Mỗi suất đào tạo tiến sĩ “ngốn” từ 1,5-1,8 tỉ đồng. Số nghiên cứu sinh (NCS) hoàn thành khóa học, bảo vệ thành công, đúng kỳ hạn chỉ đạt 23%, nhiều chỉ tiêu đề ra nhưng kết quả thực hiện quá thấp… Đó là những kết quả không thể phấn khởi được, thậm chí rất đáng buồn.
Không chỉ buồn, mà còn cần cảnh báo: Sự lãng phí trong đào tạo trí thức tại Việt Nam hiện nay, với việc quản lí, đôn đốc thiếu chặt chẽ, vì thế tỉ lệ đạt thấp; ngay cả đối với những người hoàn thành khóa học thì tỉ lệ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cũng đạt chưa được 1/4.
Thực trạng đào tạo tiến sĩ bằng kinh phí nhà nước và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Việt Nam đang có quá nhiều bất cập. Nhưng suy cho cùng, nguyên nhân nào thì dẫn đến hệ quả nấy, kết quả như thế nào thì cũng phản ánh thực trạng, thực lực học tập của những người trong khuôn khổ triển khai đề án.
Học NCS nhưng không chuyên tâm, thiếu tập trung, bị trễ hạn bảo vệ luận án là tình trạng xảy ra phổ biến; hay vừa học vừa làm, bị công việc làm ăn, kiếm sống cuốn theo và không biết điểm dừng. Đối với việc học NCS ở nước ngoài cũng thế, cũng xảy ra nhiều trường hợp trễ hạn, bỏ học v.v…, thậm chí ở lại, nhà nước cũng chẳng thể nào thu hồi lại khoản tiền bồi thường chi phí đào tạo.
Cần làm rõ rằng, tổng kinh phí cho Đề án 911 là 14.000 tỉ đồng nhưng việc giải ngân từ năm 2012-2016 mới hơn 1.400 tỉ đồng. Khi các chỉ tiêu đạt thấp, tiến độ giải ngân cũng sẽ tương ứng. Cho dù thế thì cũng cần xử lí nghiêm về mặt tài chính mà biện pháp chính là buộc bồi thường và thu hồi các khoản chi không đúng qui định.
Suy cho cùng, chúng ta chờ đợi gì từ các đề án đào tạo trí thức? Số lượng chăng? Không hoàn toàn. Mấu chốt vẫn là chất lượng.
Suy cho cùng, chúng ta cần những người giỏi, tâm huyết học tập, nghiên cứu và mang kiến thức chuyên môn, khả năng của mình vun đắp cho cá nhân, gia đình và đồng thời cũng đóng góp xây dựng cho đất nước, cộng đồng.
Nhìn vào những chỉ tiêu không đạt hay đạt thấp, cũng nảy ra những điều cần suy ngẫm: Không thể cứ chạy theo con số trong khi thực tế khó mà đạt được.
Chúng ta đã biết về những “lò ấp tiến sĩ” với các đề tài luận án cấp xã phường v.v… hoàn toàn không tương xứng, hoặc những tiến sĩ “bằng thật học giả”, thì những luận án tiến sĩ thì liệu có mang lại giá trị thực sự đóng góp cho khoa học và cuộc sống?
Không vui, không hài lòng, nhưng có một thực tế cần phải nhìn nhận là: Chỉ tiêu đạt thấp, đành vậy, còn hơn là “ấp” ra hàng loạt tiến sĩ thiếu thực chất.