Vừa qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện clip bà lão tay không bắt “tăm tặc” gây xôn xao dư luận. Theo đó, tại phố đi bộ Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một nhóm người thường xuyên “núp bóng” từ thiện lừa du khách mua tăm với giá “cắt cổ” - 500 nghìn đồng/ túi tăm.
Thấy sự việc này liên tục xảy ra, cụ bà nhặt rác gần đó đã theo dõi và tri hô người dân bắt giữ được một “nữ quái” để báo công an phường Tràng Tiền.
Clip cụ bà tay không bắt “tăm tặc” đưa lên công an.
Ngay sau đó, phóng viên Saostar đã tìm đến phố đi bộ Hồ Gươm để gặp ” nữ hiệp sĩ Hà thành”.
Với dáng người nhỏ thó, không ai nghĩ cụ bà gần 70 tuổi có thể tay không bắt kẻ gian. Bằng giọng nói hào sảng, bà kể tỉ mỉ về những lần đấu tranh, tố giác tội phạm - mới thấy đời bà là chuỗi dài những câu chuyện nghĩa hiệp, đáng trân trọng.
Bà Trần Thị Lập chia sẻ về việc bắt những kẻ lừa đảo, đưa lên công an.
Hiệp sĩ Hà thành “xắn tay áo” bắt kẻ gian
Bà tên Trần Thị Lập, 68 tuổi, quê xã Duy Hải, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (không phải tên Lèng, quê tỉnh Yên Bái như một số trang mạng đã đưa tin). Bà Lập lên Hà Nội mưu sinh đã 30 năm - từ tháng 3/1988 đến nay.
Gắn bó với Hà Nội ngần ấy thời gian, người phụ nữ này từng làm qua nhiều nghề, từ gánh thuê ở chợ Long Biên, bán rau rong, mía tấm ở phố cổ đến lượm ve chai ở Hồ Gươm… Tuy cuộc sống khó khăn nhưng bà quan niệm dù là bất cứ nghề gì, dù nghèo hèn hay giàu sang nhưng mọi đồng tiền chân chính đều đáng trân trọng. Và đó là lý do khiến bà rất bức xúc trước hành vi gian manh của kẻ lừa đảo.
Bà Lập với nụ cười sảng khoái, hào sảng.
Nhắc lại việc tay không bắt nữ “tăm tặc” vừa qua, bà Lập cho hay: “Tình trạng lừa bán tăm từ thiện với giá 500 nghìn đồng xuất hiện ở Hồ Gươm khá lâu rồi. Tôi nhặt rác ở đây bao nhiêu năm nên biết hết từng đối tượng. Nhóm này có khoảng 6-9 người, thường tập trung ở khu vực tháp Hòa Phong để lừa đảo khách.
Hôm đó có một thanh niên đang vãn cảnh trên phố đi bộ. Thấy thế kẻ lừa đảo tiến đến và năn nỉ mua tăm. Sau khi ký vào 1 cuốn sổ, nữ “tăm tặc” lập tức hét giá 500 nghìn đồng một gói tăm. Phát hiện ra sự việc, tôi đã tri hô người dân và “túm cổ” kẻ lừa đảo, đưa lên công an phường“.
Cuộc sống khó khăn cũng không ngăn được bà làm việc tử tế.
Bà Lập chia sẻ mục tiêu mà nhóm “tăm tặc” nhắm đến là các bạn trẻ. Với thủ đoạn dúi vào tay khách những gói tăm “từ thiện” với mức giá “tùy tâm”. Nhưng sau đó nhóm người này lật lọng yêu cầu khách phải trả 500 nghìn đồng. Nếu không trả đủ tiền thì nhóm đối tượng này sẽ có “biện pháp mạnh”.
“Nếu sợ chết tôi đã không làm”
“Hiệp sĩ Hà thành” cho rằng cuộc của bà tuy nghèo khó, vất vả nhưng không bao giờ đi lừa đảo, cướp giật hay ngửa tay xin tiền người khác.
Người ta cho rằng bà là kẻ bao đồng, dỗi hơi khi “xía” vào chuyện người khác. Từ năm ngoái đến nay, bà Lập bị nhóm “tăm tặc” phố đi bộ hăm dọa do cản đường làm ăn của chúng. “Họ nói nếu còn can dự vào chuyện người khác thì sẽ được “xử đẹp” luôn. Ở tuổi này rồi, từng trải qua nhiều sóng gió, nếu sợ chết tôi đã không làm!”, bà Lập bộc bạch.
Giãi bày về việc “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha“, bà Lập hào sảng, mỗi lần chứng kiến kẻ gian “gài” người khác để phục vụ mục đích xấu, bà không chịu nổi. “Tôi không có học, cũng chẳng có nhiều văn hóa nhưng tôi chắc chắn một điều rằng, tôi sống tử tế, đúng với lương tâm của mình, không lừa lọc ai, không hãm hại ai”.
Nhặt rác kiếm tiền gửi về lo cho gia đình
Dù tuổi cao nhưng bà Trần Thị Lập vẫn cố gắng kiếm tiền gửi về cho gia đình. Bà có hai người con trai, đều lập nghiệp ở Đồng Kỵ, Thái Nguyên. Các con khuyên bà nghỉ ngơi, vui vầy tuổi già nhưng bà Lập không nghe. Bà khảng khái: “Khi nào không lao động được nữa mới chấp nhận nghỉ, còn bây giờ vẫn kiếm được tiền vẫn phải xông pha”.
Khoảng hơn 1 năm nay, công việc nhặt phế liệu với bà Lập khó khăn hơn. Thu nhập eo hẹp nên bà Lập phải ngủ ngoài vỉa hè. Bà cho hay ngủ ngoài đường không mất tiền thuê trọ, số tiền ấy dành dụm gửi về cho gia đình để trang trải cuộc sống.
“Những năm trước, tôi nhặt ve chai được 200-300 nghìn là chuyện bình thường nhưng hai năm nay kiếm tiền khó khăn, mỗi ngày nhặt ve chai chỉ được 50-60 nghìn đồng.”
Thấy bà Lập vất vả người dân ở phố Hàng Đường đã giúp đỡ bà trong vấn đề sinh hoạt cá nhân. “Người dân ở Hàng Đường rất tốt, họ cho tôi tắm giặt, phơi quần áo, không lấy của tôi một đồng một cắc cho nên tôi đi làm quần áo vẫn sạch sẽ. Tôi rất biết ơn họ vì sự giúp đỡ này“.
Chia sẻ với Saostar về hành động trượng nghĩa của bà Trần Thị Lập, đồng chí Nguyễn Tuấn Khiêm, công an phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: “Bà Lập là người tử tế, một công dân tốt của phường. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng bà luôn chủ động giúp đỡ người khác, không ngại đối đầu với những kẻ lừa đảo.”