Sau ngày bất chợt trở thành hiện tượng “bún riêu cho” cực kỳ đáng yêu, gánh bún lâu đời tại chợ Phú Nhuận của cụ bà Nguyễn Thị Sang đã trở nên đông đúc hơn bao giờ hết. Có khi chỉ tầm 3h chiều là không còn nữa vì hàng lớp người cứ thế mà kéo đến liên tục khiến bà không một phút ngơi tay. Chẳng những ăn, mà còn không ít nhóm bạn trẻ, báo đài đã đến và ghi lại những câu chuyện buồn vui bên hàng bún riêu ba đời tồn tại hơn nửa thế kỷ này.
“Dì Sang, sang như dì” đã trở thành nét đặc trưng về cái tình của người đàn bà bán bún dành cho xóm giềng, cho thực khách. Và đến hôm nay, chúng ta lại có thêm lý do để bất ngờ và thêm yêu quý người phụ nữ giàu tình nghĩa này khi được nghe bà kể về những lần bị công an rượt.
Đoạn đối thoại chứa đầy năng lượng tích cực từ người phụ nữ bé nhỏ. Nguồn Schannel
“Công an nó rượt thì mình phải chạy thôi, công việc của nó mà. Tất cả mọi người đều giống nhau hết con. Mình hổng từ chối gì hết, ai cũng chạy mình cũng chạy theo luôn.
Người ta cũng vì miếng cơm manh áo, mình cũng vì miếng cơm manh áo,…tôn trọng người ta vậy thôi.
Người ta đi làm kiếm cơm, mình đi bán kiếm cơm, nhường nhau mà sống thôi, cãi vã cái gì. Cứ vui vẻ mà chạy!”
Chỉ vài câu nói ngắn gọn mà mang sức lan toả mạnh mẽ đến cộng đồng mạng. Chúng ta bất chợt quên đi cái oi bức của thành phố, cái khắc nghiệt của mọi khó khăn khiến mình luôn nhăn nhó. Thái độ này, sự lạc quan này có lẽ chẳng có bao nhiêu người sở hữu được. Nó vô hình nhưng lại là nguồn năng lượng cực to lớn không chỉ giúp bà giữ vững gánh hàng rong suốt bao nhiêu năm mà còn đủ để bà trao tặng cho từng thực khách của mình, bát bún riêu nhỏ mà chứa đầy tinh thần đáng quý của người bán hàng.
Bất kỳ ai đến ăn ở đây, đều rời khỏi với sự yên bình, nhẹ nhõm đến lạ tựa như đã quên mọi áp lực từng có nhờ sự lạc quan mà bà Sang đã lan toả đến họ.
Người phụ nữ không chồng, không con, suốt 52 năm chỉ biết sáng dọn hàng, bán hết thì nghỉ, một lòng phụng dưỡng mẹ già vậy mà chưa một phút oán than, ngay cả trong những khoảnh khắc khó khăn nhất, bà cũng chỉ “mỉm cười cho qua”.
Cảm ơn bà, vì đã dành cho Sài Gòn góc nhỏ bình yên đến thế!