Đại gia Lê Văn Kiểm (SN 1945) cùng vợ là bà Trần Cẩm Nhung (SN 1946) nổi tiếng trên thương trường với khả năng kinh doanh tài ba. Cả hai bắt đầu giàu lên từ những năm 1980 nhờ ngành dệt may và cao su khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế. Nhưng hiện nay, mảng kinh doanh chính của họ là bất động sản và sân golf.
Đại gia xây hầm mới chứa hết được số vàng kiếm được
Năm 1978 đánh dấu bước khởi nghiệp kinh doanh đầu tiên. Vợ chồng ông bán chiếc xe Honda duy nhất lúc bấy giờ, mua một chiếc mô tơ chế tạo máy trộn thức ăn gia súc. Ông kể: “Hai vợ chồng tôi ngày làm việc Nhà nước, tối làm thức ăn gia súc. Công thức gồm cám, bột sò, vỏ đậu phộng, dầu dừa, bắp… trộn lên thành một hỗn hợp, bán rất chạy”.
Lúc bấy giờ, cơ sở sản xuất thức ăn gia của gia đình ông Kiểm hoạt động “chui” tại địa chỉ nhà riêng ở 39, Phan Xích Long (Phú Nhuận, TP.HCM) “Hiệu quả cao, tiền vô thấy sướng quá trời”, ông Kiểm kể lại trên Forbes Việt Nam.
Theo Forbes, một thời gian sau, sản phẩm của ông xuất hiện khắp nơi. Vợ chồng ông Kiểm nghiên cứu sản phẩm kế tiếp: ép dầu từ hạt cao su để làm sơn. Hạt cao su được thu mua ở khắp miền Nam về ép lấy dầu để sản xuất sơn, còn bã thì làm phân bón. Riêng tiền bán bã ép đã đủ trả tiền mua hạt, nhân công. Công việc nhiều, vợ chồng ông Kiểm thuê các nơi khác gia công cho mình.
“Tiền về rất nhiều, chưa bao giờ chúng tôi có nhiều tiền đến thế. Mỗi tháng phải làm được cả 10 lượng vàng, mà cái nhà phố ở Phan Đăng Lưu lúc đó chỉ đáng 10 lượng vàng”, ông nói.
Việc kinh doanh “1 lời 10” khiến cho ông tích lũy được tới cả nghìn cây vàng. Vào khoảng năm 1984-1985, ông Kiểm đưa cơ sở sản xuất ban đầu lên thành một công ty tư nhân đầu tiên. Đây là thời kỳ bắt đầu mở cửa, Việt Nam nhận được rất nhiều đơn hàng may mặc theo kiểu “hàng đổi hàng” với thị trường Đông Âu.
Xuất hàng may mặc, đổi lấy xi măng, sắt thép và nhiều loại hàng hóa khác nhập khẩu về nước, ông Kiểm kể, việc đổi hàng thường là lời “1 ăn 5”. “Tiền nhiều kinh khủng. Tôi mua hai xe tải, mua nhà mới ở số 9 Nơ Trang Long, Bình Thạnh và mua dự trữ rất nhiều vàng”, ông Kiểm nói trên Forbes.
Ông xây hầm trong nhà, bên trên xây một chuồng gấu ngựa, ban đêm khi thợ về chất vàng xuống giấu, rồi mua hai con gấu ngựa về nuôi.
Năm 1990, ông Kiểm bắt đầu đầu tư vào bất động sản, đặc biệt mua nhiều vị trí đắc địa ở trung tâm quận 2 (TP.HCM). Nhưng về sau, chính việc thế chấp đất đai, đầu tư từ tiền vay ngân hàng của ông đưa đến rủi ro, khi khủng hoảng tài chính xảy ra dẫn đến thị trường địa ốc đóng băng. Gia đình ông đã phải trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn.
