Thông tin trên Tiền Phong, Đại diện Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An đã mang thông báo kết quả giám định ADN tới, song ông Lê Tùng Vân và những người có liên quan đã đóng cửa, không hợp tác với cơ quan chức năng.
Trước tình huống trên, đại diện Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An đã mời đại diện chính quyền xã Hòa Khánh Tây đến vận động ông Lê Tùng Vân cùng những người bên trong nhà hợp tác nhưng không hiệu quả. Cơ quan chức năng phải lập biên bản vụ việc theo quy định pháp luật.
Theo đại diện Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An, cơ quan chức năng sẽ không công bố công khai kết quả giám định ADN của những người có liên quan tại "Tịnh thất Bồng Lai" trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thể hiện tính ưu việt, nhân đạo, tôn trọng quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng của Pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, các kết quả giám định ADN là một căn cứ rất quan trọng để ngành chức năng tỉnh Long An tiến hành các giai đoạn tố tụng tiếp theo trong quá trình xử lý tin báo tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và loạn luân đối với nhóm người tại Tịnh Thất Bồng Lai do bị cáo Lê Tùng Vân đứng đầu.
Theo Zing.vn, về việc có khởi tố vụ án Loạn luân và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không, người đứng đầu Công an tỉnh Long An cho biết với những kết quả giám định ADN mà đơn vị vừa nhận được, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố để điều tra.
Trước đó, cơ quan chức năng nhận được tin báo tố giác nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai do bị cáo Lê Tùng Vân cầm đầu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Loạn luân. Người tố giác cho rằng những đứa trẻ ở Tịnh thất Bồng Lai không phải là trẻ mồ côi như Lê Tùng Vân và những người lớn sinh sống tại đó thông tin. Tin báo tố cáo cho rằng những đứa trẻ này có mối quan hệ huyết thống với những người lớn đang sinh sống cùng tại đây.
Các bị hại tố cáo ông Lê Tùng Vân, sinh năm 1932 và những cá nhân sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc có hành vi giả sư, giả trẻ mồ côi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các mạnh thường quân. Để có căn cứ giải quyết nguồn tin về tội phạm trên, ngày 24/9, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định trưng cầu giám định ADN và tiến hành thu mẫu của 28 người sinh sống tại hộ của bà Cúc.
Cơ quan điều tra đã phối hợp với các cơ quan chức năng thu mẫu tóc, mẫu niêm mạc miệng của 27 người (1 trường hợp không có mặt khi công an thu mẫu) đồng thời gửi đến Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM) để giám định. Việc này có sự chứng kiến của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, phần lớn thành viên sống tại Tịnh thất bồng lai có hành vi chống đối, không hợp tác với cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, khi lực lượng chức năng lấy mẫu ADN, số luật sư bào chữa cho vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Đào Kim Lân, Trịnh Vĩnh Phúc, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Ngô Thị Hoàng Anh) không liên quan đến vụ việc này đã kéo đến hộ bà Cao Thị Cúc đập cửa, quay phim, ghi hình và có những lời nói xuyên tạc, xúc phạm, vu khống cơ quan chức năng… sau đó đăng lên YouTube có số lượng người theo dõi lớn (trên 60.000 lượt xem và trên 7.000 lượt thích) nhằm mục đích dẫn dắt dư luận trong và ngoài nước. Các thông tin chưa được kiểm chứng trên đã được các thế lực thù địch sử dụng để xuyên tạc, chống phá.