Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chuyện kinh doanh lần đầu kể của 'tỷ phú', tiền đạo Anh Đức: Từ kinh doanh đồ thể thao đến giấc mơ thương hiệu nông sản Việt

Theo Trí Thức Trẻ Theo dõi Saostar trên google news

Không chỉ thành công trên sân cỏ, tiền đạo Nguyễn Anh Đức còn là một doanh nhân thành công với thương hiệu Anh Đức Sports và đang “lấn sân” sang lĩnh vực nông sản với sản phẩm hồ tiêu mang tên Bác Bảy.

Trước đây, dù đứng ngang với 3 cái tên nổi bật của làng bóng đá Việt gồm Thanh Bình, Công Vinh, Văn Quyến, nhưng tài năng của Anh Đức vẫn được đánh giá là khá mờ nhạt so với các cầu thủ đồng trang lứa.

Cầu thủ Anh Đức

Có những lúc tưởng đã “hết thời” nhưng cùng với nỗ lực bền bỉ Anh Đức đã bừng sáng trên sân cỏ những năm gần đây với Quả bóng vàng 2015 và Vua phá lưới V.League 2017.

Tới AFF Cup 2019, thêm một lần nữa Anh Đức khẳng định tài năng của mình khi cùng lớp cầu thủ trẻ làm nên lịch sử cho bóng đá Việt Nam. Ghi bàn thắng quyết định chức vô địch của Việt Nam trong trận chung kết lượt về AFF Cup, Anh Đức đã chứng minh bản lĩnh của một “lão tướng”.

Không chỉ thành công trên sân cỏ, tiền đạo Anh Đức còn là một doanh nhân thành đạt. Tập tành kinh doanh từ 11 năm trước, hiện nay Anh Đức là một trong những cầu thủ giàu có nhất Việt Nam với sự nghiệp kinh doanh đang trên đà phát triển.


Anh Đức bắt đầu kinh doanh khi nào? Lúc đó anh đã là cầu thủ bóng đá nổi tiếng được nhiều người biết tới chưa?

Tôi bắt đầu kinh doanh từ cuối năm 2008. Để nói thời điểm đó có thật sự đã nổi tiếng hay không cũng khó trả lời. Khi bắt đầu kinh doanh, tôi bị chấn thương, phải sang Singapore để chữa trị. Bây giờ nghĩ lại, việc kinh doanh đến với tôi cũng là cái duyên.

Nhờ kinh doanh, anh không chịu gánh nặng kinh tế, vậy anh đi đá bóng, bao nhiêu % vì đam mê và bao nhiêu % vì hình ảnh cho thương hiệu Anh Đức Sports?

Ý tưởng kinh doanh đồ thể thao và đặc biệt là giày Anh Đức bắt nguồn từ lúc tôi tập luyện. Thời điểm đó không hiện đại như bây giờ, giày dành cho cầu thủ đá bóng khi ấy chất lượng chưa cao, vẫn dễ khiến cầu thủ bị chấn thương. Vì thế, tôi mới cố gắng đầu tư sản xuất một số mặt hàng để hạn chế chấn thương cho mọi người hơn, cũng có chất lượng tốt hơn. Lúc đó tôi cũng chưa có khái niệm gì về đá bóng để quảng cáo đâu.

Khi bắt đầu khởi nghiệp, anh có gì trong tay?

Trong thời gian đá bóng thì tôi cũng có tích lũy được một khoản tiền. Việc kinh doanh đều bắt đầu từ nguồn tiền do bản thân tôi làm ra. Lúc đó, tôi đang bị chấn thương, người nhà trong đó có một ông chú thân tình có tư vấn là tại sao mình làm thể thao thì sao không kinh doanh về ngành này.

Hồi đấy, tôi cũng có sẵn một mặt bằng trước sân vận động. Đúng lúc người chị thứ 3 lập gia đình ở Quảng Ngãi về quê sinh sống, tôi quyết định mở ra một cửa hàng thể thao cũng xem như là tạo chỗ làm việc cho người chị của mình.

Việc trở thành người nổi tiếng giúp gì cho Anh Đức khi làm kinh doanh?

Rất nhiều! Vì tôi khởi nghiệp về thể thao, vị trí là một cầu thủ đó cũng giúp nhiều người biết đến, người ta sẽ yên tâm hơn về sản phẩm. Khi anh bán hàng thì anh phải có sự hiểu biết về nó, làm cho khách hàng yên tâm về sản phẩm, chất lượng mà anh bán.


