Vùng rẻo cao Tây Nguyên đầy nắng và gió. Đám trẻ con vùng cao hôm nay có điều đặc biệt. Chúng vui mừng khi ướm thử chiếc áo mới, say sưa bút mực vẽ vời, tô màu những ước mơ của chúng rồi lại cười nắc nẻ trước những trò chơi cùng lũ bạn.
Đó là niềm hạnh phúc mà Vũ Đức Huy (sinh viên trường Đại học Fulbright Việt Nam) và những người bạn mang đến cho đám trẻ tại vùng rẻo cao Kon Tum. Và YUU Organization là tên dự án mà Huy lập ra để đồng hành cùng những giấc mơ ấy.
Chào Huy, từ đâu mà em có ý tưởng thành lập nên dự án này?
Mẹ em rất thích các hoạt động thiện nguyện, ngay từ khi em còn nhỏ, mẹ đã rong ruổi đi lên các làng bản để giúp đỡ người dân. Có thể những hành động của mẹ đã ảnh hưởng rất nhiều đến em, và như là một tiền đề để thành lập YUU Organization.
Ban đầu, em chỉ mong muốn làm một điều gì đó ý nghĩa dịp Trung Thu, nên đã cùng những bạn cùng khoá tổ chức một chương trình vui chơi Trung Thu cho các em nhỏ ở mái ấm Teresa bên kia cầu treo Kon Klo.
Dự tính sau khi tổ chức xong sẽ thôi, nhưng chính trong chương trình đơn sơ, nhiều sai sót đó, những chia sẻ chân thành của các em nhỏ đã khiến chúng em không khỏi xúc động. Thì ra các em không chỉ cần quần áo, giày dép, sách vở mà còn cần sự quan tâm, sẻ chia và thấu hiểu từ những người xung quanh.
Các em cần được kết nối, và giao tiếp với thế giới bên ngoài nhiều hơn. Những điều đó, các đoàn từ thiện trước đây chỉ đến và đi rất nhanh, chưa có dịp ngồi lại để lắng nghe những chia sẻ bộc bạch của các em nhỏ. Do đó, chúng em quyết định sẽ tiếp tục thực hiện những dự án cộng đồng, để kết nối với các em, chia sẻ với các em, và giúp các em tự tin hơn, cởi mở hơn. Từ đó, những dự án đầu tiên của YUU Organization đã ra đời.
Chắc hẳn em đã có những hành trình vô cùng đáng nhớ?
Chúng em đi đến những làng mạc xa xôi để gặp gỡ các em nhỏ. Những chuyến đi như những nốt nhạc trầm xao xuyến của tuổi trẻ, dù trôi qua nhưng ai cũng nhớ. Mỗi dịp Tết đến, mọi người lại tụ tập và ôn lại chuyện cũ, kể cho nhau nghe những kỉ niệm ngày trước.
Em vẫn nhớ tối đêm trung thu đầu tiên, chúng em đã cùng các em nhỏ thắp nến rước đèn. Xung quanh mái ấm tối đen như mực, không khí cũng tĩnh lặng vô cùng. Ba tình nguyện viên đã cần mẫn thắp từng cây nến, đám trẻ vui vẻ cầm lồng đèn, rượt đuổi nhau, hát vang trong đêm. Vì không có ánh điện, trong không gian chỉ thấy những chiếc lồng đèn phát sáng, và tiếng hát nghêu ngao của đám trẻ. Khoảnh khắc đó đẹp như một thước phim mà mỗi dịp trung thu về, em đều nhớ lại.
Mùa thứ hai thì nhộn nhịp hơn, cả nhóm phải đón tiếp gần 1000 em nhỏ trên làng Kon Gu. Ban đầu chúng em chỉ mong tổ chức cho khoảnh 100 em, nhưng con số cứ tăng dần, người trong làng nói 300, rồi lại báo 700, xong đến khi tổ chức thực tế lại càng đông hơn nữa. Vé thông hành cho các em cũng hết. Mà gian hàng nào cũng đầy ắp các em nhỏ.
