Cuộc sống đôi khi rất mong manh và câu chuyện “sinh lão bệnh tử” cũng là lẽ thường xảy tới với bất kỳ phận người nhỏ bé nào trên trái đất này. Các y, bác sĩ hàng ngày trực chiến ở bệnh viện, chứng kiến nhiều cảnh ốm đau vật vã, giành giật từng hơi thở, sự sống cho bệnh nhân hẳn đã làm quen được với những sự mất mát. Nhưng xin đừng quên lương y cũng là con người bằng xương bằng thịt, cũng trải qua bao “hỉ nộ ái ố” như tất cả chúng ta. Khi chính bản thân họ phải đối mặt với sự sống còn của người mình thương yêu, họ hẳn cũng trải qua những lo âu, nghĩ ngợi và đau buồn như bất kỳ một ai khác. Đã có rất nhiều lúc các bác sĩ phải nuốt nước mắt, lo lắng cho người thân vào trong để hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu giúp người bệnh cao cả của mình.
Mấy ngày qua, cư dân mạng Việt Nam truyền tay nhau một chia sẻ của bạn Dương Minh Tuấn - một bác sĩ trẻ, về câu chuyện cảm động “phải gạt cảm xúc cá nhân sang một bên” của các lương y.
Dương Minh Tuấn (sinh năm 1991) đã tốt nghiệp Đại Học Y Hà Nội và hiện đang công tác tại Đơn vị Tế bào gốc thuộc Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh, TP HCM. Anh vừa có một cuộc trao đổi nho nhỏ về chuyện nghề của một bác sĩ trẻ tuổi với Saostar.vn:
- Trong mắt một bác sĩ trẻ như bạn, môi trường làm việc của các bác sĩ vất vả và áp lực như thế nào?
Hồi học trong trường Y, chúng tôi phải học liên tục cả tuần từ thứ Hai đến thứ Bảy. Chủ Nhật là dành để … thi và kiểm tra. Những khi đi trực thì cũng rất vất vả, ở bệnh viện 24/24 là chuyện bình thường. Khi đi làm, các bác sĩ phải đối mặt với hàng trăm người bệnh đau đớn, mệt mỏi, khổ sở, phải làm việc trong những không gian chật chội bó hẹp bởi thực trạng cơ sở vật chất nhiều bệnh viện Việt Nam vẫn chưa được tốt. Người nhà bệnh nhân cũng gây áp lực lớn lên các bác sĩ. Họ luôn đòi hỏi người nhà của mình phải được chữa trị ngay lập tức. Cho tới giờ phút này, tôi rất đam mê với nghề nên coi sự áp lực về không gian làm việc là một phần tất yếu của công việc.
- Thế còn áp lực khi đối diện với vấn đề sinh-tử?
Đó là sự căng thẳng áp lực nhất với các bác sĩ. Khi sự sống còn của một sinh mạng đang nằm trong tay mình, bác sĩ không được phép sai sót vì có khi sai sẽ không thể nào sửa chữa được. Công việc này đòi hỏi bác sĩ phải luôn sáng suốt, vững vàng và không ngừng trau dồi kinh nghiệm và cập nhật kiến thức mới của Y học.
- Nói như vậy, bản thân các lương y cũng phải chịu những tổn thương về mặt tâm lý khi hành nghề?
Đúng là như thế bởi y, bác sĩ cũng là con người. Đặc biệt, hành nghề Y ở Việt Nam vất vả hơn rất nhiều lần so với ở nước ngoài. Trung bình một ngày, một bác sĩ phải thăm khám cho hơn 100 người bệnh. Đứng trước một khối lượng công việc khổng lồ và căng thẳng, chịu trách nhiệm sinh-tử của bệnh nhân; các y, bác sĩ luôn phải chiến đấu với chính bản thân mình để có thể luôn đứng vững.
- Trong chia sẻ của mình, Tuấn có nói tới việc con người phải tự quyết định thái độ sống của mình trước những đau khổ cá nhân, rằng việc đó lại càng khắc nghiệt hơn với những bác sĩ. Theo Tuấn, thế nào là một bác sĩ chuyên nghiệp?
Nỗi đau là điều tất yếu trong cuộc sống. Ai cũng có thể lựa chọn đối mặt với những đau buồn, hoặc bi lụy vì nó. Một người bác sĩ chuyên nghiệp là người có thể gạt cảm xúc cá nhân của mình sang một bên để tập trung cứu giúp người bệnh như tôi đã có chia sẻ trên Facebook. Bác sĩ phải đặt những nhu cầu riêng của mình lại phía sau, không để chuyện riêng chi phối, phải nhận thiệt thòi về bản thân để đổi lấy sự an toàn, thậm chí là sự sống của bệnh nhân trong tay mình lúc đó. Nhưng, sự chuyên nghiệp không đồng nghĩa với sự vô cảm. Bác sĩ cũng cần phải gìn giữ, duy trì một sự cảm thông, chia sẻ nhất định giữa con người với một con người khác (hay bệnh nhân của mình).
- Tuấn có nghĩ giữa các bác sĩ và bệnh nhân cần có thêm chút nhẫn nại, thông cảm lẫn nhau?
Thật sự rất cần có những sự chia sẻ, đồng cảm, nhẫn nại hơn cả từ hai phía. Bác sĩ có những áp lực riêng và bản thân phía người bệnh cùng gia đình của mình cũng vậy. Nếu như cả hai bên có thể cùng kiên nhẫn hơn với nhau, tôi tin là sẽ có thêm nhiều câu chuyện tình người tốt đẹp trong cuộc sống. Trở thành bác sỹ chuyên nghiệp không phải là chuyện đơn giản dễ dàng. Tôi vẫn đang cố gắng từng ngày để trở nên hoàn thiện hơn trong vai trò một bác sỹ tỉnh táo và ân cần khi hành nghề.
- Cảm ơn Minh Tuấn đã chia sẻ!
Bởi vì, bản chất nghề y đã là một công việc quá đỗi nhọc nhằn và vất vả, cũng như cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng cho tất cả mọi người; hy vọng rằng qua ít lời chia sẻ của bác sĩ trẻ Dương Minh Tuấn, mọi người sẽ thêm phần thông cảm với những y, bác sĩ - những con người hàng ngày phải gánh vác nhiệm vụ cứu người to lớn, cao cả nhưng vô cùng khó khăn.