Rùa biển đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đại dương và bãi biển. Đây là loài giúp duy trì được chuỗi thức ăn của biển cả, tác động mạnh mẽ đến sự sống còn của nhiều loài khác sống dưới nước nhưng chính chúng lại mỏng manh và dễ bị đe dọa nhất.
Nhằm ghi lại sự dễ tổn thương của rùa biển cũng như công tác bảo tồn loài này ở Côn Đảo, nhiếp ảnh gia Hoan Phan đã thực hiện bộ ảnh ở đây qua máy ảnh film, vì theo anh, ngoài hạn chế tác động tiêu cực thì việc cần làm hơn cả đó chính là nâng cao nhận thức của mỗi người về tự nhiên.
Mỗi năm, rùa biển đẻ chỉ vài lần và mỗi lần chỉ khoảng trăm trứng. Trong số đó không quá nhiều trứng được nở, nhưng khi đã nở thì cao lắm là 1 hoặc vài cá thể còn sống sót được cho đến khi trưởng thành. Nói cách khác, chỉ 1/1.000 cá thể rùa có thể tồn tại được đến lúc lớn lên.
Sứ giả của đại dương, người đem lại sự sống cho cả hệ sinh thái biển, vốn đã luôn bị tự nhiên chầu chực để tước mạng, thì nay lại xuất hiện thêm nguy cơ đe dọa từ loài người. Bằng cách này hay cách khác, con người luôn có cách khiến số lượng rùa sinh ra vốn đã ít nay càng ít hơn.
Tháng 7 hằng năm, những người trẻ tham gia chương trình tình nguyện bảo tồn rùa biển lại đi đến hòn Bảy Cạnh ở Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đây là đảo có số lượng rùa sinh sản nhiều nhất ở Việt Nam do bãi biển dài, đẹp và sạch. Ở Việt Nam hiện còn 5 loài rùa biển được đưa vào trong Sách Đỏ gồm: Rùa Da, Vích (hay còn gọi là Rùa Xanh), Đồi Mồi, Quản Đồng và Đồi Mồi Dứa. Côn Đảo phổ biến nhất với loài Vích.
Từ khi kỷ nguyên công nghiệp được bắt đầu, các sinh vật biển đã phải chịu thiệt hại nặng nề do rác thải của con người được đổ trực tiếp vào đại dương. Theo ước tính, hơn 81 triệu tấn chất thải nhựa trôi ra đại dương mỗi năm từ các vùng ven biển. Ngoài xả rác, các hoạt động khác của con người như săn bắt bừa bãi đã tác động nghiêm trọng khiến nhiều loài trong đó có rùa biển đang phải đối mặt với thảm kịch tuyệt chủng.
Bất cứ nơi nào rùa biển tồn tại thì biển ở đó rất sạch vì chúng ăn cỏ biển và tạo môi trường thích hợp cho các loài khác sinh sống. Phải mất gần 30 năm để một con rùa biển đến tuổi sinh sản nhưng chúng đang phải đối mặt với những mối đe dọa lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm và tuyệt chủng do săn bắn. Có khoảng gần 42.000 con rùa biển đang bị săn bắt mỗi năm vì mục đích thương mại.
Tại các khu du lịch, thịt rùa biển vẫn được phục vụ như một món đặc sản của địa phương. Người ta vẫn đồn tai nhau về món trứng rùa. Phần lớn khách du lịch ăn trứng rùa để thỏa mãn khẩu vị và sự tò mò. Trên thực tế, trứng rùa chứa cholesterol cao hơn 20% so với trứng gà và luật pháp cũng đã quy định rằng tiêu thụ trứng rùa cùng thịt rùa là bất hợp pháp có thể lãnh án đến 3 năm tù.
Để bảo vệ rùa biển thoát khỏi những sự đe dọa nhiều nhất có thể, các tình nguyện viên ở hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo đã thực hiện bảo tồn chúng. Mỗi ngày, cứ đều đặn vào lúc 5 giờ sáng, các kiểm lâm viên của Vườn Quốc gia Côn Đảo sẽ đi xuồng cao su đến bãi biển Xi-măng, một bãi biển nhỏ trên hòn Bảy Cạnh, có khoảng từ 250 đến 300 quả trứng rùa được lấy từ đó mỗi ngày để mang về khu vực ấp trứng.
Số lượng rùa biển đã giảm 75% trong 60 năm qua do nạn săn bắt, chúng cần được bảo tồn trước khi tuyệt chủng. Ngoài ra, nhiệt độ của Trái Đất đang tăng lên nhanh chóng qua từng năm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ giới tính của loài rùa biển, điều đó có nghĩa là trong tương lai sẽ có nhiều rùa cái hơn rùa đực.
Trứng rùa mất từ 45 ngày đến 60 ngày để nở. Nhằm bảo vệ tổ rùa, ổ trứng được úp sọt khoảng từ 1 đến 2 tuần trước khi nở. Sau khi nở, bầy rùa con đợi nhau rồi bắt đầu trồi lên cùng một lúc. Những giỏ nhựa này không chỉ giúp bảo vệ trứng rùa mà còn giúp các tình nguyện viên thu thập rùa con để thả chúng ra biển một cách an toàn, thay vì để chúng tự đi cả một quãng đường dài đầy nguy hiểm để đến được đại dương.
Ngoài chủ động bảo vệ rùa biển từ lúc còn trong trứng đến lúc trưởng thành, Vườn Quốc gia Côn Đảo cũng phát triển du lịch nhằm tạo được nguồn tài chính để duy trì hoạt động bảo tồn. Du lịch theo cách nào đó cũng góp phần vào hoạt động bảo vệ mẹ thiên nhiên, nhưng mỗi người cần đi du lịch một cách có trách nhiệm để cứu sống hành tinh này.
“Con người chỉ là 0,01% của tất cả sự sống trên Trái Đất nhưng không có loài nào khác gây hại cho thiên nhiên nhiều hơn loài người. Nếu chúng ta muốn duy trì sự cân bằng mà thiên nhiên đã tạo ra, chúng ta nên liên tục đặt câu hỏi về hành vi hàng ngày và lối sống hiện tại gây ra các vấn đề môi trường. Con người phải có một sự thay đổi căn bản và ngay lập tức trong hành vi hàng ngày của mình. Hành động của chúng ta sẽ quyết định tương lai của tất cả các loài”, anh Hoan Phan, nhiếp ảnh gia thực hiện bộ ảnh chia sẻ.