Cuối tháng 2/2024, theo nguyện vọng phía gia đình, nghệ sĩ Mạc Can đã chuyển về Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TPHCM) để sinh sống.
Gần 1 tháng làm quen nơi ở mới, chúng tôi tìm gặp Mạc Can. Mặc dù nhà vệ sinh di động được ngay dưới chân giường, nhưng vì chiếc chân đau, không thể di chuyển, ông cụ đã vô tình làm ướt ga giường.
Nhanh chóng chúng tôi lau dọn, động viên nhưng ông cụ vẫn vô cùng ái ngại. Nghệ sĩ Mạc Can cho biết, những năm gần đây, sức khỏe của ông còn tốt, đôi chân dần mất đi sức lực nên phải nhờ sự giúp sức của các y tá. Ngoài ra, những vấn đề khác mỗi ngày người con gái út - chị Nguyễn Thị Dung, sẽ vào để săn sóc cha.
“Ở đây, mọi người đều yếu nên đi lại khó khăn lắm! Tôi có ông bạn phòng kế bên, vài ngày nay cũng ít qua lại. Tôi thích nhất là khi có các bạn vào để có thể trò chuyện thế này”, Mạc Can kể.
ĐAU ỐM NHƯNG VẪN ĐAM MÊ ĐI DIỄN, VIẾT SÁCH
Ngoài chiếc chân phù nề, Mạc Can cho biết bản thân không mắc bệnh gì nghiêm trọng. Điều đó giúp ông vẫn tiếp tục nhận vai khi có cơ hội.
Theo đó, vào năm 2022, dựa vào lời mời của đạo diễn, Mạc Can tiếp tục hoá thân trong seri Chuyện ma gần nhà. Không thể di chuyển nên ông lão đã tận dụng hết sức diễn của khuôn mặt, đặc biệt ánh mắt nhằm gây ám ảnh người xem.
Bằng đam mê ấy, ông cụ đã nhận vô vàn bằng khen, ảnh kỷ niệm treo khắp căn phòng nhỏ. Ông lão kể: Thuở xưa, nhà nghèo nên ông chỉ học đến lớp 3. Đam mê nghề ảo thuật, ông quyết tâm lên đường “tầm sư học đạo".
“Tôi vào vai diễn đầu tiên là một nhà ảo thuật. Sau này, đạo diễn thấy có tài nên cho đi đóng phim, thế là thành diễn viên, nhà văn lúc nào không hay", ông lão kể.
Ở tuổi 78 tuổi, Mạc Can có cho mình hơn 10 đầu sách. Trong cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2005, Tấm ván phóng dao của ông đã đạt được giải A. Đây cũng là tiểu thuyết giúp tác giả đạt Giải thưởng Văn học thành phố Hồ Chí Minh, Giải thưởng Văn hóa doanh nhân Việt Nam 2005.
Cạnh chiếc giường, Mạc Can vẫn mang theo chiếc máy tính cũ. Mỗi ngày, ông lão dùng nó để soạn thảo văn bản, xem các đoạn phim mình từng tham gia… Đó đã trở thành niềm vui nho nhỏ của người nghệ sĩ trong viện dưỡng lão.
“Có khi tôi thức trễ đến 4-5 giờ sáng để xem phim, sáng lại ngủ bù. Chân đau thiệt, mà tôi thì chưa bao giờ muốn nghỉ nghiệp diễn, viết sách. Nếu có thể tôi vẫn muốn viết đến hết đời”, ông lão chia sẻ.
“CÁI BỤNG BẢO TÔI SẼ SỐNG TỚI 100 TUỔI VÀ TÔI TIN THẾ”
Chốc chốc giữa cuộc trò chuyện, người chăm sóc lại vào lo liệu quần áo, đồ ăn cho ông cụ. Thấy thế, ông cụ bèn trêu:
- Cô tên gì?
- Con tên Mai.
- Mai à, vậy giống tên vợ tôi rồi, ai tên Mai cũng đẹp cả.
Nghe xong, cả phòng đều cười. Người chăm sóc chia sẻ, dù lớn tuổi, cụ Mạc Can vẫn giữ sự hài hước, tếu táo như thuở còn trẻ. Chính lý do này khiến việc chăm sóc các cụ cực nhưng khiến các cô luôn rất vui.
Riêng nghệ sĩ Mạc Can, sống một mình ở viện, cụ vẫn không bao giờ thấy cô độc. “Tôi có suy nghĩ thế này, tôi hay tin vào cái bụng của mình. Vì vậy, cái bụng tôi nó bảo tôi sẽ sống tới 100 tuổi nên tôi tin vậy, còn ở đây dài dài", Mạc Can tủm tỉm cười.
Chia tay chúng tôi, ông cụ nhìn vào máy quay, bảo chúng tôi quay một đoạn ông tự gượng ngồi dậy rồi cười để chứng minh bản thân còn khoẻ mạnh.
Ở tuổi già, đôi lúc quanh quẩn với 4 bức tường, cụ Mạc Can vẫn có khoảnh khắc cô đơn, nhất là khi ông nghĩ về gia đình, người vợ đã mất và cả người bạn không còn được nói chuyện. Những lần như thế, ông cụ chỉ mong có người đến thăm nom, ở cạnh mình một buổi chiều.
“Sau này chúng cháu lại tới thăm cụ nữa nhé!”, tôi lên tiếng.
“Hứa nhé! Nhiều người cũng hứa mãi không đến để tôi đợi mãi. Tôi vậy chứ thèm được nói chuyện”, Mạc Can rồi lặng lẽ nhìn chúng tôi rời đi.
Mạc Can, tên thật Lê Trung Can, sinh năm 1945 ở Tiền Giang. Ông được biết đến với nhiều vai trò như nghệ sĩ, nhà văn, nhà ảo thuật.
Thập niên 80-90, Mạc Can là gương mặt quen thuộc với khán giả. Nam nghệ sĩ từng ghi dấu ấn qua nhiều vai diễn ấn tượng trong các phim Đất phương Nam, Vó ngựa trời Nam, Người đẹp Tây Đô, loạt phim Cổ tích Việt Nam... Ngoài ra, ông cũng viết nhiều sách như Quỷ với bụt và thần chết, Tấm ván phóng dao...