Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chuyện tình '1 túp lều tranh 2 trái tim vàng' sưởi ấm chúng ta giữa ngày đông lạnh giá

2 con người, 2 số phận điển hình cho lớp người chỉ biết sống và làm duy nhất một nghề. Thất nghiệp đồng nghĩa với việc họ bị gạt ra khỏi cuộc sống cũ và chịu sự đẩy đưa đến mức chỉ còn cách dọn ra đường... Họ không có gì ngoài tình yêu và hóa ra, chuyện 1 túp lều tranh 2 trái tim vàng là có thật.

Có một ngày mùa đông khá lạnh, tôi và người bạn thân đi qua cầu Long Biên. Cây cầu cũ kỹ làm chiếc xe xóc lên từng đợt. Chiếc cầu rung chuyển và gió từ sông Hồng cùng hơi nước không ngừng bốc lên lạnh buốt.

Đi trên cầu, chúng tôi nói về câu chuyện xuất hiện trên nhiều trang báo hồi đầu năm, kể về một gia đình sống theo phong cách người nguyên thủy ở khu vực bãi giữa sông. Lúc ấy, người bạn kia bảo tôi rằng: “Một ngày nào đó, mình có dám thử sống như thế không“. Tôi im lặng còn người bạn thì bảo, giá mà có người nào tâm đầu ý hợp, vào lúc nào đó, cuộc sống khó khăn quá, cho dù người ấy có phải xuống sông Hồng ở, bạn tôi cũng sẽ bằng lòng đi theo.

Câu nói đam mê mù quáng ấy khiến tôi phì cười vì vẫn chưa tin, vì tình yêu và sự tự do, người ta có thể vứt bỏ hết mọi thứ để sống không cần biết đến ngày mai. Nhưng ngày hôm nay, câu chuyện về 2 ông bà yêu nhau, hằng đêm vẫn ôm nhau ngủ giữa tiết trời giá rét ở gần hồ Hoàng Cầu (Hà Nội) khiến tôi suy nghĩ lại. Rằng cuộc sống có đôi lúc đẩy đưa người ta đến một hoàn cảnh khó ngờ nhất và trong lúc trái tim tưởng như đã khô cằn, nguội lạnh thì tình yêu bất ngờ xuất hiện, kết nối và sưởi ấm trái tim họ, trở thành động lực to lớn để cả 2 đương đầu với những năm tháng sống không nhà.

Chung giấc mơ từ lần đi ngược đường

Nhiều năm trước, bà Trần Thị Huyền (71 tuổi, Thái Bình) từng là nhân viên cấp dưỡng ở ĐH Văn hóa (Hà Nội). Năm 1975, bà Huyền buộc phải nghỉ hưu trước tuổi và từ đó, trở thành người thất nghiệp.

Bà Huyền chuẩn bị bữa tối.

Tranh thủ lúc nấu ăn, cả 2 cùng dùng ngọn lửa để sưởi ấm.

Chiếc xe đạp là tài sản duy nhất của 2 vợ chồng. Họ mua được nó nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Từ chỗ có một cuộc sống tạm ổn với chồng và 2 người con (1 trai, 1 gái) trong căn nhà nhỏ trên phố Đê La Thành, bà Huyền dần lâm vào cảnh khánh kiệt. Thất nghiệp khi vẫn đang trong tuổi lao động trở thành một cú sốc quá lớn. Bản thân bà bị khủng hoảng tâm lý nhưng điều tồi tệ hơn là người chồng đầu gối tay ấp không cảm thông mà còn mỉa mai, đánh đập bà.

Theo lời bà Huyền, chồng bà vốn tính nghiện rượu, lười lao động, kinh tế gia đình phụ thuộc vào mình bà. Từ khi thất nghiệp, gia cảnh túng quẫn hơn và trong lúc say, người chồng càng hành hạ, mắng chửi bà thậm tệ hơn.

Không thể chịu nổi cuộc hôn nhân địa ngục ấy, bà Huyền đành bỏ nhà ra đi. Bà gửi 2 người con về quê ngoại nhờ chăm sóc rồi chỉ đem theo quần áo, đồ sinh hoạt cá nhân ra ngoài đường lang bạt kiếm sống. “Khi đi, tôi nhường lại hết cho ông ấy, tôi chẳng cần gì, chỉ cần sự tự do“, bà Huyền kể.

Mấy chục năm sống nơi đầu đường xó chợ, ngẫm lại đôi lúc bà Huyền thấy cuộc đời mình quá cơ khổ. Chỉ có điều, bà luôn cho rằng, quyết định bỏ chồng, bỏ nhà ra đầu đường ở là một lựa chọn đúng đắn. “Tôi hạnh phúc với lựa chọn đó vì nghĩ rằng, cái gì mình đã cho đi rồi thì không bao giờ hối hận”.