3 năm sau, thị trường địa ốc ấm lên, giá bất động sản tăng vọt. Giá đất ở quận 2 có lúc lên đên 40-50 triệu đồng/m2. Vị đại gia chuộc được gần hết đất, bán đất có tiền để trả toàn bộ số nợ, cộng cả lãi suất ngân hàng.
Vừa trả được hết nợ, năm 2001, ông Kiểm bắt đầu xây dựng sân golf với kinh phí đầu tư trên 600 tỷ đồng, diện tích 340 ha. Ngoài ra, đại gia Việt đời đầu này còn mở thêm lĩnh vực du lịch bằng việc đầu tư vào khu du lịch thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cặp vợ chồng đại gia thường xuyên làm từ thiện
Không chỉ thành công trong kinh doanh, đại gia Kiểm còn rất quan tâm đến công việc từ thiện. Chính vì vậy, giữa tháng 11/2014, ông Kiểm được trao giải thưởng “Nhân vật Golf và Từ thiện châu Á Thái Bình Dương năm 2014” tại Singapore.
Hiệp hội golf châu Á Thái Bình Dương trao tặng danh hiệu đặc biệt trên cho ông Kiểm vì những đóng góp tích cực cho sự phát triển của làng golf và các hoạt động từ thiện suốt thời gian dài vừa qua.
“Ông Lê Văn Kiểm hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng cao quý này, vì những gì ông đã làm được cho tới nay. Đó đều là những hoạt động tiêu biểu mà chưa có một nhân vật nào trong làng golf châu Á thực hiện được”, Mike Sebastian – Giám đốc điều hành Hiệp hội golf châu Á Thái Bình Dương và là người sáng lập các giải thưởng golf châu Á – phát biểu.
Ngoài ra, cả hai xếp thứ 7 trong top 10 nhà từ thiện hào phóng nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019. Theo Forbes, kể từ năm 2018, ông Kiểm và bà Nhung đã đóng góp 11 triệu USD (gần 278 tỷ đồng) cho các hoạt động từ thiện ở Lào và Việt Nam.
Là một cựu chiến binh, ông Kiểm đã quyên góp gần 116 tỷ đồng để hỗ trợ các gia đình các cựu chiến binh kể từ đầu năm 2018 đến tháng 4/2019. Cũng trong 10 năm qua, ông Kiểm trao hơn 464 tỷ Việt Nam đồng cho hoạt động từ thiện tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Nhật Bản. Trong khi đó, bà Nhung cũng đã trao hơn 116 tỷ đồng cho các tổ chức từ thiện, chủ yếu để hỗ trợ cho trẻ sơ sinh bị suy tim và hỗ trợ tài chính cho sinh viên.
Ngày 20/3/2020, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ Tướng Chính Phủ và Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, đại diện công ty đã thay mặt vợ chồng ông Kiểm và bà Nhung trao số tiền 20 tỷ đồng. Cụ thể, 10 tỷ đồng của bà Nhung ủng hộ chương trình phòng chống dịch COVID-19 của Chính Phủ; 10 tỷ đồng của ông Kiểm ủng hộ chương trình phòng chống xâm nhập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Tính đến tháng 6/2020, số tiền đóng góp cho các hoạt đồng từ thiện của vợ chồng đại gia này đã lên đến 40 triệu đôla (tương đương 1.250 tỷ đồng tại thời điểm đó).
Ngày 5/6/2021, “Quỹ vắc-xin phòng COVID-19” chính thức ra mắt với rất nhiều sự đồng hành, tiếp sức của các doanh nghiệp, cá nhân trong cả nước. Trong đó, công ty của ông Kiểm đã đóng góp 500 tỷ đồng để Chính phủ sử dụng vào việc sản xuất, mua vắc-xin phòng chống dịch bệnh.
Như vậy tính đến nay ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung đã tham gia ủng hộ cho các chương trình đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội trong và ngoài nước với số tiền lên tới 1.750 tỷ đồng.