Mới đây, Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Hà Giang (Sở VHTT&DL Hà Giang) vừa có văn bản đề nghị xem xét, xử lý hành vi của bà Hoàng Thị Hường (doanh nhân Hoàng Hường), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường đồng thời là chủ Phòng khám Nha khoa quốc tế Hoàng Hường (tầng 1 tòa nhà Golden Field, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), vì có phát ngôn xúc phạm đến món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc.
Trước đó, tháng 2/2023, bà Thào Thị Mua, trú tại xóm Chúng Pả A, xã Phó Cáo, (huyện Đồng Văn, Hà Giang) đã làm đơn phản ánh về việc doanh nhân Hoàng Hường lên các mạng xã hội như Tiktok, Facebook livestream nói mèn mén là cám lợn, là món ăn giải nghiệp.
Theo phản ánh của bà Mua, trong livestream ngày 6/2/2023 trên Tiktok, bà Hường đã có những lời nói xúc phạm lớn đến nhân phẩm và danh dự những người dân bán hàng và làm dịch vụ hoa cho du khách thuê chụp ảnh tại dốc Thẩm Mã (Hà Giang), gọi họ là “những kẻ ăn xin”.
Bà Mua kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hành vi này của doanh nhân Hoàng Thị Hường.
Doanh nhân Hoàng Hường là ai?
Và Hoàng Thị Hường được nhiều người biết đến trên mạng xã hội từ những tai tiếng. Bà được biết đến là Tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Hoàng Hường, đồng thời là chủ của phòng khám nha khoa quốc tế Hoàng Hường Confident Smile tại Hà Nội.
Năm 2021, nữ doanh nhân Hoàng Hường từng gây ồn ào khi nhiều người cho rằng bà quảng cáo "nổ" công dụng nước súc miệng. Theo đó, công dụng của sản phẩm này được nữ đại gia ví như thuốc "điều trị các bệnh hôi miệng lâu năm, hôi từ kiếp trước sang kiếp này, thậm chí điều trị viêm lợi"... Những lời quảng cáo được nói tràn lan trên mạng xã hội gây ồn ào.
Công ty dược phẩm Hoàng Hường tiếp tục tung ra loại viên xương khớp "thần kỳ" và lại gây tranh cãi.
Trong chương trình "Điểm tựa tương lai" phát sóng trên VTV1 vào lúc 10h35 ngày 10/4, dược phẩm Hoàng Hường lên sóng quảng cáo sản phẩm bảo vệ xương khớp, gan, hoạt huyết, chăm sóc răng miệng.
Quảng cáo sản phẩm gây phản cảm khi để bà cụ quỳ lạy bà Hường như "thánh sống" khiến cộng đồng bức xúc.
Bà Hường còn quảng cáo "thần thánh hóa" sản phẩn khi nói: "Tất tần tật, những gì đau liên quan đến xương khớp từ đầu xuống chân, em giải quyết được hết. Em không khẳng định là uống 1 liều sẽ hết nhưng chỉ cần uống trong 1-2 tuần sẽ khỏi đến 50 - 60%. Ai nặng lắm thì 2 tháng là hết… dù xương khớp đau đến cỡ nào".
Ngày 13/4/2022, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt 65 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường về lỗi vi phạm khi quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường.
Năm 2020, bà Hường từng đăng tải thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình mưa bão tại quảng Bình, khi cho rằng huyện Lệ Thủy không đáng thương như truyền thông "thêu dệt" và thất vọng khi đến đó từ thiện.
Sau đó, sở thông tin và truyền thông tỉnh Quảng Bình gửi công văn tới Sở thông tin và truyền thông thành phố Hà Nội đề nghị, kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật đối với chủ tài khoản Facebook "Nha Khoa Thẩm Mỹ Hoàng Hường" của bà Hoàng Thị Hường.
Trong một lần khác, nữ đại gia lên tiếng chửi bới, miệt thị vùng miền, cụ thể là Thanh Hóa khi chửi người đã... ăn cắp data khách hàng của Hoàng Hường. Ngay sau đó, dư luận cũng nổ ra những tranh cãi, bình luận trái chiều.
Mèn mén không chỉ là một món ăn
Bao đời nay, đồng bào dân tộc Mông dùng ngô là nguyên liệu chính để làm ra mèn mén. Không phải món cao lương mỹ vị, mèn mén là món ăn dân dã, truyền thống và lâu đời.
Món ăn này đã trở thành nét văn hoá đặc trưng riêng có của người Mông khiến nhiều người khó quên khi nếm thử một lần.
Sống ở miền cao nguyên đá Hà Giang, người Mông ươm từng hạt mầm vào các hốc đá. Những hạt ngô giống đâm mầm nảy nở bằng mưa gió cao nguyên để cho ra những bắp mẩy, thơm ngon rồi người mông dùng hạt ngô làm ra món mèn mén, nuôi sống người Mông bao đời nay.
Họ nâng niu từng bắp, chắc lọc từng hạt, phơi khô rồi nghiền. Các gia đình quây quần bên cối đá, xoay đều tạo ra bột ngô thơm nức. Thứ bột bắp sau đó được sàng lọc, bỏ sạn, bỏ mày rồi trộn với nước.
Người ta trộn cho bột không quá khô, không quá nhão để khi hấp vừa dễ chín mà không bị nhão.
Các gia đình dân tộc Mông vẫn ăn mèn mén hàng ngày, cái hồn cốt của món ăn này đã ngấm vào lôi sống người dân nơi đây dù cuộc sống khổ cực không còn đeo bám.
Những ai đến đây tìm hiểu đều sẽ thấy các đám cưới, ma chay, ngày giỗ hay ngày Tết hoặc công việc lớn nhỏ đều có sự xuất hiện của món mèn mén.
Không chỉ còn là một món ăn, đối với người Mông, mèn mén tồn tại bao đời mang ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống văn hoá tinh thần của họ.
Mời đọc giả xem thêm: Cuộc sống hậu nghỉ chơi của bộ ba: Khoa Pug, Vương Phạm, Johnny Đặng