Juggi Ramakrishnan - Giám đốc sáng tạo của một hãng dịch vụ thương mại và số hóa từng nói đại ý: Loại bỏ chiếc điện thoại ra khỏi cuộc nói chuyện giống như việc phá một bức tường gạch. Nhưng dường như ở Việt Nam - quốc gia đứng thứ 5 hạnh phúc nhất thế giới điều này dần trở nên xa xỉ, bởi nhìn cách những ông bố bà mẹ để mặc con sử dụng điện thoại di động đủ thấy “lợi bất cập hại” đến mức nào.
Theo quan sát của PV, trong những ngày cuối tuần, nhiều bậc cha mẹ đưa con đi chơi, đi ăn, đi mua sắm ở các trung tâm thương mại, nhưng họ mải miết với công việc và những mối quan hệ cá nhân, trong khi đó con của họ ngồi kế bên thì cắm mặt vào chiếc điện thoại di động. Hỏi ra mới biết, những cặp vợ chồng trẻ muốn dành thời gian cho nhau nên đưa con sử dụng điện thoại để thiết bị số này “trông” con thay mình.
“Chúng tôi đi làm cả tuần, ngày nào cũng từ 8h sáng đến 18h tối, về nhà còn phải chăm sóc con cái, đấy là chưa kể những hôm còn tụ tập bạn bè, bóng đá, bia bọt nọ kia, cho nên hầu như không có thời gian riêng dành cho nhau. Tranh thủ cuối tuần mới có dịp để nói chuyện, tâm sự vợ chồng“, anh N.V.T chia sẻ.
Khi được hỏi, tại sao đưa con đi chơi mà để con vô tư sử dụng điện thoại như vậy, anh T bộc bạch: “Gia đình tôi neo người, ông bà thì ở dưới quê không có điều kiện lên chăm sóc cháu, nên đi chơi đâu cũng đưa con đi theo. Nhiều lúc vợ chồng muốn nói chuyện riêng với nhau, nhưng vì con còn bé quá, quấy khóc nhiều nên đưa nó chơi điện thoại, chứ không phải lệ thuộc vào công nghệ như báo chí viết. Tôi cũng hạn chế cho con dùng thiết bị di động“.
Tranh thủ cuối tuần chị N.T.H đưa con đi ăn. Chị bảo: “Con tôi biếng ăn, nên những lúc như thế này đều phải dùng điện thoại dỗ dành. Cũng biết dùng điện thoại là không tốt, nhưng không còn trò nào khác có thể “dụ” con đỡ mè nheo nhanh hơn điện thoại cả“.
Năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa - Giáo dục và Đời sống xã hội đã thực hiện cuộc khảo sát “Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh” công bố kế quả 78% trẻ em Việt Nam dưới 6 tuổi ở thành thị đã tiếp cận thiết bị số. Trong số đó, số trẻ sử dụng trên 4 giờ mỗi ngày chiếm tỷ lệ cao so với kết quả đã nghiên cứu trước đó.
Chia sẻ với PV Saostar, Th.s Nguyễn Thị Tuyết Minh - chuyên gia nghiên cứu Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay: “Thực trạng này nên xét dưới góc độ bối cảnh. Tôi nghĩ việc sử dụng điện thoại di động cũng giống như Tivi đều là các phương tiện nghe nhìn, nhưng điện thoại di động đặc thù hơn là đa chức năng và sự tương tác. Chính vì vậy, các bậc làm cha làm mẹ cần phải kiểm soát con mình đang làm gì ở đấy.
Nếu để con chơi một lúc thì không có vấn đề gì, còn nếu trong trường hợp bố mẹ mải miết với những mối quan hệ cá nhân để mặc con sử dụng điện thoại di động thì rất là nguy hiểm cho trẻ.
Ai cũng vậy, sự tương tác trực tiếp rất quan trọng, điều này giúp nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội, còn các tương tác ảo, không có sự phát triển thông qua hoạt động chung, chắc chắn dẫn đến nhiều hệ lụy. Ở độ tuổi từ 5 - 9 tuổi - độ tuổi để trẻ học hỏi và phát triển ngôn ngữ, phát triển khả năng tư duy thì sự tương tác lại càng cần thiết. Trong khoảng thời gian này, trẻ em sẽ thể hiện vai trò trong một vị thế cụ thể. Nếu trẻ bị trượt dài trong thế giới ảo thì lớn lên sẽ gặp khó khăn trong vấn đề tương tác với các mối quan hệ xã hội.”
Th.s Minh đưa ra giải pháp: “Các bậc làm cha làm mẹ hãy dành nhiều thời gian tương tác, giao tiếp với con, đừng để con có cảm giác như bị ngăn cách với bố mẹ bằng cả một bức tường ảo. Nên có kế hoạch chỉn chu để tương tác cảm xúc với con. Trong khoảng thời gian này, những ông bố bà mẹ ngừng công việc, các mối quan hệ cá nhân sang một bên để toàn tâm toàn ý vì con. Hãy vì tương lai của con và vì một xã hội con trẻ không cô độc/ tự kỷ”.
Còn bạn, bạn đã biết cách “chơi/giữ trẻ con” đúng nghĩa là như thế nào sau khi đọc bài này chưa? Không điện thoại, không ipal, không truyền hình - Chỉ cùng chơi - cùng vận động - cùng trò chuyện và lắng nghe chúng thôi, bạn nhé!
Vì sự phát triển của thế hệ tương lai là do chính chúng ta xây dựng!