Nguồn tin VOV, Công an TP Hà Nội đã khởi tố 31 bị can trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia do Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips; SN 1994, trú Bà Rịa - Vũng Tàu) và Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter, SN 1990, trú Hà Nội) cầm đầu. Đồng thời, xác định 2.661 bị hại trên toàn quốc.
Đây được xem là đường dây lừa đảo đầu tư tài chính trực tuyến lớn nhất từng bị triệt phá, với tổng số tài sản bị phong toả hơn 5.200 tỷ đồng.
Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho hay, việc truy bắt nhóm Phó Đức Nam gặp rất nhiều khó khăn vì Nam thường xuyên trốn ở Campuchia, thỉnh thoảng mới về Việt Nam. Đối tượng này bị bắt giữ khi về Việt Nam và trú ở quận 4, TP.HCM.
Ban chuyên án cho biết, đây là vụ án đặc thù, tội phạm công nghệ cao và luôn sử dụng không gian ảo, tài khoản ảo, định danh "ma" để hoạt động, do vậy công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, các đối tượng sử dụng phương thức ẩn danh nên không thể biết được danh tính thực. Tuy nhiên, bằng kỹ thuật nghiệp vụ, biện pháp đặc biệt, chuyên môn và quyết tâm cao của lực lượng Công an, Ban chuyên án đã trinh sát làm rõ được danh tính cụ thể của từng đối tượng.
Theo Thượng tá Cao Văn Thái, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng xác định có 2.661 bị hại. Tổng số tiền các bị hại đã nạp vào khoảng 50 triệu USD.
"Đây mới là thông tin của bị hại ở một phần số máy tính thu giữ. Chúng tôi tiếp tục xác minh lời khai của bị hại, khi họ bị lừa đến lúc hết tiền, không còn "cháy" nữa thì mới biết tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt" - Thượng tá Cao Văn Thái cho biết.
Đồng thời, sự quảng cáo của nhóm đối tượng Phó Đức Nam tốt hơn rất nhiều các nhóm đối tượng khác. Do đó dẫn đến việc nhiều người tin tưởng, số lượng nạn nhân bị nhóm này chiếm đoạt tiền là rất lớn.
Khai báo tại cơ quan công an, Mr Pips Phó Đức Nam thừa nhận những hành vi phạm tội. Theo đối tượng này, việc bản thân thường xuyên khoe "nhà đẹp, xe sang" nhằm truyền sự tin tưởng cho người xem, dẫn dụ người xem bị cuốn hút vào các hình ảnh này. Từ đó các đối tượng dễ dàng lôi kéo, dẫn dụ nạn nhân tham gia vào các sàn giao dịch lừa đảo của chúng.
Các đối tượng "chân rết" và nhân viên của Mr Pips có nhiệm vụ mời chào khách hàng vào các nhóm Zalo, Telegram... Sau đó chúng tự tạo các nick ảo, khoe thành công nhờ theo chân Mr Pips (thực chất là các nhân viên tự "diễn" với nhau) nhằm tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư.
Khi bị hại nạp tiền giao dịch trên các sàn này, đội ngũ của Mr Pips sẽ can thiệp vào hệ thống để nạn nhân thua hết tiền. Thậm chí nếu nhà đầu tư có lãi thì cũng không rút tiền ra được.