Năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm chuyến thăm lịch sử tới vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tháng 9/1973 của lãnh tụ Cuba Fidel Castro, ông đã có bài viết về sự kiện đáng nhớ này.
Ngày 12/9/2013 sẽ tròn 40 năm ngày một đoàn chính thức của Cuba sang thăm Việt Nam…
… Trở lại với những kỷ niệm trong chuyến thăm của tôi tới Việt Nam, nguồn cảm hứng để viết những dòng này, tôi không có đặc ân được gặp Hồ Chí Minh - người sáng lập đầy huyền thoại ra nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đất nước của người An Nam mà người anh hùng dân tộc của chúng ta - Jose Marti - đã nói đến một cách sinh động năm 1889 trên quyển tạp chí dành cho cho thiếu nhi mang tên Tuổi Vàng.
Ngày đầu tiên tới đất nước anh em đó ngày 12/9/1973, sau khi hiệp định được ký giữa Việt Nam và Mỹ, tôi được thu xếp ở tòa nhà cũ của Toàn quyền Đông Dương. Tôi được đồng chí Phạm Văn Đồng - khi đó là Thủ tướng - đưa đến tận nơi. Người chiến sĩ rắn rỏi đó - khi còn lại một mình với tôi tại ngôi nhà cũ được xây dựng bởi nước Pháp ”mẫu quốc” - đã òa khóc. “Xin lỗi” - đồng chí nói, “nhưng tôi đang nghĩ về hàng triệu thanh niên đã hy sinh trong cuộc chiến này”. Trong thời khắc đó, tôi cảm nhận được đầy đủ về sự tàn khốc của cuộc chiến. Đồng chí cũng phàn nàn về những thủ đoạn lừa gạt của Mỹ.
… Trong bài viết ngày 14 tháng 2 năm 2008, tôi đã viết những đoạn sau:
“Tất cả những cây cầu, trong suốt chặng đường, nhìn rõ từ trên không giữa Hà Nội và miền Nam, tất cả đều bị phá hủy, không có ngoại lệ; những ngôi làng bị tàn phá và ngày nào cũng có những quả bom chùm được ném với mục tiêu phát nổ tại các cánh đồng lúa nơi mà trẻ em, phụ nữ và cả những cụ già nhiều tuổi làm việc để sản xuất lương thực.
Có thể thấy rất nhiều hố bom đạn trên những con đường dẫn lên các cây cầu. Thời đấy không có các loại bom được dẫn đường bởi tia laser có độ chính xác hơn nhiều. Tôi đã phải yêu cầu để được thực hiện chuyến đi đó. Các bạn Việt Nam lo sợ tôi có thể trở thành nạn nhân của những cuộc phiêu lưu Mỹ nếu chúng biết được sự có mặt của tôi tại khu vực đó. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã đi cùng tôi trong suốt chuyến đi.
Chúng tôi bay trên bầu trời tỉnh Nghệ An - nơi Hồ Chí Minh đã sinh ra. Tại tỉnh này và Hà Tĩnh đã có hai triệu người chết vì đói năm 1945 - năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II.
Chúng tôi hạ cánh xuống Đồng Hới. Tại tỉnh nơi có thành phố bị tàn phá này, đã có hàng triệu quả bom bị ném xuống. Chúng tôi đi thuyền qua sông Nhật Lệ. Chúng tôi thăm một điểm sơ cứu người bị thương của Quảng Trị. Chúng tôi thấy rất nhiều xe tăng M48 được thu giữ. Chúng tôi đi qua con đường làm bằng gỗ mà một thời là quốc lộ đã bị bom đạn tàn phá.
Chúng tôi đã gặp các người lính trẻ Việt Nam đầy vinh quang trong cuộc tấn công Quảng Trị. Điềm tĩnh, kiên quyết, rám nắng mặt trời và chiến tranh, một cái nheo nhẹ trên mi mắt của một tiểu đoàn trưởng, không thể hiểu được tại sao họ có thể chịu đựng được nhiều bom đạn đến thế. Họ xứng đáng được ngưỡng mộ.
Ngay trong buổi chiều ngày 15/9 đó, trên đường quay trở lại theo một lộ trình khác, chúng tôi đã gặp 3 trẻ nhỏ bị thương, hai trong số đó rất nặng; một bé gái 14 tuổi trong tình trạng sốc với một mảnh thép trong bụng. Đó là những đứa trẻ đang làm đất trên cánh đồng, cho đến khi một cây cuốc chạm phải quả bom bi. Những bác sĩ Cuba tháp tùng đoàn đã chăm sóc trực tiếp trong vòng nhiều giờ và đã cứu được tính mạng các cháu. Tôi đã trở thành nhân chứng của những trận ném bom tại miền Bắc Việt Nam.
… Lino Luben Perez - phóng viên Hãng Thông tin quốc gia AIN - nhắc lại trong một bài viết được đăng vào ngày 1/12/2010, một câu nói của tôi vào ngày 2/1/1966 trong lễ kỷ niệm 7 năm cách mạng Cuba thành công: “Đối với Việt Nam, chúng ta không chỉ sẵn sàng trao tặng đường của chúng ta mà còn hiến dâng cả máu của mình, nó còn có giá trị hơn đường rất nhiều”.
Ở phần khác của bài viết, phóng viên của AIN viết:
Trong nhiều năm, hàng nghìn thanh niên Việt Nam đã học tập ở Cuba theo các chuyên ngành khác nhau, kể cả tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh và một số lượng đáng kể sinh viên Cuba học tiếng Việt ở Việt Nam.
Những chuyến tàu Cuba mang đường cập cảng Hải Phòng ở miền Bắc bị Mỹ ném bom bắn phá và hàng trăm kỹ thuật viên Cuba làm việc trong thời gian chiến tranh như các chuyên gia xây dựng.
Một số đồng hương khác của chúng ta tiến hành xây dựng các trại nuôi gia cầm để lấy thịt và trứng.
Có một sự kiện rất quan trọng, đó là việc cập cảng Cuba của chuyến tàu hàng đầu tiên từ Việt Nam. Ngày nay, sự hợp tác kinh tế nhà nước hay doanh nghiệp và sự hiểu biết chính trị giữa hai đảng và mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước được duy trì và tăng gấp bội.
Xin thứ lỗi cho tôi về sự nỗ lực khiêm tốn khi viết những dòng này nhân danh mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam.
Fidel Castro Ruz
10/9/2013
3h20 chiều