Khỉ bán vé số luôn quấn quýt bên bà Lý.
Người phụ nữ ấy tên là Nguyễn Thị Lý, nhưng mỗi khi có người hỏi tên thật, bà lại bông đùa: “Tôi thứ ba nên người ta thường gọi tôi là bà… Ba Khỉ”.
Bà và khỉ ít khi rời nhau, khi thì khỉ ngồi trong giỏ xe phía trước, khi thì ngồi phía sau yên xe. Khỉ khôn lắm, biết nũng nịu lấy tay khều khách, sau đó một tay nó cầm tay khách, còn tay kia cầm xấp vé số dúi vào tay như năn nỉ khách mua. Ngay khi khách đưa tiền, khỉ cầm lấy kêu khèng khẹc mấy tiếng như để cảm ơn. Nhiều vị khách cầm xấp vé số nhưng không chọn tờ nào, sau đó trả lại kèm theo tờ 10.000 đồng nhưng khỉ cứ lắc đầu, trả lại tiền. Có người thấy con khỉ khôn nên cho trái cây, kẹo… nhưng nó đều lắc đầu không nhận cho đến khi bà Lý cho phép.
Theo lời bà Lý thì con khỉ này được bà nuôi từ lúc nhỏ, đến nay đã trên 7 năm. Những lúc rảnh rỗi, bà dạy khỉ mời khách mua vé số để giải khuây, không ngờ khỉ tiếp thu “bài học” rất nhanh.
Bà Lý nói nhiều người khuyên bà phóng sinh khỉ vào rừng hay giao cho sở thú nào đó nuôi nhưng bà nuôi khỉ lâu ngày nên không thể xa nó. Hơn nữa, do được bà nuôi từ nhỏ nên khỉ mất dần tính hoang dã, nếu phóng sinh vào tự nhiên chắc chắn nó không kiếm được thức ăn hay bị bầy đàn khỉ khác đàn áp, xua đuổi, lâu ngày sẽ chết vì đói khát hoặc thương tích, do vậy bà không dám “đuổi đi”. Ngược lại, khỉ cũng tỏ ra yêu mến, quấn quýt và biết bảo vệ bà chủ.
Có lần, thấy một vị khách vỗ vai bà Lý, khỉ ta tưởng vị khách đánh chủ bèn xù lông, nhe răng trông rất hung dữ, đến khi bị bà Lý “rầy” nó mới chịu yên. “Nó khôn lại biết thương chủ như vậy nên bán hay bỏ nó đi tôi không đành lòng!”, bà Lý nói.