Mẹ tôi mất chứng đãng trí đã nhiều năm. Theo thời gian chứng đãng trí ngày càng thêm trầm trọng. Vợ chồng tôi thì bộn bề công việc vừa việc cơ quan, vừa việc nhà, thật tình không đủ thời gian chăm sóc chu toàn cho mẹ. Đợt này bệnh trở nặng, khi ở nhà một mình mẹ tôi thường bật bếp gas rồi quên không tắt. Vợ tôi không ít lần lời ra tiếng vào muốn gửi mẹ vào viện dưỡng lão nhưng tôi đều không đồng ý.
Mẹ thường ngồi trên chiếc ghế mây trong phòng khách. Tay ôm một chiếc hộp sắt nhỏ hoen gỉ và lẩm nhẩm điều gì đó một mình, có khi tôi còn nghe tiếng bà khe khẽ hát. Mấy lần gặng hỏi nhưng bà chẳng nói gì chỉ nhìn vợ chồng tôi mỉm cười. Có hôm mưa to sấm sét, bà bật dậy chạy ra ôm ấp chiếc hộp vỗ về khiến vợ tôi thất kinh hồn vía. Nàng đã không ít lần phàn nàn với tôi về sự lẩm cẩm cũng như những hành vi lạ kì của mẹ.
Công việc của tôi ngày càng thăng tiến. Lịch công tác trong ngoài nước ngày càng dài và dày đặc hơn. Vợ tôi than thở rồi ngọt nhạt: “Em thật sự sắp chịu hết nổi rồi. Hay chúng ta gửi mẹ vào viện dưỡng lão đi, trong đó có nhiều người già, mẹ cũng có thêm bạn. Còn vợ chồng mình một tuần vào thăm mẹ một lần, như vậy cũng không thể coi là bất hiếu”.
Nghe vợ nói lòng tôi chợt nhói lên những cảm xúc khó tả. Bồi hồi nhớ lại những ngày tháng xưa cũ, hai mẹ con côi cút nương dựa nhau trong mái nhà xiêu vẹo. Bao nhiêu tài sản trong nhà có thể cầm cố để chữa chạy cho cha trong cơn bạo bệnh mẹ đều mang đi cầm. Ngày cha nằm xuống, mẹ tự chít khăn tang cho mình và cho con trong sự cô đơn tột cùng của cái nghèo và tuyệt vọng.
Mỗi ngày mẹ đều gánh rau ra chợ bán. Cần mẫn, chắt chiu từng đồng tiền khó nhọc nuôi tôi khôn lớn. Tôi lớn lên từng ngày bằng mồ hôi nước mắt của mẹ, nay công thành danh toại sao có thể đưa mẹ mình vào viện dưỡng lão cho đành. Thấy thái độ của tôi vợ không nói gì thêm nữa mà đi về phòng.
Mới tuần rồi cả nhà lại phát hoảng đi tìm mẹ khắp nơi vì mẹ ra ngoài mà không nhớ đường về. Chắc là đói và mệt nên mẹ ngồi nghỉ bên vệ đường. Một người hàng xóm tốt bụng gọi điện báo tin rồi chở mẹ về trong sự vui mừng khôn xiết của vợ chồng tôi.
Từ đợt ấy lòng tôi bắt đầu dao động. Không ít lần tôi tự trấn an những day dứt trong mình: “Vào viện dưỡng lão có khi lại tốt hơn cho mẹ vào lúc này. Mẹ sẽ được chăm sóc y tế và có bạn bè cùng lứa để chuyện trò. Mình sẽ ra vào thường xuyên năm nom. Lúc nào nhớ lại đưa mẹ về nhà vài hôm không vấn đề gì cả.”
Suy nghĩ và chuẩn bị mọi thứ xong đâu vào đấy. Tôi chọn một hôm tâm trạng mẹ vui vẻ để nói ý định này với bà. Bà không nói gì, ánh mắt tìm về chiếc hộp rồi khẽ gật đầu. Tối hôm đó bà bắt đầu thu dọn. Vợ tôi đứng kế bên thì thầm: “Từ lúc mẹ bệnh đi đâu làm gì cũng mang theo chiếc hộp ấy. Có khi bà cất vàng hay trang sức trong đó không chừng.” Nghe vợ nói thế tôi nhớ lại việc trước khi sa cơ ông bà ngoại tôi từng là địa chủ giàu có. Nếu lỡ trong trong chiếc hộp ấy thật sự có đồ quý giá mẹ mang đi bị rơi hay kẻ trộm lấy mất thì sao.
Cho nên tôi vô tình đưa tay ra nói: “Mẹ đưa hộp đây con xem được không. Mẹ lắc đầu rồi ôm chiếc hộp nhỏ vào lòng nhất quyết không đưa cho tôi. Vợ tôi thấy thế khó chịu rồi cằn nhằn gì đó trước khi bỏ về phòng. Tối hôm đó đợi mẹ ngủ say, hai vợ chồng tôi lẻn vào phòng mẹ mở chiếc hộp ra. Giây phút đó suốt đời này có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được. Tôi chết lặng và gục xuống cạnh giường trong niềm chua xót và cảm giác day dứt tuôn trào trong từng tế bào huyết quản. Hôm sau, chúng tôi không đưa mẹ vào viện dưỡng lão và kể từ đó cũng không bao giờ nhắc đến chuyện này thêm lần nào nữa.
Trong chiếc hộp không cất giữ tiền hay vàng mà là một nhúm tóc tơ và vài chiếc răng sữa. Bên trong còn có xấp thư mẹ viết cho tôi vào các cột mốc tôi thay răng, lúc tôi biết bò, biết nói và cả ngày đầu tôi đi học. Đêm đó đã trôi qua rất lâu nhưng cảm giác đau lòng và day dứt vẫn khắc khoải trong tôi tận đến những năm tháng sau này.
Mẹ có già, có lẫn, quên đi tất cả mọi thứ, quên luôn chính bản thân mình chỉ riêng tình yêu thương, che chở và bảo vệ con vẫn luôn hằn sâu trong trái tim mẹ. Mẹ ơi, con xin lỗi!...