Giới cầu thủ thường xuyên phải xa nhà, tập trung ở câu lạc bộ, đội tuyển, bản thân anh cũng từng chia sẻ, phải chắt chiu thời gian dành cho gia đình, vậy anh quản lý công việc kinh doanh, sản xuất thế nào?

Cách của tôi rất đơn giản, thời gian tập xong thì về công ty, xem lại chứng từ rồi các hoạt động mà nhân viên báo cáo. Còn những lúc đi thi đấu thì nhân viên gửi qua email, Zalo hoặc qua các phương tiện online. Những việc gấp trong công việc thì gọi điện thoại.

Thực ra, đa số những năm vừa rồi tôi ít ra nước ngoài thi đấu nên quản lý rất sát và tôi là người làm từ khi bắt đầu nên hiểu rất rõ. Cái gì bản thân mình hiểu rõ thì giải quyết rất nhanh.

Quá trình chuyển giao từ kinh doanh sang sản xuất và đưa sản phẩm mang thương hiệu tên mình ra thị trường, anh gặp những khó khăn gì?

Nhiều khó khăn lắm, từ quản lý nguyên liệu, chiết tính giá thành, kế hoạch sử dụng vốn, thử nghiệm sản phẩm và bao bì, rồi cuối cùng là chọn kênh phân phối và trưng bày sản phẩm. Tất cả những điều đó đến dồn dập trong thời gian đầu khiến tôi rất lún

Có nền tảng gia đình làm kinh doanh lâu đời nên anh có nguồn vốn dồi dào để kinh doanh riêng và không sợ thất bại sẽ trắng tay phải không?

Thực ra, với kinh doanh, tôi chỉ có quan niệm là tận dụng sử dụng hết mọi nguồn lực có thể để đem lại kết quả tốt nhất, chứ không thể gọi là không sợ thất bại. Thất bại thì tôi và gia đình cũng buồn lắm.

Tuy nhiên, quan điểm của tôi với startup là khi có đủ vốn duy trì, thì thành công sẽ đến, cho nên không quan trọng là vốn từ đâu và bao nhiêu, quan trọng là sử dụng như thế nào.

Sau nhiều năm khởi nghiệp, anh thấy điều gì là quan trọng nhất?

Điều tôi tâm đắc nhất là thương hiệu. Mình làm cái gì để ổn định lâu dài thì phải có thương hiệu, thương hiệu không phải đến từ cái tên Anh Đức mà đến từ chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sự uy tín.


Thất bại đau thương nhất trong kinh doanh của Anh Đức là gì?

10 năm kinh doanh, cũng có lúc tôi thất bại trong mảng phân phối nội địa. Khi tôi mới kinh doanh khoảng 1 năm thì có thể bỏ sỉ khắp thị trường việt Nam với hệ thống sale rộng khắp nên doanh thu hàng tháng cũng tương đối.

Ban đầu, tôi bán theo chính sách gối đơn hoặc ký gửi cũng khá thành công và suôn sẻ. Nhưng về sau, khoảng cách đây 5 năm thì chính sách này không còn phù hợp vì “miếng bánh ngon” thì người ta cũng ồ ạt nhảy vào làm. Người ta sẵn sàng cung cấp hàng trước, đến khi bán hàng được thì mới tiền về. Như vậy, tính cạnh tranh nâng cao khiến công việc của tôi ảnh hưởng.

Thời gian đó, không chỉ 1 vài mà là rất nhiều người làm theo mô hình đó. Họ ở ngay tại địa phương nên dễ dàng chiếm được thị phần của mình. Mặc dù, có nhiều sản phẩm họ cung cấp nhìn ở ngoài thì 8-10 điểm, nhưng chất lượng chỉ 40-50%, song người tiêu dùng thì không biết được. Bởi người ta vẫn chưa đặt chất lượng lên hàng đầu, chủ yếu nhìn bằng mắt, chỉ cần hợp thị hiếu, vừa mắt là mua.

Đối với tôi, đó là một thất bại. Tuy nhiên, khi mình biết nguyên nhân thì mình chấp nhận được và phải tìm cách giải quyết bằng cách xây dựng thương hiệu của mình.


