9 giờ tối, ngã ba đường Bông Sao bắt đầu thưa người nhưng xe bắp của Phúc vẫn còn sáng đèn. "Phúc ơi, lấy dùm nội cái túi con", "Phúc thối tiền cho chú nghen", "Phúc con nghỉ xíu đi"... Phúc là đôi chân, đôi tay và là trái tim của nội.
"Nó giỏi lắm nghen cô, cái gì cũng làm được hết. Rửa chén, lau nhà, trông em... cái gì nó cũng đỡ đần tui. Nhiều lúc tui thấy nó đẩy xe đêm đi bán vô mấy con đường vắng tui lo gần chết. Ở nhà cứ la không cho nó đi mà nó vẫn ráng, kiếm được thêm đồng nào lo cho ông bà thì nó vẫn làm. Tui... thương nó lắm", nội nói rồi bật khóc.
Trọng Phúc là cậu bé bán bắp xuất hiện trên mạng xã hội trong suốt hai ngày qua. Cậu bé 12 tuổi một mình đẩy xe bắp rong ruổi khắp các con đường quận 8. Phúc mặc bộ áo đồng phục đứng bán bắp nhưng không được đến trường. Nhà nghèo, cậu bé dang việc học giữa chừng nhưng lúc nào cũng có khát khao về con chữ.
Nội và Phúc
Tuổi thơ Phúc bắt đầu ở một vùng sâu thuộc tỉnh Cà Mau. Ông bà nội Phúc có 4 người con, nhưng có 3 người bị đổ vỡ chuyện hôn nhân để lại cho ông bà những đứa cháu còn thơ ngây rồi bỏ đi biền biệt. Mùa màng thất bát, ông bà dắt tay mấy đứa cháu nhỏ lên TP.HCM sinh sống.
"Ba mẹ bỏ con đi từ lúc con 3, 4 tuổi gì đó, con hổng nhớ nữa, rồi con ở vậy với nội luôn. Mỗi tối con đi bán bắp từ lúc 9 giờ tới 12 giờ đêm, thấy đường vắng nhiều lúc con cũng sợ nhưng con muốn kiếm thêm chút tiền lo cho em, cho nội nữa". Cậu bé cố nhớ lại lần cuối cùng mình được gần gũi với hơi ấm của mẹ, vòng tay vững chải của cha nhưng dường nhưng nó quá khó khăn. Phúc sống vậy quen rồi.
Mối tối, cậu bé đẩy xe bắp rảo bước các con đường quận 8, khu vực bến xe, quán ăn... Ngày nào đắt khách, Phúc có thể kiếm được 150.000 đồng. "Tụi nó đang tuổi ăn tuổi lớn nên hai vợ chồng tui có thể nhịn cho cháu ăn. Tui thương mấy đứa nhỏ lắm nhưng tụi tui nghèo quá, không đủ lo cho cháu mình đến trường.
Phúc đi bán về khuya, sáng nó ngủ chút rồi dậy phụ nội chẻ bắp, rửa sạch sẽ. Tối 9 giờ tui phải trở về nhà để chuẩn bị cho ngày bán hôm sau nên nó phải đi bán một mình. Một tháng tui ăn chay 10 ngày để cầu nguyện cho mấy đứa cháu của mình khoẻ mạnh, bình an. Thấy nó đi bán khuya ở nhà bụng dạ mình bồn chồn, mà nói nó hổng nghe, nó cứ đi bán để kiếm tiền lo cho nội, cho em. Nhiều lúc cầm tiền nó đưa mà mình muốn rớt nước mắt".
"Con muốn được đi học..."
Không ít lần, Phúc nhìn thấy bạn bè cùng lứa tuổi của mình được đến trường. Những lúc ấy, Phúc thường làm mình bận rộn bằng cách thối tiền cho khách, hay mời gọi người đi đường mua bắp.
Trong lòng cậu bé luôn có niềm khao khát con chữ. "Mùa dịch vừa qua, mình đâu có bán buôn gì được, khổ biết bao nhiêu mà nói. Lúc đó tui chiên thêm khoai lang rồi nó bỏ lên mâm, bưng đi bán. Tội nghiệp nó lắm, gánh khoai nặng nên oằn cả vai. Nó nói nó ráng đi bán để có thêm chút chi phí lo cho ông bà. Cái chân tui thì hay đau nhức, nên nó gánh vác luôn phần của tui. Cố gắng miết mà vẫn chưa lo được cho nó được tới lớp, học hành tử tế như người ta" - bà nội Phúc ngậm ngùi.
Phúc muốn được đến trường, được gặp bạn bè, được lắng nghe lời thầy cô, được ê a với con chữ. Bộ đồng phục Phúc khoác trên người là được một người hàng xóm tặng, cậu thích đến nỗi mặc nó đi bán bắp để mình trông giống một học sinh.
Cái ước mơ bình dị "được đến trường" của Phúc đã làm không ít người lớn rơi nước mắt. Sau khi câu chuyện của Phúc được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều mạnh thường quân đã đến nơi cậu bé bán để tặng quà. Và điều hạnh phúc nhất đó chính là em sẽ được đi học trở lại.
Phúc hồn nhiên khoe: "Con thích được đi học nên con vui lắm. Mà con cũng hơi lo lo, hổng biết mấy con số đếm mà con học hồi năm lớp 2 nó có khó hơn không. Nhưng không sao, được đến trường là con sẽ cố gắng hết mình để học thiệt giỏi".
12 tuổi, Phúc sẽ bước vào lớp 3. Cậu bé sẽ mặc bộ đồng phục đó thật đàng hoàng, chỉn chu rồi bước đến trường. "Lúc hay tin cháu mình được giúp đỡ tới trường tui hạnh phúc lắm. Vợ chồng tui vui không biết bao nhiêu mà nói, chỉ biết gửi lời cảm ơn đến mấy cô chú, anh chị đã quan tâm tới nó" - bà nội Phúc tâm sự.
"Về thôi con", bà nội nói rồi dọn dẹp xoong nồi. Phúc lẽo đẽo theo sau để đỡ đần bà. Hôm nay, xe bắp đã được các cô chú mạnh thường quân mua hết, hai bà cháu vui mừng biết bao nhiêu. Hôm nay, nhà mình sẽ có thêm ít tiền để trang trải cho căn trọ ọp ẹp, mua cho Phúc thêm mấy bộ quần áo mới, rồi còn bận tính coi con sẽ mua thêm mấy cuốn tập, bao nhiêu cây viết... Ngày mai, sẽ là một ngày tươi sáng, phải không Phúc?