Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chuyện về giếng cổ hàng trăm năm tuổi ở Hà Nội: 10 thanh niên trai tráng múc cả ngày không cạn

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Ông Trần Xuân Bảy kể, giếng cổ của làng Phú Diễn trước đây 10 thanh niên trai tráng thay nhau múc cả ngày không cạn, nam nữ còn trinh mới được khơi giếng, múc nước đêm giao thừa.

Giếng nước cổ ngọt như nước dừa non đặc biệt ở Hà thành

Chiếc giếng cổ ở làng Phú Diễn nay thuộc phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là nơi từng cấp nước sạch cho toàn bộ người dân trong làng. Giếng cổ Phú Diễn nằm ẩn mình trong khuôn viên nhỏ, đối lập với đó là sự ồn ào của phố thị, nơi tấp nập xe cộ đi lại sớm chiều.

Ông Trần Xuân Bảy là đời thứ 13 ở làng Phú Diễn kể về giếng cổ.

Giếng cổ Phú Diễn được bao bọc trên miệng bằng đá tròn nguyên khối. Các nghệ nhân xưa còn tạo hình xung quanh vô cùng tinh xảo với những họa tiết chạm khắc độc đáo. Cùng với đó, các góc miệng giếng đều được tạo hình con cóc với ý nghĩa mong muốn mưa thuận gió hoà.

Từng có nhiều năm tâm huyết nghiên cứu, ông Trần Xuân Bảy (70 tuổi, ở tổ 14 phường Phú Diễn) vô cùng hào hứng khi kể những câu chuyện xoay quanh giếng cổ làng mình. Gia đình ông Bảy đã có 13 đời sống ở xóm Giếng. Bản thân được nghe ông bà, bố mẹ và các cụ cao niên trong làng kể nhiều về chiếc giếng này. Thế nhưng, không ai biết chính xác giếng nước này bao nhiêu tuổi.

Lối vào khuôn viên của giếng cổ.

Chiếc giếng cổ hàng trăm năm tuổi ở làng Phú Diễn.

Theo ông Bảy, thông thường khi dân làng về lập ấp khai hoang thì sẽ đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Chiếu theo nguyên lý ấy, giếng nước này có thể đã xuất hiện cách đây 500-600 năm, cùng với sự hình thành của làng Phú Diễn xưa.

“Trực tiếp nhìn trên miệng giếng, thấy những vết lõm do kéo dây gầu múc nước đặt lọt cả ngón tay thì mọi người có thể thấy giếng nước này cổ xưa như thế nào. Đó là chưa kể các chân quỳ dạ cá ở xung quanh cũng đã mòn vẹt đi hết cả. Điều đặc biệt tôi từng uống nước giếng nhiều nơi nhưng chưa nơi nào thấy nước giếng lại ngọt giống nước dừa non như chính ở giếng cổ này”, ông Bảy chia sẻ.

Nam nữ còn trinh mới được khơi giếng, múc nước đêm giao thừa

Sinh ra lớn lên và trực tiếp được uống nước giếng làng, ông Bảy đã từng nghe kể và chứng kiến nhiều câu chuyện ở giếng cổ đặc biệt này. Nơi đây trước kia người lớn trẻ nhỏ đều đổ về đây gánh nước giặt quần áo, nấu cơm nước. Đặc biệt mạch nước không bao giờ bị cạn kiệt.

“Ngày xưa 10 thanh niên trai tráng trong làng được cử khơi thông giếng làng trước ngày đại lễ sẽ diễn ra vào Lễ hội truyền thống Diễn xưa (hay lễ hội truyền thống Đình Diễn) vào rằm tháng 3. Thế nhưng vì mạch nước rất mạnh nên mọi người không bao giờ múc cạn được.

Quanh miệng giếng, các góc đều có cóc đá.

Giếng được nhiều người tôn tạo gìn giữ như báu vật của thời gian.

Đặc biệt, những thanh niên chưa vợ, khỏe mạnh, khôi ngô mới được đi khơi giếng làng. Rồi những đêm 30 Tết, phải là những người con gái còn trinh mới được múc nước giếng để ra đình làm lễ. Đêm đó nước giếng múc lên không phải bằng gầu thông thường, mà phải múc bằng mo cau. Tất cả phải thể hiện sự trang nghiêm, thuần khiết”, ông Bảy kể tục lệ về giếng cổ.

Không chỉ những dịp đặc biệt, kể cả ngày thường những người con gái trong kỳ kinh nguyệt cũng không được đến giếng làng lấy nước. Bởi sau đó giếng nước sẽ không còn trong xanh và người đó sẽ bị cả làng mắng chửi.

Với những người dân ở xóm Giếng, từ xưa cho đến nay vẫn giữ một truyền thống văn hóa đó là những ai đi lấy chồng nơi khác, khi qua giếng làng phải vào miếu thắp hương.

Bia trùng tu giếng cổ làng Phú Diễn.

“Tôi là người trực tiếp chứng kiến câu chuyện đó. Năm ấy tôi ra giếng làng gánh nước về cho u tôi. Về tới nhà u thấy nước giếng nổi váng liền nói ‘không biết đứa nào lại ra lấy nước giếng rồi’. Hỏi ra mới biết, nếu phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt ra lấy nước thì giếng sẽ nổi váng 3 ngày không hết. Bao giờ người phụ nữ đó hết thời kỳ kinh nguyệt thì nước mới trong trở lại”, ông Bảy kể lại.

Với những người dân ở xóm Giếng, từ xưa cho đến nay vẫn giữ một truyền thống văn hóa đó là những ai đi lấy chồng nơi khác, khi qua giếng làng phải vào miếu thắp hương. Việc làm này như một sự biết ơn, bởi người ở làng sống nhờ mạch nước giếng, khi đi xa sẽ luôn nhớ về nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Theo ông Bảy, nước giếng cổ trước đây người dân trong làng dùng không bao giờ cạn. Sau này nhà máy nước ngọt lấy nước khiến nguồn nước dần cạn kiệt. Giờ đây xã hội phát triển, giếng cổ làng Phú Diễn tuy không bị lấp đi, nhưng không ai còn dùng nước giếng để ăn. Thế nhưng, hàng năm vào dịp rằm tháng 3, người dân bản địa nơi đây vẫn tổ chức thau giếng, xin nước để rước vào đình làng làm lễ.

“Với những người dân gốc ở đây, giếng nước này như một bảo vật và mang giá trị văn hóa, tâm linh rất lớn với chúng tôi. Hy vọng rằng, sau chúng tôi những thế hệ trẻ sẽ mãi giữ được truyền thống văn hóa của làng và kể câu chuyện chiếc giếng cổ từng là nguồn nước nuôi sống bao thế hệ cha ông xưa”, ông Bảy chia sẻ thêm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất