Nhà sản xuất, những người đã tạo nên và góp phần phát tán rộng rãi những nội dung đáng phê phán như vậy đang ngồi ung dung hưởng lợi nhuận từ kênh lưu trữ video lớn nhất thế giới: Youtube.
Nội dung không có chút gì dành cho trẻ con nhưng nhà sản xuất lại tự tin gắn mác Kids cho tất cả các clip, chưa nói về pháp luật, đó là sự vô tâm cực kì đáng trách của những người trưởng thành.
Thật sự không khó để một đứa trẻ có thể tiếp cận khi tất cả những clip này được xếp loại và gắn nhiều từ khoá phù hợp với trẻ em, dù chẳng biết là vô tình hay hữu ý, cũng rất có thể đây là tính toán vô cùng khôn ngoan của những người hiểu biết về phương thức hoạt động và kiếm tiền từ Internet.
Nhắm vào trẻ em, đối tượng dễ dãi với nội dung và có thể xem đi xem lại một clip hàng chục, thậm chí hàng trăm lần để nhanh chóng tăng lượng người xem. Từ đó ung dung thu tiền từ lợi nhuận mà kênh Youtube của họ làm ra. Thế nhưng, các bạn trẻ ấy liệu có bao giờ nghĩ rằng, những nội dung độc hại mà họ đang phát tán sẽ ảnh hưởng thế nào đến tâm lý của một đứa trẻ.
Trong khi tất cả các bậc cha mẹ đều đang cố xây dựng cho con cái mình một môi trường sống thật lành mạnh thì mối hiểm hoạ lại đến từ nguồn mà họ hay lơ là nhất: Mạng xã hội. Không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, những thể loại clip như thế này cũng đang được phát tán một cách rộng rãi.
Thoạt xem qua, có lẽ không ai ngờ được đây là những sản phẩm thuần Việt 100% cho đến khi nhiều chi tiết quen thuộc xuất hiện bên cạnh các hình ảnh phản cảm.
Chỉ cần theo dõi một vài clip tiêu biểu, chắc hẳn bạn sẽ không khỏi giật mình với những cảnh tượng mà các diễn viên trong trang phục người nhện, công chúa Elsa, Pikachu,… (những nhân vật được các bé rất yêu thích) đang diễn.
Nào là cắt lưỡi, nào là sử dụng súng, những hình ảnh thân mật cực phản cảm của các nhân vật hoạt hình. Nội dung không hề có tính giáo dục, thậm chí không có bất kì chi tiết nào liên quan tới trẻ em lại được quảng bá theo hướng “dành cho trẻ em”.
Đáng nói hơn nữa, nếu tìm hiểu kĩ hơn về kênh Youtube này, bạn có thể thấy nó đã có mặt từ tháng 3/2016 và thu hút gần 600 triệu lượt xem - một con số khủng khiếp. Vậy thì đã bao nhiêu trẻ em đã và đang vô tình bị đầu độc mỗi ngày bởi sự lơ là của phụ huynh.
Dẫu biết mạng xã hội là thế giới tự do, nơi ai cũng có quyền làm điều mình thích nếu không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc tất cả chúng ta phải nhìn lại cách thức quản lý nội dung, cách sử dụng Internet của mình và biện pháp hạn chế tối đa việc sử dung Internet của con trẻ.
Thay vì chọn bình yên cho bản thân bằng cách “quăng” cho con cái mình một chiếc Ipad, điện thoại hay máy tính để chúng ngồi yên xem bất cứ thứ gì mình muốn. Hãy cùng con xem và trao đổi về một bộ phim, đoạn clip phù hợp với chúng để chắc chắn rằng con mình đang được tiếp thu những thứ tốt đẹp, hợp với tuổi hơn.
Chắc chắn chúng ta sẽ không biết được tương lai của những trang Youtube này sẽ đi về đâu nhưng hơn bao giờ hết đây là lúc cộng đồng mạng cần liên kết chặt chẽ hơn để ngăn chặn hành trục lợi từ trẻ em thông qua những thứ chúng yêu thích. Và đã đến lúc các bậc cha mẹ cần có thêm nhiều hiểu biết về việc sử dụng mạng và các phương pháp quản lý nội dung video dành cho trẻ em.