Trong một đoạn viết ngắn của mình có tên Khi nào chúng ta nên bước ra khỏi cuộc đời của một người khác? - nhà văn/ nhà báo Chu Thu Hằng đã viết rằng:
Khi nào chúng ta nên bước khỏi cuộc đời một người khác?
Là khi chúng ta ở bên nhưng người đó không thấy chúng ta ở bên.
Là khi chúng ta ở bên nhưng điều đó cũng chẳng giúp gì được nữa.
Là khi những cố gắng đều vô ích.
Là khi một người này nên bước ra khỏi cuộc đời của một người kia…
Chỉ đơn giản là khi người đó đã không còn thấy vui khi chúng ta ở bên cạnh.
Là khi chúng ta không còn là nơi người đó chạy đến mỗi khi buồn.
Là khi tên của chúng ta không hiện ngay trên màn hình mỗi khi người đó cần nói chuyện.
Là khi một cái ôm của chúng ta không phải là thứ người ta mong đợi.
Là khi cái xiết tay của chúng ta không phải là thứ giúp người ta vượt qua được khó khăn…
Là khi cuộc hẹn với chúng ta là thứ người ta không chờ mong.
Là khi một câu nói của chúng ta không làm người ta mỉm cười khi nhớ lại.
Là khi những kỷ niệm chỉ là những việc đã xảy ra, những nơi chốn chỉ đơn giản là những địa điểm không đi cùng người này thì đi cùng người khác; những đồ vật chỉ đúng nghĩa là đồ vật; những tin nhắn hay mặt cười chỉ được hiểu theo nghĩa đen…
Là khi chúng ta ở bên nhưng người đó không thấy chúng ta ở bên.
Là khi chúng ta ở bên nhưng điều đó cũng chẳng giúp gì được nữa.
Là khi những cố gắng đều vô ích. Là khi một người này nên bước ra khỏi cuộc đời của một người kia…
Nói hoặc viết ra thì bao giờ cũng dễ hơn là làm, đó là sự thật. Trong thực tại, khi chúng ta đã dày công vun đắp một mối quan hệ đẹp đẽ được xướng danh “tình bạn” hay “tình yêu” thì chúng ta luôn trân trọng và gìn giữ nó như một phần đẹp nhất của cuộc đời mình. Như một niềm tự hào và sự may mắn mà cuộc đời đã mang lại cho ta một người bạn/ người yêu như ý.
Thế nhưng, cũng lại chính những thay đổi của cuộc sống, công việc và những áp lực cộng với những mối quan hệ mới mà sự thay đổi trong mối quan hệ cũ cũng dần dần xuất hiện. Và, khi sự nhạt nhoà đó lên đến đỉnh điểm, đôi khi chúng ta thường cố gắng trốn tránh nó bởi sự nguỵ biện rằng: “Chắc bạn mình bận, rồi nó sẽ lại quan tâm đến mình như thưở nào!”. Chắc chắn đó là ước mơ của bạn, mong ngóng của bạn dựa trên những gì đã có trong quá khứ.
Bạn có bao giờ nghĩ, chắc gì đó đã là mong ngóng ước muốn của người còn lại?
Vậy lúc đó bạn sẽ làm gì? Cố gắng níu kéo? Đúng nhưng hãy có giới hạn và khi giới hạn đó bị bước qua, bị xâm phạm không thương tiếc thì bạn cũng đừng tiếc thương để “hoá vàng” một mối quan hệ dẫu rằng nó đã theo bạn rất lâu.
Tại sao chúng tôi lại khuyên bạn như vậy là bởi suy cho cùng chúng ta đều như nhau, chỉ sống một cuộc đời duy nhất và hàm lượng thời gian của tuổi thanh xuân cũng chỉ bằng nhau có chừng đó năm. Tại sao mình lại cố gắng cống hiến nó cho một mối quan hệ đã tàn phai nhanh chóng trong khi cơ hội cho những mối quan hệ mới tìm đến cũng vì thế mà bị tước đoạt đi.
