Mới đây, một làng ở Nghệ An làm cổng chào 4 tỉ có là gì khi năm ngoái, một tỉnh xây dựng một cổng chào chi phí hàng trăm tỉ, hoành tráng nhất nước; khi xây dựng cổng chào này, người ta sẵn sàng bẻ cong một đoạn quốc lộ.
Năm ngoải, cổng chào như ở Hải Phòng, chi phí 24 tỉ, sau gần 2 năm dầm mưa dãi nắng, hệ thống trang trí đèn chập chờn, hư hỏng nặng, thế là tháo dỡ toàn bộ. Trước đó vài năm, cổng chào ở Bình Dương 40 tỉ đưa vào sử dụng vài năm đã tơi tả quả cầu lóng lánh trên nóc cổng chào…
Có huyện nghèo miền núi ở Quảng Nam xây cổng chào cả tỉ vì “dân có nguyện vọng”.
Xã phường. làng xã còn đầy cổng chào thì nói chi tỉnh, thành, khu công nghiệp… Ngay trong tháng 12 này, một khu công nghiệp ở TP.HCM tổ chức một cuộc thi thiết kế cổng chào cho mình hẳn hoi; rồi tỉnh Thái Nguyên cũng công bố thiết kế cổng chào 15 tỉ.
Dư luận bàn tán lung tung về các cổng chào, từ thiết kế “màu mè” đến chi phí tốn kém cho hàng trăm, hàng ngàn cổng chào mọc nhan nhản khắp nơi trên cả nước trong khi nhiều người dân của chính địa phương xây dựng cổng chào còn khó khăn, thậm chí nghèo đói…
Dân mạng bàn từ nguồn gốc văn hóa cổng chào và cho là từ cái cổng làng xưa, còn hôm nay thì có vẻ mang tính “cát cứ địa phương”. Và cả lý do… kinh tế: “Có làm mới có ăn”…
Họ so sánh ta với các nước, đặc biệt là những nước giàu có như Mỹ chẳng hạn để thấy người ta hầu như chỉ có tấm bảng chỉ dẫn địa lý đặt gọn bên đường, lặng lẽ bên đường: “Chi phí chỉ là cái móng tay, hột cát so với các cổng chào của ta lâu nay”.
Vậy đó nhưng hữu ích biết bao nhiêu, câu chữ ngắn gọn, không làm phân tán sự chú ý của người qua lại - quá cần thiết trong thời buổi tai nạn giao thông hà rầm ở nước ta hôm nay.
Nói chi cho xa, ngay Sài Gòn trước đây, ở các cửa ngõ, cửa vô nội ô Sài Gòn (như cổng xe lửa số 6 - ngăn cách Phú Nhuận với quận 3; gần đưởng Bắc Hải - ranh giới Tân Bình với quận 10… chẳng hạn) cũng chỉ là những tấm bảng xanh, chữ trắng, rộng khoảng 1,5m x 2m ghi dòng chữ: “Đô thành Sài Gòn kính chào các bạn!”.
Thế nhưng không phải không có những ý kiến bảo vệ và nói lý do cần có cổng chào: giới thiệu văn hóa địa phương, tạo ấn tượng cho du khách và tự hào cho bà con trong tỉnh thành, quận huyện, làng xã. Thêm nét đẹp văn hóa cho địa phương… Chi phí có là bao so với ngân sách địa phương, đó là chưa nói chi phí này là xã hội hóa, ngân sách không lo.
Cuộc tranh luận có lẽ chưa tới hồi kết, chưa có ai kết? Vậy có lẽ sẽ không lạ khi đi đâu chúng ta đã và sẽ còn gặp vô số cổng chào.
Chào năm 2018, chào các cổng chào!