Bà Huyền là một trường hợp điển hình cho mẫu người suốt đời chỉ biết sống bám vào một nghề. Khi sa cơ lỡ vận, không còn được làm công việc ấy nữa thì chẳng biết bấu víu vào đâu. Thế nên, trong những ngày tháng lang bạt ở đường phố, bà đành đi nhặt ve chai kiếm sống.

Bà Huyền bảo ông Dinh rất hiền nên mấy chục năm chung sống, cả 2 rất hiếm khi to tiếng.

Lúc nào bà nổi cáu thì ông lại là người “xuống nước” trước.

Vào một ngày mùa hạ nắng cháy, khi đang quẩy bên vai gánh đồng nát nặng trĩu, bà Huyền tình cờ gặp ông Tống Văn Dinh (80 tuổi) đi bộ ngược chiều. Lúc ấy ông Dinh cũng đang thất nghiệp. Giống như bà, ông Dinh cũng là một người từng làm thợ cơ khí nhưng vì chế độ tinh giản biên chế nên mất việc. Ông vào miền Nam nhập ngũ kháng Mỹ và ngày đầu tiên về Hà Nội thì tình cờ gặp bà Huyền.

Ấn tượng của tôi lúc đó là mặt bà ấy sạm nắng, tay chân đen lại vì nắng. Năm đó bà mới 40 tuổi nhưng dáng vẻ khắc khổ“, ông Dinh kể. “Trong ký ức tôi đó là mùa hè nóng chưa từng thấy, chỉ cần ra ngoài trời, chưa kịp làm gì thì mồ hôi đã túa ra. Vậy mà bà ấy cứ quẩy đôi quang gánh nặng trĩu đi lại khắp nơi“.

Thấy cảnh tượng ấy, ông Dinh động lòng thương. Sẵn trong tay có một thanh sắt phế liệu, ông bèn đem cho bà Huyền và 2 người bắt chuyện. Tình yêu cũng nảy nở từ lần đầu tiên gặp gỡ như thế.

“Đã yêu nhau thì không cần nói nhiều”

Bà Huyền và ông Dinh có nhiều điểm tương đồng. Vợ ông Dinh mất khi đã có chung với ông 3 người con, còn bà Huyền đã qua một lần đò, con cái đều gửi lại nhờ bố mẹ chăm sóc. Cả hai cùng thất nghiệp, cùng sống cảnh vô gia cư. Họ gặp nhau và chưa đầy 1 ngày đã quyết định gắn bó 2 cuộc đời làm một.

Ông ấy có biết tỏ tình đâu. Gặp tôi rồi cả 2 tìm bóng râm ngồi và đêm đến thì về ở với nhau. Ưng rồi thì ông dẫn tôi đi ăn phở bò. Kỷ niệm yêu đương của 2 chúng tôi chỉ có như thế thôi“, bà Dinh kể lại mọi chuyện một cách rất tự nhiên. Món phở bò cũng là thức đồ ăn sang nhất mà họ từng cùng ăn trong những ngày đầu gặp gỡ.

Hạnh phúc đối với bà Huyền chỉ đơn giản là những ngày tháng có ông Dinh ở bên.

Bát cơm sẻ nửa, chia chăn đắp cùng…

Bà Huyền yêu hoa nên mỗi lần đi lượm ve chai đều nhặt những bó hoa còn tươi về lưu trữ trong những xô nhựa hoặc thùng xốp.

Những cánh hoa sắp tàn được bà quý trọng, nâng niu.

Hơn 30 năm ở cùng ông Dinh, chẳng có kỉ niệm nào làm bà Huyền cảm thấy nổi trội và đáng nhớ. Cuộc sống cứ thế trôi đi đều đều và nếu được hỏi đâu là điều hạnh phúc thì bà lập tức nói luôn rằng, đó là những đêm được nằm cạnh ông Dinh. Chỉ đơn giản thế thôi bởi vì tình yêu và hạnh phúc đối với bà vốn không phải là tương lai xa xôi hay những lời hứa vô định. Chỉ cần mỗi sáng thức dậy, thấy người mình yêu thương vẫn bình yên nằm bên cạnh là bà đã hạnh phúc lắm rồi.

