Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Cụ bà 'ngủ ngồi' và gánh xôi nuôi sống cả gia đình ba thế hệ ở Sài Gòn

Chồng bị tai biến, hai con không ổn định về tâm thần, bà cụ 70 tuổi với tấm lưng còng bỗng trở thành trụ cột gia đình với nguồn thu nhập chính đến từ gánh xe xôi.

Từ sáng sớm khi mặt trời vẫn còn chưa mọc và cả thành phố hãy còn ngủ yên, cụ bà Nguyễn Thị Huỳnh (70 tuổi) đã đẩy chiếc xe xôi âm thầm trên quãng đường vài cây số từ nhà dọc theo con đường Tản Đà để chuẩn bị cho một ngày buôn bán mới.

Suốt 16 năm qua, ngày nào bà cũng nép mình sau chiếc xe xôi ở góc đường này. Phía sau gánh xe cũ được che tạm bợ bằng cây dù rách, là cả gia đình 5 nhân khẩu phải sống nương nhờ vào nhau, tạm bợ qua từng ngày.

Bà “ngủ” cả ngày, đêm về lại thức

Được người xung quanh gọi là “bà già ngủ ngồi”, bà có lẽ sẽ chết danh với cái tên này mãi vì căn bệnh xương khớp khiến tấm lưng của cụ không bao giờ thẳng đứng lại được như xưa.

Lụ khụ mở nắp nồi hấp, tay cầm vá múc nhanh một viên xôi rồi gắp vội từng mẩu chả thịt, bà chia sẻ bằng chất giọng rưng rưng xuyên suốt cuộc nói chuyện: “Bây giờ lớn tuổi rồi, chỉ còn có cái xe xôi này cho có đồng ra đồng vô. Có hôm trời thương cho bán được chút lời, còn không thì thôi, lỗ”.

Cái lưng sụp xuống khiến dù đứng hay ngồi, bà cũng trông như đang gật gù ngủ. Cụ Huỳnh “ngủ ngồi” như thế cạnh xe xôi từ trước 6 giờ sáng cho đến gần trưa, rồi cụ lại lủi thủi “vừa đi vừa ngủ” đẩy chiếc xe về nhà.

Chỗ ở của bà là một căn hộ cũ nằm trên tầng 4 của chung cư gần đó, ngoài quãng đường gần 3 km, người phụ nữ quá nửa dốc đời này còn phải chinh phục ngần ấy bậc thang trong chuỗi ngày lặp lại đầy nhàm chán.

Vừa về đến nhà, bà chưa thể ngớt tay khi phải tức tốc lao vào dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc những người đang trông chờ sự xuất hiện của bà. Cụ Huỳnh có chồng năm nay 78 tuổi, bị tai biến từ lâu rồi, từ khi nào cụ cũng chẳng nhớ rõ.

Cùng chia sẻ không gian sống nhỏ bé đó là hai người con của bà, người con trai mắc tâm thần chỉ có thể giúp mẹ bớt cực nhọc bằng cách bưng phụ từng gánh hàng lên xuống cầu thang mỗi ngày, còn lại phần lớn thời gian, anh gây rối bằng những hành động không có nhận thức với người em gái của mình.

Ngồi đếm từng tờ tiền nhận về được sau một buổi bán, người phụ nữ 70 tuổi mừng rỡ dù cho chỉ lãi được vỏn vẹn 50.000 đồng, bởi bà biết trong số tiền ít ỏi đó là một bữa ăn cho chồng, một ngày thuốc cho con.

“Mấy tháng nay bà bán ế lắm, mỗi ngày chỉ bán được 3 kg nếp. Bà ngồi đợi khách mà buồn, mà muốn khóc. Tiền lời kiếm được phải đi mua thuốc, mua sữa, mua đồ ăn, mua đủ thứ cái trên đời, rốt cuộc bán buôn đâu có lời được bao nhiêu”, người mẹ già nấc nghẹn chia sẻ.

Quần quật từ sáng đến chiều muộn, bà đi chợ mua nguyên vật liệu chuẩn bị cho ngày bán hôm sau rồi ngủ một giấc ngắn đến khoảng 2 giờ sáng là tỉnh dậy. Cụ Huỳnh thức dậy sớm để nấu xôi, làm nước mắm,… và mọi thứ cần thiết rồi đưa hàng lên xe và đẩy đi bán.

“Ở thành phố không có tiền khổ lắm con ơi”

Đồng tiền đem đến niềm vui và hy vọng cho nhiều người thì cũng mang lại nỗi bất hạnh và sự thất vọng cho nhiều người khác. Đối với bà lão bán xôi, tiền bạc là gánh nặng tuy vô hình nhưng khiến đôi lưng của bà oằn đi qua năm tháng.

Mỗi ngày mở mắt ra là mỗi ngày chiến đấu để có tiền trang trải những nhu cầu cơ bản cho gia đình. Thật khó để có thể tưởng tượng nổi một bà cụ ở độ tuổi thất thập cổ lai hy vẫn có thể duy trì được điều này suốt ngần ấy năm, quả là có tình yêu và sức mạnh phi thường, đáng nể.

“Nói ra không phải là phi thường, kì diệu gì đâu, nhưng nếu không làm thì tiền đâu mà đóng tiền điện, tiền nước, mua đồ ăn, mua thuốc? Mỗi ngày thức dậy là mỗi ngày đi kiếm tiền, ở thành phố này mà không có tiền là khổ lắm con ơi”, cụ Huỳnh không cầm được nước mắt, khóc nghẹn kể về cảnh đời.

Những tưởng gánh xôi nhỏ có thể nuôi sống gia đình 5 miệng ăn trong suốt thời gian qua, nhưng sự thật là bà dành tất cả cho chồng, cho con cháu của mình, còn về bản thân bà chẳng để lại chút gì cho mình.

“Hồi đó đi khám bệnh, bác sĩ nói trong tương lai bà sẽ bị liệt, nhưng bà vẫn để kệ, sống được ngày nào hay ngày đó chứ không có tiền đâu mà đi chữa trị. Cái xe bán xôi thấy vậy mà còn khỏe hơn bà, bà nghĩ khi bà qua đời rồi thì chắc chiếc xe vẫn còn”, bà chia sẻ thêm.

Buổi tối, bà thu vén một góc nhỏ chỉ bằng vài ô vuông gạch bên cạnh giường của chồng rồi chợp mắt vài tiếng. Tất cả những không gian khác trong nhà, bà đã giành cho chồng, cho hai con cùng đứa cháu gái.

Sự hy sinh của bà cho người thân thật sự quá to lớn, khiến chiếc xe xôi nhỏ cũng có thể biến thành điều kỳ diệu nuôi sống được cả một gia đình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Thiên Ân

Được quan tâm

Tin mới nhất