Bệnh nhân là nam giới, 61 tuổi, ở đường Nguyễn Viết Xuân, Quang Trung, Hà Đông, vào Bệnh viện 103 ngày 24/7 và tử vong sau 2 ngày do tình trạng xuất huyết quá nặng.
Đây là ca tử vong thứ 5 tại Hà Nội tính từ đầu năm do SXH. Trong đó, 3 trường hợp là người lớn mắc SXH trên nền bệnh cảnh khác (nhiễm khuẩn, đái tháo đường, huyết áp cao, rung nhĩ), và một trường hợp 8 tuổi dương tính với SXH kèm bệnh cảnh sốc nhiễm khuẩn.
Theo báo cáo của ngành y tế, Hà Nội hiện đứng thứ 2 cả nước về số người mắc SXH. Tính đến 31/7, Hà Nội có hơn 8.459 trường hợp SXH và 90% đã điều trị khỏi. Hiện còn 958 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện, trong đó có 5 người đã tử vong. Số ca mắc tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, cao nhất ở quận Đống Đa, tiếp đó là Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông…
Ông Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, dịch SXH năm nay đến sớm và có diễn biến phức tạp, theo nhận định trong thời gian tới số ca mắc SXH trên địa bàn có thể tiếp tục gia tăng, do thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi phát triển mạnh.
Hiện nay, Sở Y tế đã thành lập 4 đoàn đi kiểm tra và phối hợp phòng chống dịch bệnh tại các quận huyện. “Khó khăn của Hà Nội trong việc dập dịch SXH là vấn đề liên quan đến xử lý bọ gậy, nhất là các công trường xây dựng. Sở Y tế đề nghị cho phép thành lập các Tổ diệt bọ gậy xung kích, mỗi tổ có 2-3 người chịu trách nhiệm từ 20-30 hộ gia đình rà soát, kiểm tra SXH tại các địa phương để kiểm soát dịch”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề xuất.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Y tế đôn đốc quyết liệt xử lý dịch SXH, đặc biệt là phun thuốc diệt muỗi, hướng dẫn người dân diệt lăng quăng, bọ gậy
Để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe người dân, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Y tế khẩn trương nghiên cứu mua, lắp đặt phòng xét nghiệm hàng đầu thế giới để phục vụ tốt nhất công tác chẩn đoán bệnh; chú ý quy trình đấu thầu thuốc, vật liệu y tế, không để đội giá, trục lợi.