“Một ngày sống cảnh không nhà nhưng vẫn có người chấp nhận ở bên mới biết cuối cùng ai là người tri kỷ”

Trải qua sóng gió, cả 2 đều rất trân trọng nhau. Mỗi ngày họ cùng làm lụng, cùng nấu cơm, cùng ăn, cùng ngủ… ngay dưới chân đường sắt Cát Linh - Hà Đông. 30 năm qua từ ngày lấy nhau, cả 2 vẫn luôn ngủ ngoài đường như thế. Ban ngày 2 ông bà đi kiếm ve chai, đêm đến lại về khu vực gần hồ Hoàng Cầu ngủ. Mọi sinh hoạt ăn uống, tắm gội đều đợi đến đêm mới thực hiện.

Mỗi đêm, ông bà đều đợi đến 12h mới đi ngủ.

4h sáng hôm sau họ đã phải thức dậy dù mùa đông hay mùa hè.

Cả 2 kiên trì bám trụ với cuộc sống lề đường dù chính quyền đã từng đưa họ vào trung tâm dành cho người lang thang, cơ nhỡ.

Họ xin ra vì cho rằng, cuộc sống trong Trung tâm không hạnh phúc bằng việc lang thang ngoài đường.

Nghề nhặt ve chai giúp họ có đủ tiền ăn uống…

Sinh hoạt thì có thể nhờ cậy người dân và vì có các nhà hảo tâm thi thoảng đến giúp đỡ nên họ vẫn đủ sống qua ngày.

Hà Nội đang trải qua những ngày lạnh nhất trong năm, dù nắng lên vàng ruộm khắp con đường, nắng và hanh tới khô héo cỏ cây, nứt nẻ chân tay nhưng khi đứng giữa cái nắng nóng ấy, người ta vẫn thấy lạnh se sắt, buốt giá khắp cơ thể. Ban ngày đã như thế và khi đếm về, mọi thứ còn kinh khủng hơn. Vậy mà 30 mùa đông, ông Dinh và bà Huyền đã sống như thế: đêm đêm đốt lửa, cuốn chăn ngủ ngoài đường.

Đêm thì cũng ngủ ngoài đường thôi. Lạnh nhiều quá nên tôi thấy quen rồi“. Bà Huyền bảo, nhiều năm sống không nhà, bà đã quen với mọi khổ cực nên dẫu bây giờ cuộc sống có ra sao, bà đều không bất ngờ hoặc cảm thấy đau khổ. Thậm chí ngay cả cái chết cũng không còn đáng sợ như trước kia.

Trước đó không lâu, 2 ông bà từng được đưa vào Trung tâm dành cho người lang thang cơ nhỡ nhưng cả 2 đều một lòng xin ra vì cảm thấy không thích ứng nổi với cuộc sống ở đó. Mặc dù đều có con cái nhưng 2 ông bà nguyện ở với nhau đến lúc chết và không muốn phiền hà các con.

Con tôi đi làm ở mãi tận gần biên giới, con ông Dinh cũng ở xa mà chúng nó cũng nghèo nên 2 chúng tôi không muốn nhờ vả. Năm trước chúng nó có đến thăm nhưng rồi lại về vì kinh tế eo hẹp cũng không đủ sức cáng đáng lo thêm cho bố mẹ. Mà tôi nghĩ mình còn khỏe, còn kiếm ăn được thì phải cố thôi“.

Bà Huyền bảo, hiện tại, mỗi ngày 2 vợ chồng bà kiếm được khoảng 50.000 đồng, đủ trang trải tiền ăn uống. Bây giờ tuổi cao, sức yếu nên 2 người không có nhiều nhu cầu. Họ cũng không có nguyện ước gì cho tương lai ngoại trừ hy vọng có một ngôi nhà để ở. Nhưng đó chỉ là giấc mơ xa xôi. Gần như cuộc sống của cả hai đã rơi vào trạng thái không ràng buộc, không mưu cầu, không chờ đợi bất cứ điều gì… Ngày ngày ở lòng đường, họ cố gắng sống tiếp những tháng ngày còn lại.

Mấy ngày nay, câu chuyện của ông bà được nhiều người biết tới và không ít người đã tìm đến giúp đỡ… Ở phố Hoàng Cầu, dòng người vẫn tiếp tục qua lại và 2 ông bà, đang đợi khi trời tối để nhóm lửa nấu ăn. Câu chuyện của cả 2 không biết nên vui hay buồn khi kể về những con người nghèo khổ, mất hết mọi thứ vì không có nghề nghiệp… Chỉ biết rằng, ít ra trong những ngày đông lạnh, người ta có thêm một chuyện kể về “1 túp lều tranh, 2 trái tim vàng” để sưởi ấm trái tim mình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vương Phi

Được quan tâm

Tin mới nhất
Ngọc Trinh diện váy ngắn gợi cảm