Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chẳng lẽ đạo đức xã hội, tình người xuống cấp đến mức vậy sao?

Luật sư Nguyễn Văn Đức Theo dõi Saostar trên google news

Mỗi lần đọc thông tin trên báo về trường hợp trẻ em bị bạo hành, ruột gan như thắt lại. Tôi thật sự không hiểu những kẻ đó nghĩ gì khi nhẫn tâm xuống tay với những đứa trẻ là con, cháu, là học sinh do mình nuôi dưỡng, giáo dục.

Trường hợp dã man nhất mới đây là việc bà chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh (quận 12, TP.HCM) dùng dao để “dạy dỗ” các em chỉ từ 3 đến 5 tuổi.

Trước đó mấy hôm, báo chí phản ảnh một đứa trẻ mới một tháng tuổi bị người giúp việc bạo hành ở Phủ Lý, Hà Nam.

Rồi trước đó một đứa trẻ 7 tuổi ở miền Tây cũng bị người thân bạo hành… Chỉ trong vòng hơn một tuần, có đến mấy vụ trẻ bị bạo hành được báo chí phanh phui.

Trẻ sơ sinh bị bạo hành. Ảnh: Internet

Dạy con kiểu “roi, vọt” là tội ác!

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm có khoảng 3,3 triệu trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt và các em có nguy cơ bị bạo lực. Một con số quá kinh khủng nhưng có lẽ cũng chưa thật sự sát với thực tế diễn ra.

Nhưng có lẽ điều làm tôi phẫn nộ hơn là tình trạng bạo lực trẻ em không có xu hướng giảm mà ngày càng có chiều hướng gia tăng và cách thức hành hạ trẻ càng ngày càng tàn độc hơn.

Chẳng lẽ đạo đức xã hội, tình người đã xuống cấp đến mức tồi tệ đến vậy sao? Truyền thống, đạo lý ngàn đời của người Việt Nam là “kính già, yêu trẻ”.

Một đất nước “ngàn năm văn hiến”, vậy mà gần như ngày nào trẻ em trên đất nước này cũng bị bạo hành, bị xâm hại. Đó là một nghịch lý đến mức không thể lý giải được.

Bởi lẽ, Việt Nam là nước đầu tiên của Châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới tham gia phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào năm 1990.

Điều đó cho thấy, Việt Nam rất coi trọng và quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi cho trẻ em. Không chỉ đi đầu trong việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc, Việt Nam còn là một trong những nước ban hành Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khá sớm (năm 1991).

Đạo luật này là nền tảng quan trọng, là cơ sở pháp lý để cho ra đời hàng loạt các quy định pháp luật khác để bảo vệ trẻ em.

Những trận đòn roi đầy ám ảnh: Ảnh minh họa.

Nguyên nhân dẫn đến việc bạo hành trẻ em, có lẽ do nhiều người quan niệm “thương cho roi cho vọt”. Nhưng quan niệm này đã quá lạc hậu và không còn phù hợp với thời đại hiện nay. Khi cả thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì việc sử dụng bạo lực để dạy dỗ con, em, học trò chẳng khác nào hành động man rợ tồn tại giữa thế giới văn minh.

Những bậc làm cha, làm mẹ, thầy cô giáo cần thay đổi quan niệm và tư duy dạy con, em theo kiểu đó. Việc dạy dỗ theo kiểu “roi, vọt”, không chỉ làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ mà còn là một hành động mang tính tội ác.

Tội ác với chính con, cháu của mình và để lại cho xã hội “những sản phẩm lỗi”. Bởi lẽ, theo các nhà tâm lý học, tội phạm học, trẻ bị bạo hành có nguy cơ phạm tội khi ở tuổi trưởng thành nhiều hơn những đứa trẻ khác.

Người lớn: Hãy hành động, đừng hô hào suông nữa!

