Trên con dốc có quán cà phê nhỏ :
Chắc ai đến Đà Lạt thì cũng đã quen hoặc từng ghé ngang qua cà phê Tùng, DaLat Night, Diễm Xưa hay những quán rất mới và “chất” như cà phê An, Là Việt… Còn quán cà phê Bà Năm thì chắc ít người biết, mà cũng phải thôi cái quán nhỏ teo nằm bên góc đường với dăm ba cái ly loại xưa rồi, in ít mấy loại nước uống và dăm ba cái vợt treo ngoài hẻm vắng. Vậy mà quán bao giờ cũng đông khách, những vị khách người Đà Lạt.
Nếu bạn đang đi dạo đâu đó loanh quanh khu Hòa Bình thì thử một lần tạt qua đây thử bạn xem. Gần lắm, quán nằm ngay trên đường Phan Bội Châu thôi. Còn đặc điểm nhận diện chắc là những bác lớn tuổi ăn mặc đầy tươm tất ngồi với nhau, có người ôm theo cả cây đàn ghita vừa thả khỏi vừa chuyện trò về cuộc đời.
Bà Năm vẫn là người bán ở đây, bà năm nay đã lớn tuổi nhiều. Người ta chưa bao giờ thấy bà vội khi đứng sau cái quầy cà phê đó. Cứ từ tốn pha còn khách thì cứ chậm rãi nói cùng nhau, không có ai vội ở Đà Lạt hết.
Bản tình ca của cà phê và khói thuốc :
Chúng ta đương nhiên không ủng hộ hay cổ xúy cho việc người khác liên tục kéo thuốc lá, nhưng ở đây thì mọi thứ lại khác. Những ông cụ với quần áo gọn gàng, khăn len và ngón tay tỏa ra khói giữa cái tiết trời lành lạnh đó không thể khiến ai bực lòng được. Bởi những ly cà phê nằm im ắng trên bàn và mấy câu chuyện thoi đưa về thời còn đi bộ đội hay hôm qua tôi tập thêm một bài nhạc Trịnh nào đó. Chắc hẳn họ cũng có lúc lặp lại những câu chuyện của mình khi ngồi cùng nhau ở quán Bà Năm, nhưng cả thẩy thấy ai cũng vui hết.
Cà phê ở đây được pha bằng vợt, cung cách đó bây giờ hiếm thấy ai ở những quán cà phê khác. Nhưng có lẽ vì vậy nên cà phê ở quán Bà Năm đặc biệt thơm hơn, mùi thơm không hòa tan với sự phát triển ngoài kia.
Tôi mon men lại hỏi chuyện với một bác đã lớn tuổi là cà phê ở đây có gì đặc biệt hơn những chỗ khác thì bác chỉ cười hiền nói : “Uống lâu năm nên quen rồi thấy ngon thôi, sáng nào cũng phải ra đây ngồi với mấy ông bạn già và uống li cà phê nóng thì mới bắt đầu ngày được. Mà con muốn chụp bác hả, vậy chụp đi có “i meo” thì nhớ gửi qua cho bác.”
Và ở quán bà chắc bạn còn tìm thấy mấy lọ bánh quy áo đường tự làm, hơi cháy và thơm lừng. Cảm giác bẻ miếng bánh nhỏ và chấm vào li cà phê nóng ấm giữa màn khói thuốc mỏng manh. Chắc bạn cũng tin là Đà Lạt có một bản tình ca đúng không?
Những người Đà Lạt nói chuyện Đà Lạt :
Người Việt Nam luôn dành cho người Đà Lạt một thiện tình rất khó lí giải, nhất là với những người lớn tuổi ở đây. Có thể một phần do họ luôn ăn mặc “kín cổng cao tường” chứ chẳng bao giờ xuề xòa hoặc cũng có thể do cách họ từ tốn trong những câu chuyện khi ngoài kia ai cũng vội.
Và còn vì nhiều cái lý khác nữa, như khi lúc ngồi ở cà phê Bà Năm nghe lỏm được mấy câu chuyện cỏn con của họ. Những câu chuyện không có giá xăng hôm qua tăng bao nhiêu, nhà này bán bao nhiêu hay tiền đô vừa lên giá. Họ nói về khu vườn nào đó vừa thu hoạch xong, về cái loa phát thanh vừa gắn trong xóm hôm qua hay về những bản nhạc đã xưa lắm rồi.
Đấy, người Đà Lạt họ chỉ nói chuyện Đà Lạt thôi. Kể bằng mấy bản ca mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết khi còn ở phố núi :
Em đi bằng nhịp điệu
Một hai ba bốn năm
Tôi đi bằng nhịp điệu
Sáu bảy tám chín mười
…
Làm sao quên được
Làm sao quên được nhau.