Tôi cũng đã từng có những mối quan hệ tưởng như ruột thịt, đồng hành và hứa hẹn cùng nhau nhiều nhưng rồi vì điều này điều khác, vì lỗi từ chính tôi và từ phía đối diện, để rồi mọi chuyện đi vào ngõ cụt.
Nhưng rồi sao, những nỗ lực từ một phía sẽ chẳng bao giờ được như ý, kết quả sẽ luôn chỉ là 50% giống như bạn chỉ tìm được một chiếc giày còn một chiếc còn lại thì không biết nó còn tồn tại hay không. Thay vì cố công tìm kiếm trong một sự mông lung mờ ảo, giống như giữa cánh đồng lúc mờ sớm đầy sương, thì tại sao bạn lại không lên giường ngủ đợi trời sáng và đi mua một đôi giày mới?
Chẳng có gì hoặc ai là không thể thay thế! Nếu người đó là người quá quan trọng với bạn và ngược lại bạn cũng quá quan trọng với người đó thì hẳn nhiên là những mâu thuẫn sẽ chẳng bao giờ tồn tại lâu được. Nó sẽ chỉ là những chất keo kết dính để mỗi lần mâu thuẫn là thêm bền chặt.
Trong LHP Châu Âu tổ chức tại Việt Nam vừa kết thúc, có bộ phim Two days, one night - Hai ngày một đêm của điện ảnh Bỉ cũng nói về những mối quan hệ như vậy khi quyền lợi bị xâm phạm.
Nữ chính là một người phụ nữ vừa ốm dậy và nhận được quyết định sa thải bởi 14/16 nhân sự cùng công ty. Họ đã chọn mức thưởng 100 euro chứ không phải giữa hai lựa chọn. Nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, cô đã có được cuộc bỏ phiếu lại vào sáng thứ 2 và cuối tuần đó là cơ hội cuối cùng để đi năn nỉ mọi người suy nghĩ lại. Những cuộc gặp gỡ với sự năn nỉ đồng nghiệp của mình đã khiến người phụ nữ đó nhụt chí. Có người bạn thân của cô ở chỗ làm đã nhờ con gái trả lời điện thoại giúp để với cô rằng mẹ không có nhà khi tiếng lao xao vẫn vọng vào.
Chỉ bởi 100 euro là quá lớn và cần thiết đối với họ vào thời điểm đó nên một mối quan hệ cũng chẳng đáng để giữ. Rồi cả chuyện nếu được giữ lại người phụ nữ đó sẽ đối mặt với những người đã quay lưng với cô như thế nào khi vì cô mà họ bị mất đi số tiền lớn cần thiết. Và họ cũng nghĩ chỉ cần 16 người là đủ, thêm cô là dư thừa vậy thì hà cớ gì phải giữ lại một người nếu như vì người đó mà họ mất đi số tiền thưởng lớn. Quá nhiều chi tiết, quá nhiều lớp lang và quá nhiều bẽ bàng cho người phụ nữ mắc bệnh trầm cảm phải đối mặt. Thật may, cạnh cô còn người chồng mạnh mẽ, hai đứa con thân yêu và một người đồng nghiệp thực sự quan tâm để dìu dắt cô bước qua cơn khốn khó.
Vậy còn bạn, có khi nào bạn nghĩ, khi quyền lợi bị xâm phạm thì tình cảm cũng sẽ là thứ mà bạn phải trả giá giữa những lựa chọn? Và bạn đã đặt mình vào tình huống đó để thử thách chính bản thân mình về sự “dũng cảm” chưa? Nó sòng phẳng đến khắc nghiệt nhưng nếu cần thì hãy như thế bởi không nói chuyện tiền bạc, hãy nói chuyện tâm sức và tâm huyết, nếu có chỗ tốt hơn để hướng tới, tại sao lại cứ nghĩ về những mảnh đất cằn cỗi khi bên kia đồi là xanh um cỏ cây đợi những hạt mầm tình cảm nảy mầm?
Đừng tiếc nếu có phải “hoá vàng” một mối quan hệ nào đó bạn nhé! Hãy làm nó nhẹ nhàng và không chút xao động!