Kiên cường bước đi
Sẽ như thế nào nếu bạn mất đi một bên chân lúc 16 tuổi? Bạn không thể đá bóng cùng bạn bè, cũng chẳng thể đạp xe đi học trên con đường làng quanh co. Thế giới của bạn sẽ thu bé trong bốn bức tường. Nơi đó, có nước mắt của mẹ, có sự lo âu của cha, có sự tuyệt vọng của bản thân.
Đó là những dòng suy nghĩ của Tấn Quốc (ngụ Phú Yên), khi anh gặp biến cố đầu tiên trong cuộc đời mình. Năm học lớp 10, Quốc thường xuyên bị đau nhức chân.
Những nỗi đau dày vò cậu nhiều hơn, Quốc được gia đình đưa đi chạy chữa nhiều nơi. "Ung thư xương" là kết quả cuối cùng mà Quốc nhận được. Anh suy sụp tinh thần, hàng trăm nỗi lo cứ lớn dần lên trong lòng: tương lai dang dở, việc học phải bỏ ngang, bản thân sẽ sống tiếp thế nào?
Sau nhiều lần thăm khám, bác sĩ lên phác đồ điều trị cho Quốc, đồng thời đề nghị anh phải tháo bỏ một chân để tránh sự lây lan của tế bào ung thư. Quốc nuốt nước mắt, gật đầu.
Từ đó, chàng thiếu niên 16 tuổi đã chấp nhận việc mình sẽ mãi mãi mất đi một bên chân. Suốt một năm điều trị ung thư, anh đã trải qua rất nhiều nỗi đau, buồn tủi. Những lúc như thế, mẹ lại kề cận, lấy tay mình siết lấy tay con, động viên Quốc đừng bỏ cuộc.
Trải qua nhiều lần xạ trị, Quốc dần dần trở lại cuộc sống bình thường. Anh nhờ bố tập chạy xe. Chiều chiều, bố lại ngồi phía sau cho Quốc chạy, lấy chân mình làm chống để giữ thăng bằng. Anh nói: "Mình "hồi sinh" một lần nữa trong sự giúp đỡ của gia đình, trong tình yêu thương vô điều kiện của bố mẹ. Bố là người luôn kiên nhẫn, chịu khó, chờ mình tiến bộ từng ngày. Mỗi lần chạy xe, bố lại ngồi sau cho mình bớt lo lắng". Từ xe 4 bánh, Quốc đã có thể di chuyển bằng xe 2 bánh.
Chàng shipper một chân
Sau thời gian ở nhà, anh được một người bạn giới thiệu vào một công ty giao hàng tại Phú Yên. Lần đầu thấy chàng trai một chân lò cò đến xin việc, người chủ vô cùng ngạc nhiên và lo lắng. Tuy nhiên, do thấy thương chàng trai có nghị lực kiên cường, chị đã gật đầu đồng ý cho Quốc nhận việc giao hàng.
Bất kể nắng mưa, sớm tối, Quốc luôn là một shipper chăm chỉ. Quốc nhớ lại: "Ban đầu, lúc mới đi giao hàng mình cũng ngại, mọi người đều nhìn chằm chằm vào mình. Nhưng sau khi biết câu chuyện, ai cũng động viên.
Có cô gửi lời thăm hỏi, có chú vỗ vai, thậm chí, có chị còn đăng hoàn cảnh của mình trên mạng xã hội để mọi người biết mà ủng hộ. Mình biết rằng khi chỉ còn một chân, cuộc sống sẽ có vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, mình phải mạnh mẽ để bước tiếp, có một công việc nuôi sống chính mình, gói ghém tiền để gửi cho gia đình nữa".
Cách đây một tháng, một người khách đã ầm thầm ghi lại đoạn video Quốc lấy hàng tại siêu thị. Chàng trai lò cò nhảy lên bậc thềm, bước ra rồi nhanh chóng lên xe giao hàng cho khách. Hình ảnh này đã khiến không ít người xúc động đến rơi nước mắt.
Trên mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ sự cảm phục đối với chàng shipper một chân. Quốc nói: "Mình cũng không biết đoạn video đó được quay lúc nào, nhưng mình có đọc hết những bình luận động viên mà mọi người dành cho mình, rất xúc động".
Trước đó, để có thể hoàn thành công việc tốt nhất, anh hiếm khi từ chối những cuốc xe được đặt. Từ Phú Yên chạy đi Bình Định, nhận giao hàng cả khi trời mưa tuôn, đường ngập nước... Mỗi chuyến đi đều được thực hiện bởi sự cần mẫn, chăm chỉ của Quốc.
Quốc còn nhớ, có khi giao hàng đến nơi, người anh sũng ướt nước mưa, tay run cầm cập vì lạnh. Những hôm trời nắng, da thịt bỏng rát, anh vẫn mặc áo khoác, bon bon trên đường.
"Có được công việc tử tế là rất quý giá. Vì thế, mình luôn muốn làm hết mình, có tâm để không phụ lòng những ai đã yêu thương và giúp đỡ mình", anh mỉm cười nói.
Hiện tại, công ty của Quốc đã chuyển từ Phú Yên sang Bình Định. Mỗi tháng, trừ tiền thuê trọ, sinh hoạt phí, đi lại, anh vẫn dành dụm được vài triệu đồng để gửi về cho mẹ.
Số tiền tuy nhỏ, nhưng đánh dấu một cột mốc lớn trong đời anh. Để mỗi sớm thức dậy, anh luôn tự hào về bản thân mình đã có thể sống tốt, sống tử tế, sống tràn đầy yêu thương.