Câu chuyện cảm động về cô bé 8 tuổi Yang Xiuxia ngày ngày bán rau ngoài đường với hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp lại được cha mẹ ruột, những người đã bỏ rơi em khi còn là trẻ sơ sinh vào năm 2008 khiến ai cũng nhói lòng.
Cô bé Yang Xiuxia có tên gọi ở nhà là Mao Mao, được người hàng xóm tốt bụng cưu mang và nuôi nấng ở làng Liên Hồ, thành phố Đông Quan, Trung Quốc.
Được biết, bố mẹ của Mao Mao là 2 công nhân Vấn Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên tới Đông Quan để làm ăn. Vào ngày 10/05/2008, cặp đôi đã lén lút để đứa trẻ mới được 1 tháng tuổi trên bậc cửa nhà hàng xóm rồi bỏ đi trong đêm tối.
Bà lão 70 tuổi Huang Mengyi kể lại rằng khi nghe thấy tiếng trẻ con khóc trước cửa nhà, bà liền mở cửa và nhận ra đứa trẻ sơ sinh đó là con của đôi vợ chồng công nhân trẻ kia. Bà lập tức chạy đến nhà tìm nhưng họ đã rời đi từ lúc nào không hay,
Người dân xung quanh cho biết do đứa trẻ bị sinh non, mắc chứng viêm phổi từ khi mới lọt lòng nên đôi vợ chồng trẻ đã nhẫn tâm bỏ đi như vậy.
Kể từ hôm đó, bà Mengyi, 1 bác sĩ quân đội nghỉ hưu, đã cưu mang và nuôi nấng Mao Mao và coi nó như cháu gái ruột của mình.
Ước mơ mong manh của cô bé đáng thương
Vợ chồng bà Mengyi sống trong căn nhà tồi tàn và trồng 1 vườn rau nhỏ để kiếm sống qua ngày. Chính vì vậy, cô bé Mao Mao lúc đó mới 3 tuổi đã bắt đầu giúp ông bà bán rau ngoài đường.
Ngoài việc bán rau kiếm tiền, hy vọng lớn nhất của cô bé là gặp được bố mẹ mình nếu họ trở về Đông Quan 1 ngày nào đó.
Ước mơ của cô bé lớp 4 này là được đoàn tụ với gia đình của mình và mong được bố mẹ đưa đón đi học như bao bạn đồng trang lứa khác.
Ngày ngày, bên cạnh sạp rau đơn sơ, Mao Mao luôn mang theo tấm biển hiệu như 1 bức tâm thư muốn gửi đến bố mẹ mình. Tấm biển kể lại câu chuyện về cuộc đời của cô bé đáng thương từ năm 2008 khi bị bố mẹ bỏ rơi trước cửa nhà hàng xóm lúc nửa đêm trong tình trạng bị viêm phổi.
Qua đó, Mao Mao cũng bày tỏ nỗi nhớ cha mẹ da diết và mong được đoàn tụ với họ từng ngày.
Mặc dù chưa từng được gặp bố mẹ đẻ của mình, Mao Mao không hề oán trách việc bố mẹ bỏ rơi mình mà luôn luôn nghĩ tới họ và mong được gặp họ mỗi ngày.
Những dòng nhật ký của cô học sinh lớp 4 này khiến người đọc không cầm được nước mắt: “Bố mẹ đang ở đâu ạ? Bố mẹ luôn ở trong giấc mơ của con, nhưng mỗi khi con thức giấc, con không còn thấy bố mẹ nữa…”
Nhiều người không thể kiềm được nước mắt trước câu chuyện của cô bé Mao Mao tội nghiệp. Họ tìm đến sạp rau để ủng hộ cô bé, đồng thời đem câu chuyện đi khắp nơi với hy vọng giúp cha mẹ đẻ của Mao Mao trở về để tìm con gái.
Mao Mao bày tỏ mong muốn được gặp bố mẹ thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Cô bé muốn biết tại sao bố mẹ không chữa bệnh cho con khi còn là 1 đứa trẻ sơ sinh mà lại bỏ rơi con trước cửa nhà hàng xóm.
Cô bé 8 tuổi chia sẻ rằng bà của mình đã già, với hoàn cảnh gia đình hiện nay không biết cô bé còn có thể tiếp tục đi học nữa được hay không.
Nếu Mao Mao có thể tìm được bố mẹ đẻ, tìm được gia đình thì cô bé sẽ không còn sợ hãi bất kì điều gì cả. Mao Mao sẽ giống như những bạn cùng lớp của mình, được sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của bố mẹ.
Sự giúp đỡ của cộng đồng
Một nhóm tình nguyện biết được câu chuyện cảm động của Mao Mao thông qua sạp rau bên đường của cô bé. Họ nhận xét rằng Mao Mao là 1 đứa trẻ thông minh, sáng dạ, ngoan ngoãn và đầy dũng cảm.
Nhóm tình nguyện đưa câu chuyện của cô bé 8 tuổi này lên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc, từ đó nhận được rất nhiều sự đồng cảm và sẻ chia của cư dân mạng.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhóm tình nguyện tiếp tục đưa câu chuyện của Mao Mao lên những trang tin tức về người thất lạc gia đình. Họ hy vọng rằng bố mẹ cô bé sẽ thấy được thông tin đó và quay về tìm cô con gái bé bỏng.
Được biết, vài ngày sau khi bỏ đi bố mẹ ruột của Mao Mao gọi điện về cho bà Mengyi và nói rằng họ sẽ quay trở lại đón cô bé trong thời gian sớm nhất, song đến nay vẫn chưa có tin tức gì.
Nhóm tình nguyện vẫn không ngừng chia sẻ và tìm kiếm cha mẹ ruột của Mao Mao và họ rất hy vọng 1 ngày nào đó cả gia đình sẽ đoàn tụ với nhau.
Ngoài ra, thông qua mạng xã hội, những nhà hảo tâm đã quyên góp được hơn 65 triệu đồng giúp cho cuộc sống của Mao Mao và gia đình bớt khó khăn.