Ở Sài Gòn, nghe nói về những con phố cổ, có người lại bảo khùng? Bởi lẽ tự nhiên thôi. Bấy lâu nay người ta chỉ quen với ồn ào, tấp nập và đèn hoa diễm lệ. Mấy ai để ý rằng, giữa lòng Sài Gòn vẫn còn có một khu chợ cũ chỉ bày bán những thứ thuộc về quá khứ. Chợ Dân Sinh hơn 60 năm vẫn lặng thầm cất giữ kỷ niệm thời gian cho thành phố như thế.
Nằm ngay trung tâm quận 1 và được bao bọc bởi 4 con đường sầm uất: Yersin, Ký Con, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Công Trứ, nhưng điều lạ là chợ Dân Sinh lâu nay vẫn mang trong mình vẻ trầm lặng khác hoàn toàn với thành phố. Gọi là chợ, chứ chẳng mấy khi ồn ào tiếng rao bán, chào mời. Cứ như thể 60 năm về trước, chợ sống hoài cổ theo cách riêng của mình. Vì ở đây, cả người bán lẫn khách mua đều là những người xưa cũ mãi hoài niệm về cái thời “Cô ba Sài Gòn, thời “Hòn ngọc Viễn Đông” ngày trước.
Thành lập năm 1954, có hơn 60 năm tuổi đời cũng là ngần ấy thời gian chợ Dân Sinh chỉ bày bán một mặt hàng duy nhất: Kỷ vật thời gian. Có khi là băng cát-xét đời trước, máy phát nhạc loa kèn, bi đông sắt, nón cối, thùng quẹt zippo, hay đơn giản là tờ bạc hoen ố, xấp ảnh trắng đen gỉ màu… Tuy chỉ có giá từ vài trăm đến triệu bạc nhưng tất cả đều đượm đầy màu thời gian.
Theo tiểu thương cho biết: Dân Sinh từng là một khu chợ sầm uất, đặc biệt chỉ chuyên bán đồ dùng thời xưa. Sau này, theo dòng chảy thời gian, nhiều cửa hàng không còn đủ sức đành phải đóng cửa. Hiện tại, Dân Sinh chỉ còn tầm 10 tiệm đồ cũ, cũng là những tiểu thương cuối cùng “vì tiếc kỷ niệm xưa” mà duy trì. “Ngày trước, ở đây chỉ có gian hàng đồ cũ thôi. Nhưng do lượng khách giảm xuống nên phải đóng cửa. Những người còn lại cũng chỉ vì thích mấy thứ đồ cũ mà giữ thôi.” - Chị Nga (một tiểu thương) chia sẻ.
Dù vậy, nhưng nói bỏ nghề, họ vẫn bảo không. “Chị bán từ thời ba mẹ đến nay nên nhiều kỉ niệm lắm. Có món đồ còn già tuổi hơn cả cuộc đời mình, lâu lâu lấy ra lau chùi còn thấy mùi xưa cũ thì biết bỏ nghề thế nào?”
Giờ đây, chợ Dân Sinh chỉ còn dành cho những ai đam mê hoài cổ, vì ưa cái cảm giác cà kê trả giá nên vẫn thường xuyên lui tới. Anh Hoàng (56 tuổi, một khách quen ở tiệm Thanh Nga) kể: “Sài Gòn cái gì cũng thay đổi hết, chỉ có con chợ Dân Sinh là vẫn xưa. Trưa nắng mà vô đây lòng vòng lựa mấy đồng tiền xu cũ, bàn chuyện về một món hàng nhiều tuổi với người bán, còn được nghe miễn phí vài bản nhạc cũ văng vẳng giọng Út Bạch Lan căng đét từ cát-xét nữa chứ. Vui lắm.”
Cứ vậy, dù chợ Dân Sinh đã đổi thay ít nhiều nhưng sứ mệnh của nó thì còn mãi. Như vết hoen ố trên đống đồ xưa cũ, như những tiểu thương cuối cùng của chợ cũng đã hơn 60 năm lưu giữ kỉ niệm thời gian cho người Sài Gòn vậy thôi.