Ông Phạm Trung Tuyến, Phó giám đốc Kênh VOV Giao thông Quốc gia nhìn nhận, vụ tài xế xe tải tông, kéo lê CSGT tại Hà Nội hôm 12/12 không phải cá biệt, tính chất không khác so với nhiều vụ lái xe hất CSGT lên capo hoặc đầu xe. Vụ việc này chỉ khác về hậu quả, với mức độ nghiêm trọng hơn khi CSGT bị kéo lê trên đường và nhập viện đa chấn thương.
“Nhiệm vụ của CSGT trước hết là đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Vì thế, tôi cho rằng bất cứ hành động nào dẫn đến sự mất an toàn về giao thông cũng là không đúng với trách nhiệm và quyền hạn của lực lượng CSGT”, ông chia sẻ.
Phó giám đốc kênh VOV Giao thông cho rằng, trong trường hợp cụ thể này, sự “liều mình” của cảnh sát đã góp phần gây ra một vụ tai nạn giao thông mà chính anh ấy là nạn nhân. Mặt khác, sự việc đã tạo nên một hình ảnh kinh khủng về giao thông đường bộ ở Việt Nam.
Theo ông, trước tình huống lái xe có thái độ hung hãn, CSGT không nên mạo hiểm mà nên giữ an toàn cho bản thân. Tài xế ngoan cố bỏ chạy thì ghi biển số xe để truy phạt sau, và không khó để xử phạt các trường hợp này.
“Chúng ta không nên bàn đến việc CSGT lao ra đường chặn bắt người vi phạm là đúng hay sai. Không có sự đúng đắn nào dẫn đến hậu quả tệ hại như chúng ta đã chứng kiến ở tình huống này, và những tình huống tương tự”, ông nói về các tranh cãi trên mạng xung quanh vụ việc.
Rồi chuyên gia giao thông này đặt câu hỏi: “Điều chúng ta cần bàn ở đây là vì sao đã có rất nhiều vụ việc cảnh sát giao thông tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm không cần thiết như vậy, và tại sao những hình ảnh đó vẫn tái diễn?”
Ông chia sẻ lấy làm tiếc khi đến nay CSGT chưa nghiên cứu tâm lý, phỏng vấn những CSGT về động cơ thúc đẩy họ hành động như vậy để rút ra một kết luận nhằm chấm dứt việc đó.
Cá nhân ông cho rằng, đã có sự nhầm lẫn giữa quyền hạn và quyền lực. Nếu có nhận thức đúng đắn về quyền hạn, người chiến sĩ cảnh sát giao thông sẽ có ý thức rằng mình có thể làm những gì để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Còn nhầm lẫn giữa quyền hạn với quyền lực, cảnh sát sẽ bị thúc đẩy bởi tâm lý: “Tôi có quyền dừng phương tiện của anh, tại sao tôi đã ra hiệu lệnh dừng xe mà anh không chấp hành, tôi sẽ chặn đầu xe anh xem anh có dám không dừng lại hay không? Kết quả thì chúng ta đã biết.
“Một người nhầm lẫn giữa quyền hạn và quyền lực sẽ dẫn đến bi kịch cho chính người đó. Song, một xã hội nhầm lẫn quyền hạn với quyền lực thì đó là bi kịch xã hội. Mà lúc này, chuyện nhảy lên nắp capo chặn xe không phải là cá biệt nữa rồi”, ông nhìn nhận.
9h50 ngày 12/12, Đoàn Văn Chuyên (24 tuổi, quê tỉnh Hưng Yên) lái xe tải nhỏ vượt đèn đỏ ở phường Phúc Đồng (Long Biên, Hà Nội) nên bị CSGT dừng xe. Tài xế tông thẳng khiến thượng úy Nguyễn Quốc Đạt, Đội CSGT số 5 - Công an Hà Nội, phải bám cần gạt nước. Ôtô chạy thêm 150 m thì thượng úy Đạt rơi xuống và bị bánh xe cán qua người, bất tỉnh, áo rách bươm. Sau 3 giờ bỏ chạy, tài xế trình diện công an phường sở tại và bị tạm giữ hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ. Chuyên có 2 tiền án về tội Cướp tài sản và tội Trộm cắp. Người này vừa ra tù và hiện lái xe thuê cho một công ty sản xuất đồ gỗ ở tỉnh Hưng Yên. Khai với cơ quan điều tra, Chuyên cho biết do hoảng sợ khi cảnh sát ra tín hiệu dừng nên lái xe bỏ chạy. |