Bén duyên đất Phật… từ những cảm nghiệm của bản thân
Gặp Lê Bình, khó ai nghĩ chàng trai này mới 24 tuổi nhưng đã có nhiều năm sinh sống và làm việc ở Ấn Độ. Gương mặt sáng, điển trai cùng nụ cười tươi rói, Bình dễ khiến người dối diện có thiện cảm ngay từ lần đầu gặp gỡ.
Anh cho biết, vốn sinh ra tại Hà Nội nhưng về với đất Phật nên lúc nào tinh thần cũng khoẻ và trí tuệ minh mẫn, hanh thông như thế. Cuộc sống hiện tại phải liên tục di chuyển giữa Việt Nam và Ấn Độ bởi ở đây có gia đình nhưng mảnh đất níu giữ bước chân anh lại ở bên kia. Sang đến đất Ấn, Bình không chọn ở trong những phòng khách sạn mà sinh hoạt tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya, thuộc bang Bihar của Ấn Độ).
Thắc mắc về sự lựa chọn đặc biệt này, chàng trai hào hứng cho biết: “Em nghĩ mọi việc hoàn toàn là do duyên. Khi ở đó, em thấy mình được tĩnh tâm, đầu óc thông suốt và mọi việc đều suôn sẻ”.
Không chọn cho mình con đường phát triển bản thân như bao bạn trẻ khác, Bình cho biết ước nguyện của anh là được theo dấu chân Phật, đi tới tất cả những vùng đất của Phật.
Bốn thánh tích quan trọng nhất gồm: Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini, ngày nay thuộc Nepal) - là nơi Đức Phật đản sanh; Bồ Đề Đạo Tràng- là nơi đức Phật thành đạo, nghĩa là Thái tử Tất Đạt Đa đắc đạo thành Phật Thích Ca Mâu Ni; Sarnath (Vườn Nai, thuộc Ấn Độ) - là nơi Phật thuyết bài pháp đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như và cuối cùng là Kurshinagar - nơi Phật nhập niết bàn, Bình đều đặt chân đến cả. Trong đó Bồ Đề Đạo Tràng là thánh tích được Phật tử trên khắp thế giới tới tu tập. Công việc thường ngày của Bình là giúp sư phụ trông coi Đạo tràng chùa Viên Giác - ngôi chùa Việt với kiến trúc thuần Việt cực đẹp, và có vị trí gần Đại Bảo Tháp MahaBodhi nhất (cách 300m).
Bình đi nhiều, có lần anh đã tới cả Dharamshala - Tiểu Tây Tạng trên đất Ấn Độ (nơi ở của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14) - một chuyến đi rất nhiều ý nghĩa và tìm hiểu thêm về Phật giáo của Tây Tạng…
Bình say sưa kể về mảnh đất linh thiêng với đôi mắt sáng. Bản thân anh đã có gia đình nên việc xuất gia là gần như không thể. Nhưng nhân duyên sâu đậm với Phật và sự ủng hộ từ gia đình tạo điều kiện cho anh bước theo con đường của Phật. Chị gái của Bình cũng là một Phật tử, chính chị là người tạo bước đệm cho anh.
“Thời gian ban đầu bố mẹ cũng có phần lo lắng vì hai con đều hướng tâm theo Phật, chúng em ở Bồ Đề Đạo Tràng rất lâu, cứ có thời gian là qua đây tu tập. Tâm lí chung của những người làm cha mẹ luôn lo lắng cho hạnh phúc của các con. Nhưng qua thời gian hiểu rằng nhân duyên của các con mình với Phật pháp sâu đậm nên bố mẹ rất ủng hộ hai chị em”, Bình nghẹn ngào chia sẻ.
Cuộc đời là cho đi, rồi sẽ nhận lại
Để có tiền sinh hoạt và làm những điều mình thích, chàng trai trẻ kinh doanh lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và có cả một cửa hàng bán các chuỗi tràng, tôn tượng của Ấn Độ. Tuy nhiên số tiền bán được từ cửa hàng, Bình để gây quỹ cúng dường và làm từ thiện, chứ không mang về Việt Nam.
Anh cho biết, hàng ngày cùng với mọi người nấu khoảng 300 suất cơm miễn phí cúng dường đến Chư Tăng Ni tu tập tại Bồ Đề Đạo Tràng. Số tiền này được lấy từ lợi nhuận của việc kinh doanh và có sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm khác.
Ngoài ra, ở khu vực quanh Bồ Đề Đạo Tràng quanh năm khô hạn, không có nước sạch để dùng, nên nhóm của Bình đã sắn tay vào làm nhiều giếng nước giúp người dân có nguồn nước đảm bảo sinh hoạt.
Người Việt qua đây hành hương rất nhiều, chủ yếu là các Phật tử đã có tuổi, ngoại ngữ là rào cản rất lớn. Mọi người nhiều khi muốn đi mua gì cũng không biết đi như thế nào. Hay như khi ốm đau cũng không biết phải làm sao. Khi xảy chuyện gì bất ngờ cũng không biết nhờ vả ai… Vì thế Bình muốn ở lại đây, làm công quả cho chùa Việt Nam và xây dựng thành nơi để khi bất cứ người Việt nào có vấn đề cần hỗ trợ thì sẽ có một nơi để tới.
Nhắc đến việc này, anh cười, kể kỉ niệm mới gần đây: “Cách đây ít hôm, có một sư cô bay cùng đoàn từ Việt Nam tới Kolkata (Ấn Độ) thì bị lạc. Điều duy nhất sư cô nhớ là Vietnam Temple (cũng là câu tiếng Anh duy nhất sư cô biết), sư cô nhờ người chở thẳng tới chùa mình ở, gặp được người Việt, nói tiếng Việt sư cô khóc vì mừng rỡ. Sư cô nói thật quá hạnh phúc khi có người hỗ trợ những lúc như thế. Mình trả tiền xe cho sư cô và sắp xếp chỗ ở tạm và chia người đi tìm đoàn của sư cô. Rất may chỉ sau nửa ngày đã tìm được đoàn đi cùng”.
Bình kể, những lần về Việt Nam cũng dành thời gian phóng sinh vào các ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng. Theo Bình, mọi việc làm xuất phát bởi tâm từ bi, lòng trắc ẩn, thương người thương vật đều đáng tán thán.
Lựa chọn cho mình một con đường đi riêng biệt, chàng trai Lê Bình xác định sẽ còn nhiều chông gai, vất vả và cả những gian nan, khổ cực nhưng “đã yêu mảnh đất Phật và ngấm vào máu rồi thì biết làm sao?”.
Anh cười như thể mọi sự việc đến đều tự nhiên vì có duyên từ trước. Cuộc đời sẽ tiếp nối những chuyến đi. Bình luôn vững tâm và mong tìm được nhiều mối thiện duyên hơn nữa trên mảnh đất linh thiêng.