Hàng trăm tài xế bức xúc, đi khắp tuyến phố “phản đối Grab tăng chiết khấu thuế VAT lên đối tác tài xế”
Ngày 7/12, hàng trăm tài xế Grab đồng loạt tắt ứng dụng, “diễu hành” quanh khu vực Hồ Gươm, nhiều tuyến phố tại thủ đô Hà Nội căng băng rôn có dòng chữ “phản đối Grab tăng chiết khấu thuế VAT lên đối tác tài xế”.
Theo chia sẻ của số đông các tài xế, việc liên tục tăng chiết khấu của hãng xe là bất hợp lý, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của đối tác. Họ cho biết, khi kí hợp đồng với hãng này Grab chỉ thực hiện chiết khấu ở mức 15% nhưng sau đó hãng xe công nghệ này liên tục tăng mức chiết khấu một cách chóng mặt, lên 20% vào tháng 8/2017, nay lại tăng tổng tỉ lệ chiết khấu lên đến 30%.
Anh Trần Văn Nhất (32 tuổi, Nga Sơn, Thanh Hoá) bức xúc cho biết hiện các tài xế GrabBike ngày càng phải cạnh tranh gay gắt không những với các tài xế hãng xe công nghệ khác mà còn với chính đồng nghiệp của mình. Do đó, việc Grab tiếp tục tăng chiết khấu khiến cho thu nhập của các tài xế ngày một giảm không còn ổn định như trước đây.
"Việc chạy Grab càng ngày càng khó khăn. Chúng tôi vừa phải đối mặt với sự cạnh tranh nhiều hơn từ các hãng xe ôm công nghệ khác mà các khoản chi phí cũng đồng loạt tăng lên.
Công ty không những không chia sẻ, khuyến khích mà còn tăng chiết khấu một cách vô lý khiến chúng tôi rất bức xúc. Bản thân mỗi tài xế chúng tôi, để thực hiện một cuốc xe phải chi trả rất nhiều khoản như xăng, hao mòn máy móc, tiền điện thoại... Nếu tăng đến 30% như hai ngày qua thì chúng tôi không thể chịu được nữa, khác nào chúng tôi làm không công", tài xế Nhất chia sẻ.
Theo nhiều tài xế mọi người tắt ứng dụng để phản đối chính sách mới của hãng xe công nghệ. Đến trưa, các tài xế tiếp tục kêu gọi gay gắt hơn khi Grab hẹn giải quyết vụ việc trong khoảng thời gian 15 ngày tới. Do đó, không ít tài xế tỏ ra bức xúc, họ cho biết sẽ tiếp tục kêu gọi mọi người tắt ứng dụng, đình công cho đến khi sự việc được giải quyết thỏa đáng.
Grab nói gì?
Liên quan đến vụ việc này, tối 7/12, đại diện Grab cho hay doanh nghiệp này đang tuân thủ chặt chẽ Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, Luật Quản lý thuế 2019, các văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan chức năng. Đặc biệt là Nghị định 126/2020/NĐ-CP (NĐ 126), có hiệu lực từ ngày 5/12/2020.
Theo quy định của NĐ 126, thuế VAT 10% (theo pháp luật thuế mà Grab đang thực hiện) được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, trong đó gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế.
Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Chiết khấu khi sử dụng ứng dụng Grab đối với đối tác tài xế vẫn giữ nguyên.
Tuy nhiên, theo NĐ 126, cá nhân hợp tác kinh doanh mà cụ thể là đối tác tài xế không thuộc trường hợp trực tiếp khai thuế, nộp thuế nên doanh nghiệp có trách nhiệm thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế.
Vì vậy, phần thuế Grab khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai, và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của NĐ 126. Số thuế này đã được nộp cho Kho bạc Nhà nước và đã được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
“Về việc các tài xế tụ tập căng băng rôn khẩu hiệu, còi xe inh ỏi, gây rối trật tự công cộng, trong ngày hôm nay, sai tới đâu thì phía cơ quan chức năng sẽ xử lý tới đó. Còn Grab không giải quyết vấn đề này. Việc các tài xế thắc mắc thì chúng tôi cũng đã giải thích”, đại diện Grab thông tin.
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng trong các loại hình vận tải thì xe ôm công nghệ, taxi công nghệ là loại hình mới mà hệ thống pháp luật đang dần dần từng bước hoàn chỉnh để quản lý loại hình vận tải này bởi vậy việc phát sinh những tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên liên quan là có thể xảy ra.
Trong thời gian gần đây các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý, thu thuế của loại hình xe công nghệ này có những thay đổi đáng kể. Cụ thể, theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế, thì từ ngày 05/12/2020, mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu.
Theo luật sư Cường, quy định này, nếu thuế GTGT với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu và cước vận tải giữ nguyên, thu nhập của tài xế sẽ giảm 8%. Ví dụ, một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng thì tài xế nhận về khoản doanh thu 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối).
Với quy định tại Nghị định 126, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng. Bản chất của thuế giá trị gia tăng là thu của người tiêu dùng, doanh nghiệp vận tải tăng vào giá cước để thu của người tiêu dùng nộp cho nhà nước chứ không phải là thuế mà doanh nghiệp phải nộp.
Với taxi công nghệ thì lái xe phải nộp thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn thuế giá trị gia tăng được tính vào giá thì khách hàng phải nộp. Tuy nhiên việc xác định thuế giá trị gia tăng sẽ làm tăng giá cước phí.
Không những thế, doanh nghiệp này đang có xu hướng những chi phí, thiệt thòi về phía người lái xe. Theo một số lái xe cho biết họ phải thu nộp về công ty đến 20%, thậm chí đến 30 % thuế giá trị gia tăng chứ không phải 10% như quy định. Chính vì vậy một số lái xe đã phản đối chính sách của hãng xe công nghệ này.
Luật sư Cường cho rằng, trong trường hợp các lái xe công nghệ không đồng ý với chính sách mới của doanh nghiệp thì có quyền thể hiện thái độ, nêu ý kiến của mình với doanh nghiệp. Tuy nhiên việc phản đối, tụ tập đông người không được gây mất an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng.
"Trường hợp các lái xe quá khích tập trung đông người hò hét, đập phá, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội làm doanh nghiệp không thể hoạt động được hoặc gây ách tắc giao thông thì sẽ bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Còn trường hợp những người lái xe phản đối một cách "có trật tự", có kỷ luật không ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì vấn đề này pháp luật cho phép.
"Có thể nói rằng người lái xe công nghệ mà người lao động vất vả, họ là lực lượng chính tạo ra giá trị cho các hãng xe công nghệ và họ đang phải chịu rất nhiều những thiệt thòi, rủi ro. Mỗi khi có chính sách mới thay đổi thì doanh nghiệp thường đẩy phần trách nhiệm, thiệt thòi cho người lái xe bởi vậy đã không ít lần các lái xe phản đối các chính sách mới của các hãng xe công nghệ.
Vấn đề này các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem xét cân nhắc để có những điều chỉnh phù hợp trên cơ sở pháp lý cũng như đảm bảo đời sống của người lao động", luật sư Cường chia sẻ quan điểm.