi người, chị Linh quyết định nghỉ việc.
“Năm 2014, tôi quyết định nghỉ việc để ở nhà chăm con. Là giáo viên mầm non, tôi hiểu đồng nghiệp vất vả như thế nào và càng không muốn nhìn thấy con chơi một mình nên tôi đã bàn với ông xã rằng chúng ta phải quyết đấu một trận”.
Nhìn sự cương quyết của chị, anh Bảy (chồng chị Linh) ủng hộ ngay. Để đảm bảo cuộc sống, anh Bảy đã chuyển từ bộ đội qua làm kinh tế.
Thời điểm đó, ở Hòa Bình chưa có trung tâm nào hỗ trợ trẻ tự kỷ, mọi người cũng còn lạ lẫm với khái niệm “tự kỷ”. Chị Linh đã tham gia khóa học Giáo dục đặc biệt tại trường Sư phạm Trung ương và Khoa Tâm bệnh của bệnh viện Nhi Trung ương. Bằng kiến thức được học cùng sự giúp đỡ tận tình của các bác sĩ, chị Linh tự tin hơn trong hành trình này.
Chị Linh dạy con tập nói từng chữ và cho bé tiếp xúc với các hình vẽ. Bé bắt đầu bập bẹ và biết chỉ trỏ vào những hình ảnh được dạy. Tưởng chừng mọi sự thuận lợi, nhưng không, một lần nữa chị Linh nhận được tin dữ.
Nước mắt rơm rớm, chị nhớ lại: “Bảo lên cơn co giật và được chẩn đoán bị động kinh. Tai tôi ù đi. Tôi chẳng nghe thấy gì nữa. Cảm giác như chết đi lần thứ hai, đau đớn hơn gấp trăm lần. Nhìn con trên giường bệnh, tôi thương vô cùng!”.
Những gì được dạy, bé Bảo đều quên sạch sau mỗi lần bệnh động kinh tái phát. Giống như cơn bão, mỗi lần quét qua làm tan tành tất cả những gì chị xây dựng được, chị ví. Tuy nhiên, bằng trái tim của một người mẹ mách bảo rằng mọi chuyện sẽ qua, chị lại đứng dậy tiếp tục các phương pháp điều trị khác.
“Nếu cơn bão thổi qua, nhà lại đổ thì tôi sẽ xây lại. Nhưng điều này chứng tỏ cách dạy của tôi chưa hiệu quả nên móng nhà mới không vững. Tôi lại tìm và nghiên cứu cách điều trị khác tốt hơn”.
Không mong con trở thành bác sĩ, giáo sư mà chỉ cần con sống bình thường và hạnh phúc
Nhớ lại quãng đường 7 năm đã đi, chị Linh từng đôi lần gục ngã bởi những lời đàm tiếu của hàng xóm xung quanh. Họ nói vì vợ chồng chị bận rộn với công việc kiếm tiền, để con một mình nên con bị bệnh là lẽ đường nhiên. Không phải vậy! Chị Linh muốn đến nói với từng người câu đó.
Nhớ đến đây, chị Linh không kìm nổi nước mắt. Lấy lại bình tĩnh, chị giãi bày:
“Bản thân tôi không hiểu tại sao mọi người có thể nói những lời đó. Vì tôi cũng làm mẹ, tôi cũng thương con tôi lắm chứ! Nhưng tôi có được quyết định cuộc đời con mình đâu? Nhìn con nhà người khác tầm tuổi như con tôi, biết nói, biết chơi, biết học… tôi thèm khát lắm chứ. Mong con bằng một nửa như con người ta thôi tôi cũng bằng lòng!”.
Trời chẳng lấy hết của ai bao giờ! May mắn cho chị Linh, gia đình luôn ở bên cạnh động viên, giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất. Đặc biệt, cô con gái lớn - Gia Bình (năm nay học lớp 7) luôn biết nghe lời và thương em.
Hiểu nỗi vất vả của mẹ, Bình tỏ ra như người chị cả trong nhà. Không đợi bố mẹ nhắc nhở, Bình luôn tự lập trong sinh hoạt và học tập. Vì em gái không giống như người khác nên cô bé càng yêu em nhiều hơn.
Bằng sự kiên trì và tình yêu thương của gia đình, bé Bảo đã điều trị khỏi bệnh động kinh và chứng tự kỉ có những dấu hiệu tích cực.
Hôm đó là ngày mùa thu rất đẹp với bầu trời xanh và nắng vàng. Chị Linh đi chợ về. Như mọi lần, đứng trước cửa nhà chị gõ cửa và gọi: “Gia Bảo ơi! Mẹ đã về. Gia Bảo à, mẹ về rồi đây!”.
Đợi một hồi lâu, không thấy bóng dáng con gái nhỏ đâu, chị thấp thỏm.
“Bảo ơi, mẹ nói là mẹ về rồi này! Gia Bảo của mẹ ơi!”
“Mẹ! Mẹ!”. Cô bé lon ton chạy từ trong nhà ra và gọi.
Chị có nghe nhầm không? Đứa con gái của chị vừa gọi “Mẹ” một cách rõ ràng. Trái tim thổn thức, đập rộn ràng trong lồng ngực. Vứt túi xuống đất, chị Linh lao vào ôm chầm lấy con. Chị khóc òa như đứa trẻ. Một tiếng “Mẹ” thiêng liêng và cao cả. Là điều mà chị đã chờ đợi biết bao năm qua.
“Tôi và con đã ngã ra sàn nhà vì tôi lao nhanh quá. Đến nỗi trán Bảo còn sưng u một cục. Tôi đã khóc ướt hết vai áo con. Trái tim tôi cứ đập liên hồi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi hạnh phúc lắm. Không biết diễn tả như thế nào nữa. Tôi cảm nhận Bảo hạnh phúc vì có thể con không biết biểu lộ cảm xúc nhưng trái tim con cũng đập nhanh, trái tim không thể nói dối”.
Sóng gió qua đi, mặt trời lại ló rạng!
Đúng vậy, mặt trời dường như đã chiếu sáng căn nhà chị Linh. Bé Bảo đã biết nói, dù chưa sõi hoàn toàn nhưng đó là kỳ tích của cả gia đình.
Hiện nay, Bảo 7 tuổi và đang học năm thứ hai lớp 1. Hằng ngày, chị Linh vẫn đến lớp cùng con. Con đi học, mẹ cũng đi học. Nếu có người nào đó tò mò tại sao, chị không chần chừ nói rằng con tôi là trẻ tự kỷ. Vì chị hiểu cộng đồng xã hội rất quan trọng. Những gia đình như chị cần được mọi người cảm thông và thấu hiểu.
Sau bằng đấy năm chiến đấu cùng đứa con bé bỏng, chị chấp nhận chứ không hề than oán. Trái tim của người mẹ ngày một mạnh mẽ và nỗ lực yêu thương con nhiều hơn vì mọi sự cố gắng đều đem lại kết quả.
“Chưa một lần tôi trách Bảo. Đứa trẻ nào cũng cần cha mẹ yêu thương, nhất là khi con tôi là trẻ tự kỷ. Tôi chẳng hề mong con sẽ thành bác sĩ hay giáo sư, chỉ cần con sống bình thường và hạnh phúc”.