Không thể “zero Covid” trong vài tháng giãn cách
Hà Nội mới ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng là người nhà vào chăm sóc bệnh nhân tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ ngày 19/9. Theo đó, ngày 30/9, người này được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính do CDC Hà Nội thực hiện.
Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 6 ca dương tính mới nằm tại các quận huyện gồm Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình và Tây Hồ.
Trước các ca mắc mới sau thời gian Thủ đô nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch, trao đổi với chúng tôi, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng Hà Nội còn nhiều nguy cơ cao, lây nhiễm dịch bệnh.
“Trường hợp ca mắc tại Bệnh viện Việt Đức là nằm trong nhóm nguy cơ cao dự tính từ trước vì các bệnh viện là nằm trong nhóm nguy cơ cao. Những trường hợp ghi nhận tại quận Nam Từ Liêm cũng nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ cao làm các công việc như bán hàng, tiếp thị”, Phó Giáo sư, Tiến Sỹ Trần Đắc Phu nhận định.
Theo PGS. TS. Trần Đắc Phu, Hà Nội sẽ có những trường hợp nguy cơ cao từ vùng dịch trở về: “Có giao lưu sẽ có nguy cơ nên Hà Nội cần phát hiện sớm, phong toả chặt. Khi phát hiện cần tiến hành truy vết, tìm kiếm các ổ dịch ngay để chống lây lan.
Hiện ta không thể nói sẽ “zero Covid”, sẽ hết được tất cả các ca F0 trong vài tháng giãn cách vừa qua được vì Hà Nội có rất nhiều nguy cơ, người dân đi lại đông. Càng đi lại nhiều, càng giao lưu nhiều thì nguy cơ dịch sẽ xảy ra”, PGS. TS. Trần Đắc Phu nói.
Ngoài ra, PGS. TS. Trần Đắc Phu cũng cho biết, còn một nguy cơ cao về lây nhiễm ngoài cộng đồng là các ca mắc bệnh nhưng không có triệu chứng.
Chủ quan, lơ là, dịch sẽ bùng phát trở lại
Phó Giáo sư, Tiến Sỹ Trần Đắc Phu, cho biết việc tiêm vaccine sẽ làm giảm sự lây nhiễm Covid-19 nhưng sẽ không ngăn cản được sự lây nhiễm 100%, vẫn có thể bị mắc bệnh.
“Tiêm vaccine chỉ làm cho triệu chứng bệnh nhẹ đi chứ không thể làm giảm tỉ lệ lây nhiễm 100% được. Hà Nội hiện cũng chưa đạt được việc tiêm hoàn toàn 2 mũi, mũi 1 thậm chí cũng chưa tiêm đạt 100% người vì sẽ có những người quay trở lại để làm ăn nhưng chưa tiêm, chính vì vậy sẽ có nguy cơ lây cho người khác.
Hà Nội cần phải tiêm đủ hết cho tất cả mọi người đủ tiêu chuẩn tiêm, sinh sống trên địa bàn”, Phó Giáo sư, Tiến Sỹ Trần Đắc Phu cho biết.
Theo TS. Trần Đắc Phu, Hà Nội cần phải có những chiến lược về xét nghiệm, cần xét nghiệm những vùng có nguy cơ cao trên các địa bàn, các địa điểm có nguy cơ cao như bệnh viện, nhà máy, siêu thị…
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xét nghiệm với những người có nguy cơ cao như tài xế, lái xe chở hàng, chở khách, những người hay đi lại từ vùng nguy cơ cao trở về.
“Đẩy mạnh xét nghiệm để phát hiện sớm, xét nghiệm diện rộng có chỉ định chứ không xét nghiệm tràn lan, khi phát hiện được các trường hợp F0 sẽ xử lý được ngay. Trường hợp các khu vực cần phong toả thì phong toả thật chặt lại, truy vết để phong toả.
Đặc biệt người dân cần thực hiện tốt 5K, toàn bộ các khu phố, thôn xóm, ngành nghề, cơ quan đơn vị, nhà máy, siêu thị, chợ… cần thực hiện tốt các biện pháp chống dịch để đảm bảo an toàn chứ không nới lỏng rồi lại buông xuôi. Tránh tình trạng lơ là sẽ dẫn tới dịch bùng phát trở lại”, Phó Giáo sư, Tiến Sỹ Trần Đắc Phu nói.