Nước mía siêu sạch có thực sự sạch?
Nước mía - thức uống quen thuộc của người dân tại nhiều thành phố đặc biệt vào những ngày nắng nóng và oi bức. Vì lẽ đó, tại TP. HCM những quán nước mía vỉa hè khá phổ biến, mức giá khá rẻ so với nhiều thức uống khác, dễ hiểu vì sao nước mía lại được đại bộ phận người dân lựa chọn.
Khi vấn đề An toàn thực phẩm được quan tâm, người dân lo lắng những hàng nước mía vẻ hè khó có thể đảm bảo an toàn thì ngay lập tức những bảng hiểu về nước mía được dựng lên: Nước mía siêu sạch! Thế nhưng điều đáng nói liệu rằng nước mía thực sự sạch hay đó chỉ là cách người bán hàng trấn an tinh thần của người mua.
Sự thực về những cốc nước mía siêu sạch
Theo thông tin từ người bán nước mía chia sẻ, phóng viên đã tiếp cận quầy sơ chế mía ép chuyên cung ứng cho các quầy bán nước mía siêu sạch ở TP. HCM. Mía đã qua sơ chế nằm la liệt trên nền đất, cạnh vật nuôi, sau khi tách sơ làm trắng bằng máy mía sẽ được bỏ lại. Theo cơ sơ nảy cho biết, nơi đây mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 100 bó mía thành phẩm.
Clip: ANTV
Khi được hỏi: “Ngày bán nhiều không anh?.” Chủ cơ sở cho hay: “ Ngày bán khoảng trăm bó đổ lại.” Hỏi về nguồn gốc của những cây mía, người đàn ông này chia sẻ: “Mía này là mía ở Cần Thơ.” Là loại nước ép trực tiếp không qua tách vỏ thế nhưng người làm công ở cơ sở này không được trang bị đồ bảo hộ hợp vệ sinh. Các công đoạn đều được làm bằng tay trần, nguồn vào là những cây mía không được kiểm chứng là sạch. Công đoạn ép và các dụng cụ để đựng nước mía cũng có nhiều vấn đề.
Tại nhiều điểm bán nước mía được quảng cáo là “siêu sạch”, mía cây được đựng trong thùng nước bẩn không có nắp đậy hoặc được đậy sơ sài, xung quanh là bã mía chất đống với cơ man ruồi nhặng. Mỗi lần có khách mua, chủ quan nhấc cây mía ra khỏi thùng, lau sơ qua rồi ép trên máy không được lau rửa sau mỗi lần sử dụng.
Ly đựng nước mía cũng chỉ được tráng sơ sau khi dùng, quảng cáo là nước mía “siêu sạch” thế nhưng loại hóa ra siêu bẩn. Máy ép nước mía có cấu tạo khá đặc biệt, khác với những loại máy ép nước khác là không cho phép người bán chà rửa bên trong. Một máy sử dụng nhiều tháng, vài năm chỉ qua việc xịt vòi nước không thể sạch sẽ được.
Bác sĩ Hứa Thị Mỹ Trang ( Bệnh viện Quốc tế Vinmec - TP.HCM) cho hay: “Cạo vỏ, bảo quản mía, vận chuyển xay nước mía… qua những khâu này rất dễ nhiễm khuẩn. Máy xay nước mía rất dễ để cho ruồi nhặng bu vào, người chế biển phải thực sự bảo đảm vệ sinh. Nếu không, uống phải loại nước mía không đảm bảo vệ sinh gây nguy hại cho sức khỏe”.
Từ những khâu cạo mía, vận chuyển đến nơi bán hàng đã không thực hiện đúng an toàn vệ sinh thì các khâu sau này giữ mía trong tủ bảo quản, pha chế, dùng cốc, ống hút sạch thì nước mía “siêu sạch” cũng chỉ mang tính hình thức.
Cảnh báo với nước mía giá rẻ
“Khát quá thì phải uống, chứ nếu được lựa chọn sẽ không uống nước mía bởi nhìn thấy bày ở ngoài đường ruồi bu, kiến đậu cũng sợ lắm” - Một người dân ở TP. HCM chia sẻ.
Nói về những nguy cơ sử dụng nước mía bẩn, bác sĩ Hứa Thị Mỹ Trang nói: “Có người nói tôi uống hàng ngày có sao đâu. Đó là khi cơ thể mình khỏe mạnh thì không sao. Nhưng tích tụ về lâu về dài những chất độc đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều. Đối với những cơ địa về bệnh dạ dày, đường ruột, đau bụng… không nên dùng nước mía. Những người tiểu đường, béo phì không nên dùng nước mía, bởi trong nước mía có lượng đường rất cao.”
Người tiêu dùng nên uống ở những quán sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh để không vì một chút tiện lợi để mang bệnh vào người.