Sau khi Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Trẻ em vào ngày 5/4/2016, người dân kỳ vọng đây là đạo luật có nhiều điểm đổi mới tích cực, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Các nhà lập pháp cũng như xã hội kỳ vọng với những quy định của đạo luật mới này, trẻ em sẽ được bảo vệ tốt hơn, các cơ quan có trách nhiệm tích cực hơn trong việc bảo vệ trẻ.

Thế nhưng, tiếc thay giữa quy định trên giấy và thực tế còn một khoản cách quá xa, xa đến mức trong một tương lai gần chưa thấy có cách nào để trẻ em được bình an trong chính ngôi nhà, mái trường mà lẽ ra các em được an vui, phát triển mọi mặt.

Ảnh minh họa.

Gần đây nhất là Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em. Nghị định này dành hẳn một chương (chương III) để quy định về việc hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ bị xâm hại, bị bóc lột, bị bạo lực…

Theo thống kê, hiện nay có đến 15 tổ chức có chức năng bảo vệ quyền lợi trẻ em, từ cấp trung ương đến tận xã phường, từ cơ quan nhà nước đến đoàn thể, tổ chức xã hội.

Mặc dù có đông đảo cơ quan được giao nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, nhưng có một thực tế là nhiều vụ việc trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại lại ít được sớm phát hiện. Nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành, bị đánh đập hoặc đối xử tàn độc trong thời gian dài nhưng chính quyền đoàn thể ở địa phương chậm phát hiện.

Thời gian qua, đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành nhưng chính quyền không phát hiện kịp thời dẫn đến tình trạng các trẻ bị thương tích rất nặng nề.

Vụ cơ sở mầm non Mầm Xanh chỉ bị cơ quan chức năng vào cuộc, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà chủ khi báo chí đăng tải. Không riêng vụ này, mà hầu hết những vụ trẻ em bị bạo hành đều do báo chí phát hiện và tố giác, ít thấy trường hợp nào do các cơ quan chức năng hoặc đoàn thể chủ động phát hiện ra.

Đó là điều mà những người có trách nhiệm cần suy nghĩ. Với một đội ngũ đông đảo các cơ quan và người có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, nhưng không hoặc ít phát hiện là điều lạ lùng.

Trường mầm non xanh.

Vì vậy, vừa qua, trong một cuộc tọa đàm được tổ chức tại Hà Nội, có chuyên gia bảo vệ trẻ em đã phải thốt lên rằng “Một trẻ em có nhiều cơ quan bảo vệ vậy mà khi bị xâm hại thì không biết kêu ai, tìm đến ai để nhờ giúp đỡ. Xin hãy thôi đau xót chung chung mà hành động nhanh chóng để giải quyết vấn đề “.

Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến đó. Bởi lẽ, có một thực tế đau lòng là dù nhiều cơ quan, nhiều đầu mối được giao tiếp nhận thông tin trẻ em bị xâm hại, nhưng có được mấy cơ quan làm hết trách nhiệm của mình khi có trẻ bị bạo hành, bị xâm hại?

Nói đâu xa, Nghị định 56 nêu trên, dành hẳn chương III với 11 điều quy định việc hỗ trợ, can thiệp khi trẻ bị xâm hại hoặc bị bạo hành. Tuy nhiên, quy định trên giấy có hay, có chặt chẽ đến mấy, nhưng những người lớn - người có trách nhiệm chỉ tiếp nhận rồi để đó, thì tình trạng “cha chung không ai khóc” vẫn có thể tiếp tục tái diễn.

Là một người từng bảo vệ miễn phí cho trẻ bị bạo hành, bị xâm hại, tôi hết sức xót xa và đau lòng vì nhận thức vô cảm đến mức tàn nhẫn của người lớn. Vì vậy, tôi mong rằng người lớn đừng hô hào suông nữa mà hãy hành động.

Hành dộng thật sự vì một tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam, để các cháu được bảo vệ thật sự, được sống trong một môi trường lành mạnh, được lớn lên và được phát triển, được chăm sóc, giáo dục, hoàn thiện nhân cách.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Luật sư Nguyễn Văn Đức

Được quan tâm

Tin mới nhất
Đinh Vũ Hề phủ nhận tin hẹn hò