Các em say mê tô từng bức tượng, vẽ từng bức tranh, chơi trò chơi dân gian, nhảy nhà phao… Cả nhóm nhức mỏi khắp cả người, nhưng ai nấy đều vui và tự hào vì không ngờ phát sinh con số lớn như vậy mà mình vẫn có thể tổ chức nổi.
Điều khó khăn nhất của em khi thực hiện YUU Organization là gì?
Khi mới thành lập chúng em vẫn còn đang là học sinh nên chưa thể kiếm ra tiền. Do đó mà mỗi chương trình được xây dựng đều bắt nguồn từ những buổi gây quỹ, từ việc bán những món hàng nhỏ, cho đến tổ chức đêm nhạc gây quỹ, rồi viết những lá thư xin tài trợ cùng hồ sơ chương trình đến các doanh nghiệp địa phương. Những điều đó không ai nghĩ chúng em có thể thực hiện, nhưng chúng em đều đã trải qua tất cả.
Em vẫn nhớ có một chương trình, chúng em bị nhà tài trợ “boom” 10 triệu tiền ủng hộ. Cả nhóm rất thất vọng và chán nản. Mùa Tết đó coi như xong, thế mà mọi người lại trấn an nhau, cùng nhau vượt qua cơn buồn chán nhất thời, để trong vòng 2 tuần, chúng em đã gây quỹ lấp đầy số tiền nhận hụt. Lần đầu tiên trong đời, các thành viên phải làm mứt, từ việc mua dừa, nạo dừa, đến rửa dừa.
Mỗi lần nhắc lại em đều cảm nhận được mùi dừa bốc lên từ bàn tay bởi phải rửa bảy tám nước cho dừa trong. Chưa kể lúc rim mứt, hơi nóng từ dưới bếp bốc lên, khiến chúng em phải trấn tĩnh đảo đều tay. Vậy mà thấm thoát cũng đã gần hai năm từ ngày mọi người quây quần bên nhau làm mứt, làm bánh tét rồi đó.
Động lực nào khiến em song hành bền bỉ cùng với câu lạc bộ của mình, dù cho nó có bao nhiêu khó khăn đi chăng nữa?
YUU trong em là những tháng năm tuổi trẻ tươi đẹp nhất đã vạch ra một con đường hoàn toàn mới cho em. Chưa bao giờ em nghĩ rằng mình sẽ hoạt động vì cộng đồng. Và cũng chưa bao giờ em nghĩ mình có thể gắn bó và điều hành YUU lâu đến thế. Trước đây, em là một người hướng nội, nhút nhát, nhưng qua mỗi chương trình, em lại càng rèn luyện bản thân mình.
Em luôn tâm niệm: “Khi quay ngược trái tim mình lên, trái tim có hình ngọn lửa. Ngọn lửa của yêu thương cháy mãi đến tận cùng.” Đây là câu nói một lần em đọc được, và trở thành châm ngôn của các thành viên trong YUU Organization.
Đi nhiều nơi, em thấy điều kiện sống của các em nhỏ vùng rẻo cao thế nào?
Em nghĩ so với hai mươi năm trước, chất lượng cuộc sống của các em cũng đã được cải thiện đáng kể, nhất là với các em được nuôi dưỡng trong các mái ấm tình thương. Các em được nuôi dưỡng trong môi trường có đầy đủ các nhu cầu cơ bản, bắt đầu được tiếp cận nhiều hơn đến các nhạc cụ, rồi ngoại ngữ và tin học.
Các em nhỏ trên làng thì điều kiện sống còn khó khăn hơn đôi chỗ, nhất là các làng ở xa. Có những làng ở sâu tận trong rừng, các em nhỏ ở đây còn thiếu thốn nhiều thứ, quần áo, nước sạch, những bữa ăn no… Có các em không được đến trường, chỉ có thể lên nương, lên rẫy chăn bò.
Có lần đi ngang qua các em nhỏ đang chăn bò, mẹ em lấy bánh tét ra chia cho các em ăn. Đứa nào cũng ngạc nhiên vì không biết bánh gì mà ngon như vậy. Những khoảnh khắc như vậy càng khiến chúng em kiên định hơn với những dự án hỗ trợ và giáo dục trẻ em.
Xin cảm ơn em về phần chia sẻ này!