Thời gian “vàng” trước khi thất bại của anh là bao lâu? Anh đã làm gì để khắc phục việc thất bại đó?

Thời gian “vàng” trước khi nếm thất bại đó cũng được 3-5 năm.

Tôi nhận biết được thất bại của mình cũng xuất phát từ xu hướng thực tế, nên tôi thấy thất bại đó cũng là bình thường. Khi biết được nguyên nhân, tôi cũng tìm cách điều chỉnh trong việc tư vấn cho khách hàng hiểu về chất lượng, uy tín sản phẩm của mình.

Lúc đó, tôi xác định rõ ràng, mục tiêu của tôi là đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng chứ không phải các cửa hàng và người tiêu dùng là người thẩm định chất lượng sản phẩm cuối cùng.

Vì thế tôi chọn phát triển thương hiệu Anh Đức từ chất lượng, uy tín và sản phẩm để người tiêu dùng từ từ tiếp nhận được. Qua thời gian, người tiêu dùng sẽ cảm nhận được sản phẩm nào thực sự tốt, chất lượng.

Tôi xác định theo đuổi đam mê với công việc kinh doanh cả đời, chứ không phải trong ngày 1 ngày 2, cho nên tôi phát triển theo hướng đảm bảo chất lượng, không ăn xổi.

Bước đầu thành lập thương hiệu, tôi cũng không tránh khỏi những trục trặc với sản phẩm. Tuy nhiên, với phương châm lấy uy tín làm đầu, sản phẩm của tôi luôn được bảo hành 100%. Từ đó uy tín, thương hiệu của mình mới từ từ xây được.

Việc là một cầu thủ chuyên nghiệp, thường xuyên dùng tới các đồ thể thao đã hỗ trợ anh như thế nào trong quá trình sản xuất và kinh doanh thương hiệu Anh Đức Sports?

Là cầu thủ chuyên nghiệp, đã được dùng đồ thể thao chuyên nghiệp giúp cho tôi nhìn và cảm nhận mặt hàng nào là tốt, mẫu mã nào tốt, biết được nhu cầu hiện tại khách hàng cần gì để mình ra các chiến lược cần thiết cho sản xuất và phân phối đồ thể thao.

Tôi là dân thể thao chuyên nghiệp cũng rất gần gũi với các hãng thể thao lớn như Nike, Adidas… nên tôi biết được những kiểu dáng, mẫu mã nào phù hợp với người dân Việt Nam. Điều này cũng thuận lợi cho việc kinh doanh.

Giày đá bóng anh đang sử dụng có phải do chính anh sản xuất không? So với các thương hiệu giày quốc tế, chuyên nghiệp khác, sản phẩm của anh có ưu và nhược điểm gì?

Hiện tại, giày thi đầu của Đức là thương hiệu Adidas. Còn giầy do công ty của Anh Đức sản xuất là sản phẩm dùng cho người chơi các giải phong trào như futsal, sân cỏ nhân tạo, sân lớn 11 người…

Tài sản Anh Đức có được nhờ đi đá bóng bao nhiêu % và kinh doanh bao nhiêu %?

(Cười to) Câu này tôi xin phép được giữ bí mật nhé.


Khởi động từ một cửa hàng bán dụng cụ thể thao, sau đó đầu tư vào sản xuất giày và trang phục thể thao mang thương hiệu của riêng mình, việc kinh doanh của anh hiện đã mở rộng tới mức nào?

Hiện tại, ngoài thương hiệu Anh Đức Sport, khách sạn, việc kinh doanh của tôi đã lấn sân sang thị trường nông sản được 5 tháng. Nông sản là mô hình của gia đình tôi đã làm hơn 30 năm rồi, với sản phẩm chính là hồ tiêu, mang thương hiệu Bác Bảy.

Nền tảng kinh doanh của gia đình anh là xuất khẩu nông sản, anh có mở rộng và phát triển lĩnh vực này?

Tôi vẫn phát triển chủ lực ở xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian này tôi nhận thấy người tiêu dùng Viêt Nam còn đang bị tấn công bởi thực phẩm bẩn nhiều quá. Vì vậy, tôi cũng muốn góp một phần nhỏ sức lực vào để đảm bảo hơn nguồn nông sản sạch dùng trong đời sống hàng ngày của mọi người hiện nay.

Trong năm 2019 này, anh kỳ vọng mình sẽ đạt được thành tựu gì mới trong kinh doanh?

Mục tiêu của tôi trong năm tới là đem sản phẩm tiêu Bác Bảy vào các hệ thống siêu thị trong nước và tạo thêm các vùng trồng nông sản sạch để cung cấp nội địa và xuất khẩu. Tôi rất mong sự hỗ trợ của bà con nông dân và các hợp tác xã đối với công ty.


Không chỉ đầu tư cho việc kinh doanh đồ thể thao, gia đình anh còn mở thêm nhà hàng, kinh doanh khách sạn và đồ nông sản, vì sao anh lại “chia trứng vào nhiều giỏ” như vậy?

Cái này là một trong những đam mê của tôi. Tôi đã đam mê thì phải làm cho tới và làm cho có ý nghĩa. Ví dụ như trong cửa hàng thể thao, tôi xuất phát từ vận động viên thể thao, tôi muốn làm thể thao để phục vụ cộng đồng. Đối với ngành nông sản, đó là nghề truyền thống của gia đình hơn 30 năm nay rồi.

Trong các lĩnh vực đang đầu tư vào kinh doanh, từ thể thao, nhà hàng, khách sạn, bất động sản tới cả nông sản, anh hài lòng và yêu thích nhất lĩnh vực nào, vì sao?

Tôi vẫn yêu thích lĩnh vực thể thao nhất vì nó liên quan tới niềm đam mê, là bản năng của bản thân và cũng là lĩnh vực mà mình gắn bó lâu nhất cho đến hiện tại.

Trong quỹ thời gian có giới hạn của mình, anh chia bao nhiêu % cho gia đình, bao nhiêu % cho bóng đá và bao nhiêu % cho kinh doanh?

Tùy thuộc vào thời điểm, tùy thuộc vào lịch thi đấu, lịch tập, nhưng tôi vẫn ưu tiên chủ yếu vào bóng đá.

Một tháng anh ăn bao nhiêu bữa cơm nhà, bao nhiêu bữa cơm ở câu lạc bộ, đội tuyển? Món ăn yêu thích của anh là gì?

Đa số tôi ăn cơm ở CLB, vì phải đi tập đến chiều tối mới về. Cơm nhà thì chỉ khi nào ở đội được nghỉ mới có thời gian. Món ăn thích nhất thì với tôi, cứ miễn ngon là thích.

So với các đồng nghiệp, anh là người khá kín tiếng, nói “không” với scandal, điều này là do tính cách hay do việc kinh doanh tác động tới?

Tôi thường cũng ít nói nhưng bảo là không có scandal thì cũng không hẳn nhưng mức độ thì ít (cười).

Trong bóng đá, tinh thần đồng đội rất quan trọng. Vậy trong kinh doanh, anh lựa chọn cộng sự, đối tác theo tiêu chí nào?

So với thể thao thì trong kinh doanh, tôi thấy dễ hơn về việc chọn đối tác. Vì trong kinh doanh, vấn đề giữa hai bên cần nhau, hợp tác đều có phụ lục, hợp đồng rạch ròi, hai bên cùng có lợi. Với tôi thì điều đó đơn giản, khi đi đến hợp đồng thì cũng có nghĩa là đã “happy” với nhau rồi.

Đối với anh, điểm chung giữa bóng đá và kinh doanh là gì?

Đối với tôi, dù làm gì cũng xuất phát từ đam mê. Hiện tại cả bóng đá, kinh doanh đều là niềm đam mê của tôi. Nhưng ngoài đam mê thì những công việc đó cần có ý nghĩa nữa. Ngành thể thao là nghề nghiệp, kinh doanh nông sản là niềm đam mê và là nghề truyền thống hơn 30 năm của gia đình.

Tinh thần chung là phải luôn hướng về nó, cố gắng hết sức vì mục tiêu. Đó là tâm huyết của mình bỏ ra đến mức cao nhất.

Khi gặp khó khăn, anh từng có ý nghĩ từ bỏ sân cỏ để tập trung kinh doanh chưa?

Chưa khi nào tôi nghĩ tới việc giã từ sân cỏ, dù trong thời điểm khó khăn nhất. Khó khăn nào cũng có cách vượt qua, còn với tôi, tôi sẽ chơi bóng cho tới khi nào không thể chơi nữa.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Trí Thức Trẻ

Được quan tâm

Tin mới nhất