Thế giới đang trải qua tình trạng thiếu lương thực sau khi ngành nông nghiệp toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những biến đổi thời tiết. Điều này được dự đoán rằng sẽ đẩy giá lương thực thế giới lên cao kỷ lục.
Thời tiết nắng nóng và hạn hán liên tục xảy ra do ảnh hưởng của El Nino đã khiến nền nông nghiệp nhiều nước lao đao, trong đó đáng kể nhất phải kể tới khu vực Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam. Đây là khu vực chiếm 60% tổng sản lượng gạo của thế giới.
Sản lượng gạo tại các quốc gia này được dự đoán sẽ giảm 19 triệu tấn trong năm nay, so với thời điểm năm 2013 khi lượng gạo tại khu vực sản xuất đạt 43 triệu tấn.
Theo ghi nhận tại nhiều nước, lượng gạo sản xuất đều giảm đáng kể. Tại Thái Lan, sản lượng vụ mùa chính năm nay chỉ bằng một nửa năm 2013 và được dự đoán là sẽ giảm khoảng 15,8 triệu tấn. Trong khi đó, tại đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa chính của Việt Nam, 593,000 hecta đất canh tác lúa đã bị mất trắng do hạn hán và xâm thực mặn.
Trầm trọng hơn, Philippines nay cũng đã phải nhập khẩu khoảng 500,000 tấn để dự trữ và đảm bảo an ninh lương thực cho thời điểm khó khăn sắp tới.
Tiến sĩ Samarendu Mohanty từ viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) chia sẻ trên tờ The Independent: “Không còn nghi ngờ gì nữa, lượng gạo cung cấp ra thị trường đang có nhiều biến động, kéo theo những thay đổi đáng kể trong mô hình cung-cầu”.
“Mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng lương thực này tùy thuộc vào những diễn biến sẽ xảy ra trong mùa mưa năm nay. Nếu tình hình tiếp tục xấu với hạn hán liên tiếp tại Ấn Độ và Indonesia, nó sẽ thực sự là một vấn đề lớn”.
Mùa mưa tại Ấn Độ kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9. Đây sẽ là thời điểm cung cấp 4/5 lượng nước cho nền nông nghiệp Ấn Độ trong cả năm.
“Tại thời điểm này, có thể tình thế vẫn chưa phải xấu nhất nếu so với thời điểm năm 2008 khi hạn hán lên tới kỷ lục. Tuy nhiên, nếu các quốc gia không hành động kiên quyết và tìm ra giải pháp, câu chuyện lịch sử hoàn toàn có thể lặp lại”, tiến sĩ Samarendu chia sẻ.
El Nino là sự thay đổi hình thái thời tiết chính trên toàn cầu. Hiện tượng này sẽ kéo theo sự tăng nhiệt độ và nước biển dâng, đặc biệt trong khu vực Thái Bình Dương.
Trong cuộc khủng hoảng năm 2008 tại châu Á, sản lượng gạo tại Ấn Độ giảm trầm trọng do hiệu ứng El Nino đã khiến quốc gia này phải thắt chặt lượng gạo xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Vào thời điểm đó, giá gạo đã bị đẩy lên thành 1,000 USD/tấn.
Tháng trước, giá gạo trên thế giới vào khoảng 389 USD/1 tấn. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái và được dự đoán là sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới.