Sắc màu Cuộc Sống

Chị em cô 'Năm yaourt' nhà thờ Đức Bà và câu chuyện đẹp về một nhân cách

Hồng Ngọc
Chia sẻ

Không chồng con, không kinh tế dư dả, vậy mà khách cho tiền cô Năm vẫn thẳng thừng từ chối.

Phủ sóng rộng khắp mạng xã hội vì lòng tử tế

Dạo một vòng mạng xã hội những ngày gần đây, không khó để bắt gặp hình ảnh hai người phụ nữ đứng tuổi kéo thùng yaourt dạo quanh khu vực nhà thờ Đức Bà. Hai cô - một người loay hoay chào mời trong bộ quần áo bạc màu, một người kéo thùng yaourt nhưng ánh mắt thì lại vô hồn.

Thế nhưng, điều khiến mọi người quan tâm hơn tất thảy không phải chỉ vì những dòng chữ decal chắp vá trên tấm biển nhựa: “Yaourt nhà làm 5.000 đồng/ bịch”, mà còn là bởi câu chuyện giàu nhân cách ở những người nghèo vật chất.

Hình ảnh chị em cô Năm - cô Bảy được cư dân mạng truyền tay nhau.

Nguyên văn câu chuyện được một cư dân mạng đăng tải:

“Có 2 cô phật tử bán yaourt dạo ở quanh khu nhà thờ Đức Bà. Có một anh thanh niên thương cô, đưa tiền nhưng không ăn Yaourt, thế là cô áo nâu gọi lại nói.

- Cô: Để tui nói cậu nghe cái này, tui là tui đi bán, chớ không đi xin.

- Anh: Dạ con xin lỗi!

- Cô: Không phải, để tui nói cậu nghe. Tui không có gia đình. Bây giờ tui lỡ nhận của cậu rồi sau này ai trả. Mắc nợ cậu ơi!

Vừa bỏ yaourt vào bịch, cô nói tiếp: Nếu tui có con thì khác. Tui nhận cậu 10 ngàn, sau này nó lớn, nó làm việc nó trả lại cho xã hội thì được.

- Anh: Dạ con hiểu rồi. Cảm ơn cô!

- Cô (cười): đừng buồn tui nhen. Cảm ơn cậu!

Chắc cô là người Sài Gòn, nên sau khi tui mua, thì cô lại “Dạ cảm ơn cậu “. Ôi chữ “dạ”, nghe thân thương đến lạ lùng.

Giá trị của con người không phải là qua trình độ học vấn, ngoại hình hay địa vị xã hội. Nó được thể hiện rõ nhất qua lòng tự trọng.

Ai có dịp ghé ngang qua đây chơi thì mua Yaourt của cô ăn thử nghen, dẻo ngon, 5 ngàn 1 bịch”.

Có thể câu chuyện về cuộc đời hai cô chẳng mấy đặc biệt so với hàng trăm hàng ngàn kiếp người ngoài kia nhưng tiếng “dạ” thân thương đậm chất Sài Thành đã níu tôi lại hồi lâu với bài viết. Một phần cũng vì giữa 8 triệu dân ở thành phố năng động nhất nước thì mấy ai buôn bán mà lại từ chối tiền bao giờ.

Người chị gái cả đời vất vả bên đứa em bệnh tật

Tìm mua một bịch yaourt giữa đất Sài Gòn không phải là chuyện khó khăn, nhưng để tìm đúng người bán yaourt trong câu chuyện trên chúng tôi đã phải nhiều lần đến khu vực nhà thờ Đức Bà - đường sách bởi cô bán hàng lưu động chứ không cố định. Và như một cơ duyên, chúng tôi đã gặp được hai cô.

Từ nhiều năm nay chị em cô Năm (hay còn gọi là cô Hoa) và cháu gái sống nương tựa vào nhau.

Người chị là cô Hoa (cô Năm) - năm nay đã 59 tuổi, người em là cô Hồng (cô Bảy) - cũng đã bước qua tuổi 55. Đáng ra ở cái tuổi của hai cô thì cuộc sống phần nào đã ổn định, có của ăn của để, thậm chí đã có thể hưởng phúc con cháu, thế nhưng, gánh nặng mưu sinh vẫn chưa thôi ngơi nghỉ trên vai.

Suốt 4 năm nay, thùng yaourt với tấm biển nhỏ đề chữ “nhà làm” là nguồn kinh tế duy nhất nuôi 3 người phụ nữ sống nương tựa vào nhau: cô Hoa, cô Hồng và con gái cô Hồng.

Khoảng 20 năm trước, em Hồng phát bệnh thần kinh, gia đình cũng chạy chữa khắp nơi nhưng đâu thấy tiến triển gì. Lúc này Hồng đã có chồng và một con gái nhỏ, nhưng cũng vài năm sau thì chồng của em cũng tai biến qua đời. Cô không vướng bận chồng con, nhìn cảnh em bệnh tật, cháu mồ côi, cô chịu sao thấu. Thế là rước hai mẹ con về chăm sóc đến tận bây giờ” - cô Hoa bộc bạch.

Cả cô Hồng và cô Hoa đều là phật tử tu tại gia. Trước khi đi bán yaourt như hiện tại, hai cô tự nấu sữa đậu nành rồi mang đi bán. Dẫu rằng mỗi tháng đã nhận được một khoản tiền trợ cấp (từ công ty may mà cô Hồng làm việc trước đây và hỗ trợ từ chính quyền địa phương), nhưng nguồn khách bấp bênh không đủ trang trải chi phí sinh hoạt nên cô chuyển sang buôn bán yaourt và gắn bó với nó được hơn 4 năm nay.

Cuộc sống khó khăn, trước đây cô Hoa phải làm đủ mọi nghề sinh sống.

“Căn bếp” 10m2 và câu chuyện bị lừa trắng tài sản 

Nhân một ngày hai cô không đi bán vì yaourt chưa kịp đông, phóng viên Saostar mạo muội tìm đến nhà tại đường Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh.

Ngôi nhà ọp ẹp này trước đây từng là một căn bếp nhỏ.

Sau những chia sẻ thân tình về mẻ yaourt mới làm xong, cô bắt đầu bộc bạch: Ngôi nhà 3 người sinh sống 9 năm qua thực chất là căn bếp nhà người ta được cô mua lại để làm nơi che mưa che nắng. Không gian chật hẹp, trên dưới 10m2 chỉ đủ để vừa một tủ đông làm yaourt, góc bếp nấu nướng, nhà vệ sinh cùng một lối đi ở tầng trệt. Riêng gác lửng được bố trí ngăn nắp để cả 3 người gói ghém làm chỗ ngả lưng.

“Nhà bố mẹ tôi trước đây cũng khá rộng rãi, nhưng từ khi bố mẹ mất, nhà cũng bán rồi chia tiền lại cho tất cả anh em. Tôi với Hồng gom góp số tiền này cộng thêm tiền để dành dụm để mua một căn nhà nhỏ hơn. Thế nhưng, tại mình nhẹ dạ cả tin nên bị lừa mất tiền mua nhà mà cũng chẳng đủ bằng chứng để kiện tụng. Vậy là đành ngậm ngùi vét hết những gì còn lại, mua tạm cái bếp nhà người ta để yên ổn sinh sống. Nhưng chắc số cô gian truân cứ vướng phải thủ tục pháp lí nên 9 năm nay “cái bếp” này có được cấp số nhà đâu” - cô Hoa bộc bạch.

Để tiết kiệm tiền, tường nhà được ốp đủ loại gạch tồn kho.

Yaourt giá 5.000 đồng nhưng nhân cách là vô giá

Yaourt là món dễ ăn, dễ làm, công thức chế biến được các chị, các mẹ thuộc nằm lòng. Thậm chí, sự phát triển ồ ạt của những thương hiệu lớn trong và ngoài nước với đa dạng hương vị đã nhận được sự ưa chuộng từ khách hàng. Vậy mà bao năm, yaourt cô Năm vẫn giữ được một vị trí trong lòng những “thượng đế”. Có người nhiệt tình tìm mua mấy mươi bịch mang về ăn dần, có khách tìm đến tận nhà từ lúc yaourt còn chưa kịp đông, hay đôi lần có những bạn trẻ hồ hởi: “Con tìm yaourt cô mãi”…

Đều đặn mỗi ngày, cô Hoa chở thùng Yaourt phía trước, cô Hồng phía sau để ra nhà thờ Đức Bà bán hàng.

Hành trình mưu sinh của 2 chị em cô Hoa và cô Hồng

Chia sẻ về bí quyết của mình, cô cho hay: yaourt được làm từ hai loại sữa: sữa tươi và sữa đặc để đảm bảo độ béo. “Cứ cách 2, 3 hôm cô lại chạy xe đạp điện đến trang trại tận Hóc Môn để mua 20kg sữa tươi về làm 1 mẻ yaourt. Cũng đã thử qua nhiều cách dùng sữa bột, sữa đặc thay thế, nhưng vị không thơm béo, lại không dẻo như sữa tươi” - cô Hồng chia sẻ.

Món yaourt này nhìn dễ nhưng muốn ngon là có bí quyết: sữa tươi mà pha nước hay bò trước đó đã chích kháng sinh thì yaourt làm ra sẽ bị đá. Yaourt nấu xong phải mang ngâm vào nước lạnh để nguội nhanh, bởi theo cô giải thích: để bình thường tự nguội sẽ tạo lớp váng dày trên bề mặt, lớp này béo nhưng dễ gây ngán, nhiều người lại không thích… Có thế mới biết 2 cô có tâm với sản phẩm mình bán như thế nào!

Theo chân cô Hồng và cô Hoa trong một ngày rong ruổi vòng quanh khu vực nhà thờ Đức Bà, hồ con Rùa, cà phê bệt…, dưới cái nắng cháy da của trưa hè nhưng trong lời mời khách chưa bao giờ thiếu đi tiếng “dạ”. “Yaourt nhà làm, dạ ngon lắm”; “Dạ cả thảy 15.000 đồng”; “Dạ cám ơn”…

Khi được hỏi về điều này, cô cười hiền từ đáp: “Đó giờ cô đã vậy, giờ bị hỏi bất thình lình cũng chẳng biết trả lời sao. Mà nhiều khi nhờ vậy mọi người thương. Nhớ có lần đang bán thì Hồng lên cơn, la hét chửi bới khách, nhờ hiểu ý, cô nhanh chóng kìm lại, dỗ dành một hồi thì tâm lí dịu xuống. Phần vì lúc đó ồn ào khách cũng không nghe rõ lời chửi, phần cũng vì thương tình rồi bỏ qua”.

“Nhiều khi tôi cũng nghĩ, đi bán một mình cho khỏe, nhưng Hồng nằm mãi ở nhà riết cũng chán, thôi ra đường đi lại hít thở sẽ tốt hơn” - cô Hoa tâm sự.

Có một điều chúng tôi tâm đắc hơn tất thảy trong suốt buổi gặp gỡ chính là hình ảnh người phụ nữ 59 tuổi cúi người nhặt những chai lọ, li nhựa, túi nilon được các bạn trẻ để lại trên vỉa hè khu cà phê bệt Hàn Thuyên. Cô không nhặt về để tích trữ ve chai mà đơn giản chỉ là cho vào thùng rác để làm sạch đường phố.

Với những người trẻ như chúng ta hẳn kiến thức về môi trường, về ý thức công cộng được biết đến nhiều hơn so với lứa tuổi U60 như cô. Thế nhưng được bao nhiêu lần người trẻ kiên nhẫn khom lưng, khụy gối để nhặt lại những chai nhựa, túi nilon đã vứt lại bên đường?

Vậy nên, cô Năm, cô Bảy tuy nghèo vật chất nhưng nhân cách và văn hoá sống lại hiếm ai giàu bằng.

Chia sẻ

Bài viết

Hồng Ngọc

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất