Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Dân phố Tây ứa nước mắt trước ‘tối hậu thư’ dẹp vỉa hè

Người dân khu phố Tây balô lo lắng khi UBND phường Phạm Ngũ Lão gửi “tối hậu thư” đến từng hộ dân, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, phải dọn vỉa hè thông thoáng trong vòng 10 ngày.

Dân phố Tây ứa nước mắt trước ‘tối hậu thư’ dẹp vỉa hè

Chiều 2/3, đường Bùi Viện ở khu phố Tây balô (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM) vắng hơn mọi khi, nhiều hàng quán không còn bày biện bàn ghế chiếm cả lối của người đi bộ, đâu đó chỉ còn hàng xe máy của vài quán ăn dựng trên vỉa hè.

10 ngày để dân tự dẹp vỉa hè

Một người dân sống trên đường Bùi Viện cho biết ngày 1/3, các hộ dân đã nhận được thông báo của phường Phạm Ngũ Lão về việc xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng lề đường trên địa bàn.

Dân phố Tây ứa nước mắt trước ‘tối hậu thư’ dẹp vỉa hè Ảnh 1

Buổi tối, đường Bùi Viện nhộn nhịp, bàn ghế được bày xuống cả lòng đường. Ảnh: Tùng Tin.

Theo thông báo mà người dân nhận được, phường Phạm Ngũ Lão đề nghị các hộ dân, đơn vị, kinh doanh trên địa bàn phường nghiêm túc thực hiện các nội dung: tháo dỡ mái che di động, hộp đèn biển hiệu nhô ra không gian vỉa hè; thu dọn bàn ghế, dù, vật dụng kinh doanh, sinh hoạt, hàng hóa trên vỉa hè và thu dọn, sắp xếp các chậu cây xanh trên vỉa hè trước nhà.

Thời gian để người dân thực hiện việc tháo dỡ mái che di động, hộp đèn biển hiệu nhô ra không gian vỉa hè trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận thông báo. Sau thời gian trên, UBND phường Phạm Ngũ Lão sẽ kiểm tra và tiến hành các biện pháp chế tài với các trường hợp không chấp hành các nội dung trên.

Dân phố Tây ứa nước mắt trước ‘tối hậu thư’ dẹp vỉa hè Ảnh 2

Bà Thủy lo lắng trước chiến dịch dẹp vỉa hè của quận 1 ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của gia đình. Ảnh: Lê Trai.

Bán cơm bình dân mấy chục năm ở góc đường Bùi Viện - Đề Thám, bà Trần Ngọc Thủy (58 tuổi) cảm thấy lo lắng cho công việc của mình.

Người đàn bà mưu sinh bằng nghề bán cơm nói gia cảnh của bà rất khó khăn. Người chồng của bà bị bệnh nặng, không còn sức lao động; đứa con gái chỉ mới học lớp 10. Bản thân bà Thủy bị bệnh tim, hàng ngày đều phải uống thuốc. Cả gia đình bà Thủy sống nhờ vào vỉa hè phố Tây lâu nay.

“Nhà tôi bán cơm lâu năm, không có gây phiền phức, xích mích với ai. Mình làm đàng hoàng nên ai cũng thương. Giờ tôi chỉ muốn thu xếp gọn gàng vỉa hè để được buôn bán bình thường, có tiền lo cho con ăn học thành người”, bà Thủy rưng rưng. Bà lo lượng khách đến quán cơm của bà sẽ giảm vì thiếu chỗ ngồi do không được để bàn ghế trên vỉa hè.

Sợ phố Tây mất bản sắc

Anh Sang, 35 tuổi, chủ quán nước ngay giao lộ Bùi Viện - Đỗ Quang Đậu, cho biết thời gian qua, việc nhắc nhở, xử lý vỉa hè của chính quyền khiến việc buôn bán của anh gặp nhiều khó khăn.

Dân phố Tây ứa nước mắt trước ‘tối hậu thư’ dẹp vỉa hè Ảnh 3

Vỉa hè Bùi Viện ken kín người đến ngồi uống bia mỗi tối. Ảnh: Tùng Tin.

Theo anh, khách Tây thích ngồi lề đường để ngắm cảnh đường phố, xe cộ di chuyển, dòng người dạo phố. Khi vỉa hè bị dẹp, khách không chịu vào trong nhà để ngồi nên quán anh vắng dần.

“Tôi kinh doanh ngay nhà của mình, nên không lo chuyện thuê mặt bằng. Bán ế thì ăn cháo, ăn rau. Còn những người thuê mặt bằng ở đây để kinh doanh mới gặp khó. Vỉa hè bị dẹp, không buôn bán được chắc nhiều người sẽ rời bỏ phố Tây”, anh Sang nói và nhìn về phía vỉa hè trước những quán bia trống trơn bàn ghế.

Trong khi đó, ông Ba, 58 tuổi, chủ tiệm bánh mì Ý, chia sẻ giờ khu phố Tây mà dọn sạch sẽ, trống trơn như những khu phố khác thì không còn ý nghĩa, đặc trưng của khu phố này.

Dân phố Tây ứa nước mắt trước ‘tối hậu thư’ dẹp vỉa hè Ảnh 4

Ông Ba lo sợ khu phố Tây sẽ dần mất bản sắc vì cuộc chiến vỉa hè. Ảnh: Lê Trai.

Theo ông Ba, đường Bùi Viện, Đề Thám, được gọi là phố Tây balô từ rất lâu, những du khách đến khu vực này vì đồ ăn rẻ, hợp túi tiền. Họ thích không khí nhộn nhịp nơi đây, mọi người có thể lê la, ngồi trên vỉa hè, cầm chai bia nhâm nhi từng ngụm và ngắm phố.

“Không cho người dân buôn bán trên vỉa hè thì khách Tây không ghé, ảnh hưởng cả ngành du lịch chứ không phải riêng một hộ dân, đơn vị nào. Du khách đến phố Tây thích náo nhiệt, nhưng nếu dẹp vỉa hè trống trơn thì buồn lắm”, ông Ba lo lắng.

Doanh thu của “khu phố Tây” hơn 37 tỷ đồng/năm

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó chủ tịch UBND quận 1, cho biết quận đang phối hợp với một công ty tư vấn vẽ thiết kế cụ thể phố đi bộ ở “khu phố Tây” để trình TP phê duyệt.

Trước đó TP đã đồng ý chủ trương về việc xây dựng thí điểm phố đi bộ trên các tuyến đường Bùi Viện, Đề Tháp, Phạm Ngũ Lão (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1).

Về công tác lập lại trật tự đô thị, quận đã chỉ đạo phường Phạm Ngũ Lão tiếp tục vận động người dân, chủ cửa hàng chấp hành quy định, không lấn chiếm vỉa hè để tạo không gian rộng rãi cho du khách đi bộ. Trường hợp người dân vi phạm nhiều lần sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Theo báo cáo của quận 1, mỗi ngày có khoảng 500 khách du lịch đến “khu phố Tây”, cao điểm lên đến 2.000 khách/ngày. Doanh số thu về từ hoạt động kinh doanh tại khu vực là hơn 37 tỷ đồng/năm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Zing

Được quan tâm

Tin mới nhất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới