Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Du Ma Địa: Khu giang hồ một thời 'khét tiếng' Hong Kong

Du Ma Địa, khu vực tấp nập hàng quán và khách du lịch của Hong Kong, từng là điểm tập kết của các băng đảng giang hồ, tranh giành quyền bảo kê các hộp đêm và chợ đầu mối.

Sự kiện băng đảng dùng mã tấu chém người mới đây ở Du Ma Địa (quận Du Tiêm Vượng, Cửu Long, Hong Kong) đã gợi lại cho những cư dân lâu năm ký ức về ngày tháng “giang hồ” tại khu vực này.

Cảnh sát Hong Kong đang truy tìm các nghi phạm bỏ trốn sau vụ chém người ở Du Ma Đại. Ảnh: SCMP

Cảnh sát Hong Kong đang truy tìm các nghi phạm bỏ trốn sau vụ chém người ở Du Ma Đại. Ảnh: SCMP

Ma cô chợ đầu mối

Giữa thập niên 70 của thế kỷ 20, chợ đầu mối trái cây Du Ma Địa không nổi tiếng vì hoa quả thực phẩm, mặt hàng được giao dịch nhiều bậc nhất ở đây là heroin. Các tay anh chị sẽ đi tới hang cùng ngõ hẻm của khu chợ, bán những gói bột trắng cho dân lao động nghèo ở đây.

Hội Tam Hoàng kiểm soát thị trường, ngăn chặn đối thủ tranh giành khách hàng, trả tiền để cảnh sát ngó lơ, theo China Daily.

“Mọi người đều biết chuyện đó. Nạn tham nhũng ở khắp nơi. Và bọn tội phạm trả tiền để bịt miệng cảnh sát”, tác giả Elsie Tu viết trong cuốn sáchColonial Hong Kong in the Eyes of Elsie Tu (Hong Kong thời thuộc địa qua Đôi mắt Elsie Tu).

Khu chợ rộng 1,5ha trở thành địa bàn của các băng nhóm. Những người dân bình thường đi ngang qua đây thậm chí không dám ghé mắt nhìn vào. Vào ban ngày, khi chợ đóng cửa, những tên “ma cô” sẽ ngồi đánh bài ngay giữa phố, vừa chơi vừa canh chừng cổng vào chợ.

Chợ đầu mối trái cây Du Ma Địa từng là nơi hoành hành của tội phạm ma túy và xã hội đen. Ảnh: SCMP

Chợ đầu mối trái cây Du Ma Địa từng là nơi hoành hành của tội phạm ma túy và xã hội đen. Ảnh: SCMP

Những người buôn bán ở đây đều là nạn nhân. Đến thời “thịnh trị” của các băng nhóm vào cuối thập niên 80, tất cả những người tham gia thị trường trái cây đều chịu sự chi phối của bọn tội phạm.

“Nguồn thu khổng lồ cùng với những người lao động ít học tạo điều kiện cho tội phạm lộng hành”, Cheung Chi-cheong, Phó chủ tịch Hiệp hội thương lái Rau Quả Cửu Long, cho biết. Ông Cheung đã lớn lên ở khu chợ này.

Những người muốn buôn bán ở đây sẽ phải trả “tiền bảo kê” cho những tay anh chị. Đôi khi, có một vài chủ quầy hàng từ chối trả tiền và ẩu đả nổ ra ngay giữa đường phố.

Đến những năm 2000, các băng nhóm tan rã dần, chợ đầu mối này cũng không mang lại lợi nhuận như xưa. Mặt khác, công nghệ phát triển đã mang camera an ninh đến mọi ngóc ngách của khu chợ. Ngày nay, bảo vệ đứng khắp nơi, sẵn sàng can thiệp bất cứ vụ rắc rối nào.

Ngày nay Du Ma Địa đã sạch bóng xã hội đen, thay cho những tên ma cô bảo kê là lực lượng bảo vệ sẵn sàng can thiệp những vụ rắc rối. Ảnh: SCMP

Ngày nay Du Ma Địa đã sạch bóng xã hội đen, thay cho những tên ma cô bảo kê là lực lượng bảo vệ sẵn sàng can thiệp những vụ rắc rối. Ảnh: SCMP

“Thời nay làm giang hồ cũng khó”

Không chỉ chợ đầu mối, vào thập niên 1980, phố xá ở Du Ma Địa chen chúc những hộp đêm, “động” mạt chược và các băng đảng tranh giành địa bàn.

Hon Shee-wah thuộc Du Ma Địa như lòng bàn tay. Vị mục sư 57 tuổi này nói thời kỳ các băng đảng đánh nhau suốt ngày đêm để giành địa bàn và khi ấy chính ông cũng là một du côn.

“Khi đó người ta đánh nhau suốt ngày. Bây giờ mọi thứ không như thế nữa, nơi này đã biến thành một điểm du lịch. Nó đã thịnh vượng hơn rồi”, ông Hon nói.

Đã qua rồi cái thời người ta đánh nhau từ đầu phố đến cuối phố. Ngày nay ở Du Ma Địa, các hộp đêm và sòng chơi mạt chược vẫn hiện diện nhưng những tay anh chị với hình xăm rồng trên bắp tay và lưng đã không còn nữa, theo South China Morning Post.

“Xã hội ngày càng phát triển, muốn làm giang hồ cũng khó nữa”, theo ông Hon.

Khu vực này đã an toàn hơn rất nhiều trong những năm qua. Tuy nhiên, một số cư dân cũng nhận định rằng số vụ đánh nhau có dấu hiệu tăng lên trong những tháng gần đây.

Chris Ip Ngo-tung, Chủ tịch hội đồng quận Du Tiêm Vượng, cho biết ông đã phải yêu cầu cảnh sát tăng cường tuần tra khu vực này.

Trong khi đó, ông Hon nhận định rằng số người gốc Nam Á đến đây đã tăng mạnh trong vài năm qua. Vụ chém người hôm 2/10 cũng được cho xảy ra giữa một vài người đàn ông Nam Á.

Theo ông Hon, vấn đề là chính quyền thành phố không có biện pháp hỗ trợ để những cư dân mới ổn định cuộc sống. Một số họ không có nhà cửa, phải sống ở hành lang các khu chung cư, trong khi các ông chủ không sẵn lòng nhận những công nhân không biết nói tiếng Quảng Đông (ngôn ngữ chính của Hong Kong).

“Nhà thờ thường giúp đỡ những người vô gia cư, và chúng tôi nhận thấy sự gia tăng những người vô gia cư đến từ Nam Á. Xã hội cần giúp đỡ họ”, mục sư Hon nói.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Zing

Được quan tâm

Tin mới nhất