Mấy chục năm về trước, ông Nguyễn Văn Ngọc (65 tuổi) kiếm sống bằng nghề chạy xe ba gác trong một căn nhà nhỏ hẹp ở đường Đoàn Văn Bơ (Quận 4).
Sống trong cảnh nghèo khó túng quẫn, nên khi sinh hai con trai, mộng thoát nghèo đã thôi thúc ông đặt tên con là Nguyễn Văn Ngà và Nguyễn Văn Châu, mong con sớm có được cuộc sống “ngọc ngà châu báu”.
Ở nhà, ông đặt tên mụ cho con, gọi Ngà (sinh năm 1988) là Lỳ và Châu (sinh năm 1990) tên Tý.
Hằng ngày, ông chạy xe ba gác vợ quần quật buôn gánh bán bưng với mâm chuối chiên, khoai luộc, để hai đứa con ở nhà tự chăm sóc lẫn nhau.
Lên 10 tuổi, Lỳ đã biết được những điều khác lạ trong bản thân mình. Cậu bé thích son, phấn, thích đầm váy và bước đi uyển chuyển. Suốt thời niên thiếu, Lỳ bộc lộ cá tính mạnh mẽ, có cảm xúc với những bạn nam.
Không chơi đùa với những bạn nam cùng xóm, thường chơi nhảy dây, nắn đất sét búp bê với tụi con gái trong xóm. Chuyện này nhanh chóng được hàng xóm chú ý. Thời ấy, cộng đồng LGBT là một khái niệm gì đó rất lạ, Lỳ thường xuyên bị dèm pha xầm xì như: “đồ bê đê”, “trông dị dị”, “kỳ cục”… khiến Lỳ cảm thấy bị tổn thương.
Trong cái xóm nhỏ ấy, lời thị phi cũng đã nhanh chóng đến tai ông Ngọc. Người đàn ông cảm thấy xấu hổ khi bị làng xóm chỉ trỏ. Không nói không rằng, ông Ngọc chỉ biết trút đòn roi lên người Lỳ, cắt phăng mái tóc, bắt con ăn mặc như con trai.
Tý thấy cảnh Lỳ bị cha đánh chỉ biết câm lặng, che giấu một bí mật lớn, bởi Tý cũng cảm nhận mình muốn trở thành một người con gái.
Cú sốc về Lỳ chưa nguôi, ông Ngọc bắt đầu để ý và thấy Tý cũng giống chị. Nhưng cô kín đáo hơn, chỉ dám thay đồ nữ, trang điểm ở nhà bạn đi chơi.
Tuy nhiên, ông Ngọc như chết lặng khi thấy con mình “nửa trai nửa gái”, mặt tô son, đánh phấn kỹ càng. Tức giận đùng đùng, ông lôi Tý về nhà, trận đòn roi lại tiếp túc trút xuống.
Cha khóc, con khóc, mẹ khóc, cả gia đình nghẹn ngào nước mắt. Lúc ấy, cậu bé nhỏ tên Lỳ chịu không được áp lực gia đình cũng bỏ theo đoàn lô tô, không để lại lời từ biệt.
Sau khi bỏ xứ đi, Hai anh em cũng dần bỏ đi cái tên nam tính mà thay bằng bé Hai (Ngà) và bé Ba (Châu). Trong ký ức của hai chị em khi ấy, bé Ba nhớ mình đã bị bố cạo đầu tổng cộng 4 lần, có lần bị xiềng xích không cho ra ngoài.
Khi thấy con bỏ đi biền biệt, người bố bắt đầu day dứt, mỗi ngày đối với ông chính là một sự dằn vặt nội tâm. Nhớ con, ông Ngọc bắt đầu chấp nhận dần dần. Ông bắt đầu hiểu ra, giới tính là những điều tự nhiên và vốn dĩ, không thể lựa chọn cũng không thể cưỡng cầu.
Khi nhìn thấy những vết sẹo chi chít trên người con, ông cảm thấy rất hối hận. Ông khuyên con nên học một cái nghề nào đó bởi với giới tính đặc biệt, ông lo sợ con mình không tìm được việc ở các công ty. Cùng lúc, chuyện làm ăn của ông Ngọc cũng trắc trở, họ phải bán căn nhà ở quận 4 để dọn về trong phòng trọ ở huyện Bình Chánh.
Khi ấy, bé Ba kinh doanh một xe bánh rán nhỏ và được mọi người ủng hộ nhiệt tình. Sự tháo vát của bé Ba khiến xe bánh rán nhỏ của cô đắt hàng. Ông Ngọc thấy con vững vàng, thầm yên tâm nhưng nhớ đến bé Hai dãi nắng dầm mưa, rày đây mai đó với đoàn lô tô nên gọi cô về.
Bé Hai cũng mở quầy xôi kế bên cạnh em gái. Nhìn con vất vả mỗi ngày, ông Ngọc dường như đứt hết ruột gan. Vì thế, khi hai con bày tỏ ý định chuyển giới, ông đồng ý ngay. Năm 2015, ông đưa bé Ba ra sân bay đến Bangkok (Thái Lan) phẫu thuật và bé Hai là năm 2018.
Hiện tại, cuộc sống có khó khăn và vất vả hơn, thế nhưng ông Ngọc vẫn thấy vui và xem 2 con gái là báu vật quý nhất cuộc đời. Ông thấy hạnh phúc vì được sống cùng con, được con chăm sóc mỗi ngày kể cả lúc bệnh tật ốm đau.