Theo đó, dù thời gian định cư kéo dài từ thế kỷ 17 đến nay, nhưng tại nhà thờ của dòng họ vẫn còn lưu giữ rất nhiều hình ảnh về các cụ tổ, các cứ liệu truyền thống khoa bảng của con cháu qua các đời.
Đặc biệt, cứ liệu giá trị nhất mà dòng họ Phan Huy lưu giữ được cho đến tận ngày nay là 28 đạo sắc mà vua chúa thời phong kiến đã ban tặng cho các đời con, cháu của dòng họ.
Qua tìm hiểu của PV, từ triều đại phong kiến, nhiều người thuộc dòng họ Phan Huy đã cùng giữ các chức vụ cao cấp trong triều đình. Trong đó, phải kể đến 3 nhân vật nổi tiếng là cụ Phan Huy Cẩn, con trai cụ Cẩn là Phan Huy Ích và cháu nội cụ Cẩn là Phan Huy Chú.
Cả 3 vị tiến sĩ nói trên đều làm quan phục vụ trong triều đại Tây Sơn. Theo ông Phan Huy Anh, quyền tộc trưởng dòng họ Phan Huy, dân gian ngày xưa có câu “anh em đồng khoa, cha con đồng triều” là nói về 3 vị Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích và Phan Huy Chú.
“Chúng tôi rất tự hào với truyền thống khoa bảng và hiếu học của dòng họ mình. Các bậc tổ tiên thực sự là tấm gương sáng để con cháu các đời trong dòng họ chúng tôi noi theo”, ông Phan Huy Anh nói.
Theo sử cũ chép lại và hiện vẫn được treo tại nhà truyền thống của dòng họ Phan Huy, cụ Phan Huy Cẩn (1722 - 1789) hiệu là Thận Trai, đời thứ 7 của dòng họ Phan Huy, con thứ 6 của cụ Quận công Phan Văn Tĩnh. Từ nhỏ cụ là người nổi tiếng thông minh, năm 26 tuổi thi Hương đậu giải nguyên, 33 tuổi đỗ Hội Nguyên, thi Đình đỗ đồng Tiến sĩ.
Năm 1786, cụ về hưu và được thăng làm Tả thị lang, tước Khuê Phong Bá. Rồi được phong làm Bình Chương Sự kiêm chức Tham tụng. Làm Tả thị lang 3 Bộ: Bộ Hình, Bộ Binh và Bộ Lễ. Năm 1886, cụ Phan Huy Cẩn được đặc phong Bình Chương trọng sự (Tể tướng) - kiêm chức Quốc sử Tổng tài. Đến đời vua Khải Định thứ 9, do có nhiều công lao to lớn, cụ được gia phong làm Thượng Đẳng Tôn Thần.
Theo ông Phan Huy Anh, cụ Phan Huy Cẩn chính là người có công lớn trong việc xây dựng nhà thờ dòng họ Phan Huy.
Tiếp nối truyền thống là Phan Huy Ích con trai trưởng (1750 - 1822) nổi tiếng thông minh, năm 1771 đậu khoa thi Hương trường Nghệ, năm 1775 ông đỗ đầu thi hội (Hội Nguyên) với học vị Tiến sĩ lúc 26 tuổi.
Sau khi đậu, cụ làm quan cho chính quyền Lê - Trịnh, giữ chức Đốc Đồng Thanh Hóa, Hiến Sát Thanh Hóa,
Dưới triều Tây Sơn, cụ Phan Huy Ích được vua Quang Trung Nguyễn Huệ tin dùng và giao giữ các chức vụ cao cấp như Tả thị lang Bộ Hộ, tước Thủy Nham Hầu, rồi phong Thị lang Bộ Binh.
Sau khánh chiến chống quan Thanh, năm 1789, cụ tiếp tục được vua giao phó việc bang giao với nhà Thanh và từng tham gia Sứ bộ Tây Sơn. Năm 1792, được phong làm Thị Trung ngự sử ở tòa nội các rồi thăng lên làm Thượng thư Bộ Lễ.
Ngoài hoạt động chính trị và ngoại giao, cụ Phan Huy Ích còn là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm như Lịch triều điển cố, chinh phụ ngâm…
Một nhân vật lỗi lạc không thể không kể tới, đó là cụ Phan Huy Chú (1782 - 1840). Cụ là con trai thứ ba của cụ Phan Huy Ích và là cháu nội của cụ Phan Huy Cẩn.
Theo sử sách ghi lại, cụ Phan Huy Chú là nhà bác học có kiến thức sâu rộng. Dù chỉ đỗ tú tài nhưng do uy tín và học vấn của mình, năm 1821, cụ được vua Minh Mạng mời vào kinh đô Huế cử giữ chức Biên tu trường Quốc Tử Giám.
Cũng trong năm này, cụ ông đã dâng lên vua Minh Mạng bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, được nhà vua khâm phục và khen thưởng. Sau đó, cụ được phong chức Lang Trung Bộ Lại, rồi lên chức Hồng Lô Tư Khanh, cử làm phó sứ sang nhà Thanh.
Ngoài cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí”, cụ còn là tác giả của Hoàng Việt địa dư chí, Bình Định quy trang… và trên 400 bài thơ khác. Tên tuổi của cụ Phan Huy Chú gắn liền với nhiều tác phẩm lớn và mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử có giá trị giáo dục lòng yêu nước rất cao, sống mãi với lịch sử và nền văn học Việt Nam.
“Từ thời xa xưa, dân gian đã truyền tai nhau câu nói “Võ hạ hoàng, văn làng thu hoạch”. Ý câu nói này là dòng họ Phan Huy ở làng thu hoạch (tức làng Thanh Tân, xã Thạch Châu), nổi tiếng giỏi văn. Dòng họ chúng tôi luôn tự hào bởi những truyền thống hiếu học từ thời tổ tiên. Hiện, chúng tôi còn giữ gìn 28 đạo sắc mà vua chúa đã ban tặng cho các bậc tiền bối. Những đạo sắc này là tài sản quý giá đối với dòng họ mà chúng tôi phải cố gắng giữ gìn”, ông Anh nói.
Bên cạnh các nhân vật nổi tiếng trên, còn phải kể đến cụ Phan Huy Vịnh (1800 - 1870), một nhà thơ lớn của Việt Nam và từng giữ chức Thượng thư Bộ Lễ dưới triều Nguyễn.
Ngoài ra còn có Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê (SN 1934), hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Phan Huy. Ông là một nhà nghiên cứu hàng đầu về khoa học lịch sử của Việt Nam, là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từ năm 1990 đến nay.
Liên quan đến việc ông Ban Ki Moon về thăm dòng họ Phan Huy ở huyện Quốc Oai (Hà Nội), ông Phan Huy Anh cho biết, phía dòng họ cũng đã nhận được thông báo từ chi họ ở Sài Sơn. Đồng thời, dòng họ ở Sài Sơn còn đóng khung hình ảnh chụp bút tích của ông Ban Ki Moon để lại tại nhà thờ và gửi về cho dòng họ trong này.