Ở Hà Nội trong suốt những năm tháng chiến tranh, mỗi khi có tiếng còi báo động vang lên cùng câu cảnh báo “Máy bay địch cách Hà Nội 70 km. Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 50 km!”, là người dân lại nháo nhác chạy đi tìm những hầm trú ẩn gần nhất cho mình.
Những chàng trai, cô gái chui vào hầm nhanh thoăn thoắt, những bà mẹ bồng bế theo con chạy đến miệng hầm gần nhất. Có nhiều người đã xuống hầm nhưng vẫn còn lấp ló đầu lên trên miệng hầm để nghe ngóng tình tình, thậm chí ngồi sẵn bên miệng hầm nhưng mà chưa xuống vội.
Những lúc như vậy, đường phố Hà Nội lại vắng tanh không một bóng người và chỉ còn những cái đầu đang nhô lên từ những miệng hầm trú ẩn ở hai bên.
Những hầm trú ẩn có ở khắp nơi ở Hà Nội. Chúng có thể là những ống cống bằng bê tông đặt dưới lòng đất, và nắp hầm cũng bằng bê tông, có dọc hai bên đường.
Theo lời những người Hà Nội xưa kể lại, trước cửa mỗi nhà bao giờ cũng có một cái hầm trú ẩn để giúp các gia đình được an toàn mỗi khi máy bay địch dội bom. Nó trở thành một căn hầm quen thuộc và quý giá nhất của mỗi gia đình lúc bấy giờ.
Xong để hầm không bị ngập nước, hoặc không bị đất cát vùi lấp thì sáng nào họ cũng phải dùng những thùng tôn để múc đất, múc nước lên ra khỏi miệng hầm, làm sạch hầm để sẵn sàng cho mỗi lần có báo động máy bay địch đang tới.
Trong quãng thời gian Mỹ dội bom xuống Hà Nội dữ dội nhất, chuyện phải tìm đến những căn hầm trú ẩn đã trở nên quá quen thuộc đối với mỗi người dân nơi đây, và thành cả một điều không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của họ.
Ngay cả khi đất nước hòa bình, lập lại nền độc lập tư do, những căn hầm trú ẩn đã được phá bỏ hoặc lấp hết đi, nhưng trong ký ức của mỗi người Hà Nội vẫn luôn động lại hình ảnh những căn hầm bê tông cho họ vượt qua những tháng ngày gian khổ nhất trong bom đạn ác liệt của giặc thù.