Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Ép thú bắt chước hành động con người là 'thú vui tàn nhẫn'

Ủng hộ đề xuất cấm xiếc thú, TS Khuất Thu Hồng cho rằng xem xiếc thú có thể tác động tiêu cực đến suy nghĩ của trẻ.

Đề xuất cấm xiếc thú của Liên minh châu Á vì động vật (AFA) nhận được sự quan tâm của nhà nghiên cứu xã hội, bảo vệ động vật, giới biểu diễn xiếc và cả người dân.

Không nên cho trẻ xem xiếc thú

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển xã hội, chia sẻ từ lâu bà đã phản đối xiếc thú bởi đó là cách hành hạ động vật. Cha mẹ không nên cho trẻ xem xiếc thú dù với mục đích giải trí hay trẻ thích thú khi thấy con khỉ, con gấu, con chó… biết làm việc này việc khác. Bởi những hành động đó hoàn toàn trái với bản tính tự nhiên của loài vật.

“Bắt ép thú phải bắt chước con người là thú mua vui tàn nhẫn. Xem xiếc thú có thể tác động tiêu cực đến suy nghĩ của trẻ rằng con người muốn làm gì với động vật cũng được”, TS Hồng phân tích.

Chị Lữ Thị Mai (Hà Nội) cho rằng xiếc thú có thể truyền đi thông điệp động vật thân thiện với con người, hiểu được ngôn ngữ khác loài. Nhiều nghệ sĩ coi thú là bạn, chăm sóc, đau đớn, buồn lo khi nó ốm. Nhưng cũng trên sân khấu, khán giả không khó nhận ra thú bị ép diễn.

Từng nhiều lần dẫn con đi xem xiếc, chị Mai chia sẻ con gái chỉ thích màn tung bóng của chú hề bởi nhiều màu sắc dễ thương. Cháu rất sợ khi thấy cây roi của người điều khiển thú. “Trẻ rất nhạy cảm, chúng khó tiếp nhận điều gì đó trái quy luật tự nhiên. Tôi không ủng hộ xiếc thú bằng cách huấn luyện chế ngự”, chị nói.

Gấu đạp xe diễn xiếc. Ảnh: Rạp xiếc trung ương.

Là Giám đốc Phúc lợi động vật của Tổ chức động vật châu Á, ông David Neale khẳng định nếu động vật bị ép thực hiện các hành vi mà trong tự nhiên không bao giờ làm, hoặc không còn sự lựa chọn nào khác, nó sẽ phải chịu mức độ căng thẳng còn lớn hơn và sẽ dẫn tới một chế độ phúc lợi nghèo nàn.

Theo David Neale, các điều tra viên đã ghi nhận nhiều hành vi ngược đãi động vật tại Liên đoàn xiếc Việt Nam như: đánh voi, gấu, khỉ; khỉ bị lôi trên sân khấu bằng dây thừng quấn cổ; voi phải sống trên nền bê tông cứng, không được tiếp cận nước uống, một chân bị xích…

“Việc sử dụng động vật hoang dã biểu diễn xiếc có thể chấm dứt trong thời gian ngắn. Rạp xiếc có lẽ cần thời gian để phát triển các chương trình biểu diễn thay thế cho xiếc động vật hoang dã và giải thích cho công chúng hiểu vì sao. Tổ chức động vật châu Á vẫn giữ lời đề nghị tìm cơ sở cứu hộ voi, gấu khỉ đang bị nhốt ở Liên đoàn xiếc Việt Nam”, ông nói.

Đồng tình quan điểm trên, bà Lola Webber, điều phối viên AFA mong thời gian tới không còn động vật hoang dã nào phải biểu diễn tại rạp xiếc phục vụ giải trí. Bà cũng đánh giá tích cực khi Liên đoàn xiếc Việt Nam sẽ xem xét ngừng sử dụng voi, gấu, khỉ biểu diễn xiếc. Nhưng AFA không ủng hộ thay thế động vật hoang dã bằng vật nuôi diễn xiếc.

“Nếu con người dùng động vật mà gây tổn hại đến phúc lợi của chúng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng tôi đều không ủng hộ”, Lola Webber nói và đề xuất Chính phủ Việt Nam xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quản lý động vật nuôi nhốt để đảm bảo nhu cầu vật chất, tinh thần của chúng.

Voi biểu diễn xiếc. Ảnh: Rạp xiếc trung ương.

“Thú là bạn, không có chuyện bạo hành”

Bình luận về lời kêu gọi cấm xiếc thú ở Việt Nam của AFA, ông Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, cho rằng nhiều tiết mục xiếc thú đã trở thành truyền thống của các nước, như xiếc sư tử Đức, xiếc gấu Triều Tiên, xiếc thú Nga… Việc bảo vệ động vật hoang dã không nhất thiết phải kêu gọi bỏ huấn luyện thú diễn xiếc.

“Chế độ ăn uống, nuôi dạy, chăm sóc, huấn luyện thú vẫn được chúng tôi thực hiện theo quy định pháp luật. Những con thú biểu diễn xiếc có khi còn được chăm sóc tốt hơn khi sống hoang dã. Nhiều nước trên thế giới và Việt Nam không có quy định cấm xiếc thú và huấn luyện thú diễn xiếc. Đây là cơ sở pháp lý để xiếc thú tiếp tục tồn tại”, ông Khánh nêu quan điểm.

Ông điểm lại từ đầu những năm 1990 đã có những đoàn xiếc nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn mang theo xiếc thú. Những gánh xiếc thú tư nhân xuất hiện. “Đến bây giờ xiếc thú phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Thú diễn xiếc được đối xử đặc biệt như người bạn nên tôi không tin có bạo hành, lạm dụng động vật như cáo buộc của AFA”, ông Khánh nói.

Nghệ sĩ huấn luyện xiếc thú Nguyễn Việt Hùng cũng cho rằng thú luôn được người huấn luyện coi như bạn. Con chó diễn xiếc của ông được chăm sóc chu đáo, buổi sáng được rửa mặt, ăn xong được lau mồm.

“Từ kinh nghiệm bản thân, tôi khẳng định không thể xảy ra chuyện bạo hành động vật khi huấn luyện xiếc. Muốn dạy một con thú trở thành diễn viên xiếc trên sân khấu thì điều đầu tiên phải coi nó là bạn. Có lần tôi lỡ quát mắng chú chó mà hôm sau nó không nghe lời nữa. Tôi phải chở nó đi dạo phố thì nó mới tiếp tục cộng tác”, ông Hùng bày tỏ.

Ngày 28/5, AFA gửi thư đến Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình trạng lạm dụng động vật trong hoạt động biểu diễn xiếc phục vụ mục đích giải trí trên khắp Việt Nam.

Dẫn báo cáo của Tổ chức động vật châu Á cho biết có 19 loài động vật đang được sử dụng tại các rạp xiếc, trong đó có những loài được xếp vào mức độ nguy cấp theo pháp luật Việt Nam. Các điều tra viên của tổ chức này thu thập rất nhiều hình ảnh động vật bị cho là nuôi nhốt trái phép tại nhiều cơ sở xiếc.

Thực trạng này, theo AFA ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế về khả năng bảo vệ các loài động vật hoang dã đã bị đe dọa. Vì vậy, AFA đề nghị nhà chức trách cấm sử dụng tất cả loài động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VnExpress

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc