Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Căn hầm bí mật chống được bom nguyên tử giữa lòng Thủ đô

Theo An ninh thủ đô Theo dõi Saostar trên google news

Trong thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Mỹ vào năm 1972, hầm Chỉ huy Tác chiến cùng một lúc thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Chỉ huy bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; đảm bảo giao thông chi viện cho miền Nam; tổ chức thế trận phòng không nhân dân.

Cho đến tận bây giờ, dưới lòng đất Hoàng Thành còn ẩn chứa rất nhiều giá trị lịch sử. Đó là những câu chuyện kể mãi không hết về một Thăng Long hào hoa trong suốt cả nghìn năm lịch sử với những dấu tích kiến trúc cung đình, những di vật hoàng gia, những binh biến nơi cung cấm… Và, trong lòng đất Hoàng Thành còn mang cả những di tích của thời đại Hồ Chí Minh với 2 công trình độc đáo gồm hầm Chỉ huy Tác chiến (T1) và hầm Quân ủy Trung ương (D67).

Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ tổng tư lệnh đã làm việc tại nơi này trên 7.000 ngày đêm với hơn 1.000 cuộc họp quan trọng trong thời gian từ năm 1966-1967, 1969-1970, 1971-1975 nhằm lãnh đạo toàn quân, toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước.

Thiết kế an toàn tuyệt đối

Từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972, Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc phải đối đầu với cuộc tập kích đường không chiến lược bằng pháo đài bay B-52 của đế quốc Mỹ. Trong 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, lưới lửa phòng không Hà Nội và trên toàn miền Bắc đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52, đập tan âm mưu dùng sức mạnh hủy diệt của bom đạn để khuất phục nhân dân ta.

Hầm Sở Chỉ huy Tác chiến T1 của Bộ Tổng Tham mưu thuộc cơ quan Tổng Hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là nơi tiếp nhận những báo cáo cũng như trực tiếp truyền đi các mệnh lệnh chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh đến khắp các chiến trường trên cả nước. Hầm được xây dựng từ năm 1964-1965, kết cấu nửa nổi nửa chìm bằng bê tông nguyên khối với khối lượng khoảng 1.000 m3; nóc dày 1,4 m; tường dày 40 cm.

Trong quá trình xây dựng hầm Chỉ huy Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu quyết định đánh sập tầng hai nhà làm việc của Cục tác chiến, tạo ra đống đổ nát ngụy trang, tránh sự phát hiện của máy bay do thám. Được đánh giá là hiện đại nhất lúc bấy giờ, hầm Chỉ huy Tác chiến có hệ thống lọc bụi, chống nhiễu, hệ thống điều hòa và có khả năng chống được bom nguyên tử cũng như chất hóa học, chống bom đạn thông thường. Với diện tích 65m2, căn hầm chia làm hai phòng: phòng giao ban tác chiến và phòng trực ban tác chiến.

Phòng giao ban tác chiến là nơi các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội đến làm việc, chỉ huy trong suốt 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Phòng trực ban tác chiến được đầu tư đồng bộ với 4 cabin (mỗi cabin chỉ huy một mặt trận, được trang bị 3 máy điện thoại do một người trực đảm trách); hệ thống tiêu đồ xác định vị trí máy bay của cả ta và Mỹ phục vụ công tác chỉ huy tác chiến, bản đồ chiến sự, hệ thống thông tin liên lạc, còi báo động, loa phóng thanh thông báo máy bay địch.

Những hình ảnh của hầm T1.

Bộ não của cơ quan quân sự tối cao

Ông Đặng Phan Thái, kiến trúc sư thiết kế Hầm T1 kể lại, hầm khi ấy giữ một vai trò đặc biệt quan trọng là bộ não của cơ quan quân sự tối cao của Đảng, của Nhà nước để chỉ huy toàn quân. Đặc biệt, trong thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Mỹ vào năm 1972, hầm Chỉ huy Tác chiến cùng một lúc thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Chỉ huy bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; đảm bảo giao thông chi viện cho miền Nam; tổ chức thế trận phòng không nhân dân.

Chính tại hầm T1 đã phát ra những hồi còi đầu tiên báo động phòng không toàn thành phố Hà Nội. Từ hầm Sở chỉ huy tác chiến, mệnh lệnh chiến đấu chính xác, kịp thời được truyền tới các đơn vị tên lửa, phòng không, quyết đánh trúng đích, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ tháng 12-1972.

Sau năm 1975, căn hầm này gần như không được sử dụng. Năm 2012, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tiến hành chỉnh trang, tu sửa và chính thức mở cửa đón khách tham quan nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Trực ban phó, phụ trách phòng không tại hầm Sở Chỉ huy Tác chiến trong 12 ngày đêm, năm 1972 nhớ lại thời khắc đầu tiên B52 tiến đánh Hà Nội: Khoảng 19h ngày 18-12-1972, khi phát hiện ra máy bay địch, bao gồm cả B-52, đồng chí Trần Độ trực ban trưởng báo cáo với lãnh đạo Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội là tình hình địch sắp đánh Hà Nội bằng cả máy bay B52.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh khẩn trương chạy lại ấn cái còi báo động phòng không trên tường thì còi điện nằm trên hội trường Ba Đình rú vang lên báo cho nhân dân biết. Thời điểm đó, cả Hà Nội có 16 cái còi báo động như thế, và có quy định dù có được lệnh của Sở Chỉ huy hay không nhưng khi nghe thấy tiếng còi ở hội trường Ba Đình thì tất cả các còi khác mặc nhiên là phải theo để báo cáo cho kịp.

“Khi tôi kéo còi xong, một loạt điện thoại ở trong hầm Sở chỉ huy réo lên. Tôi nhấc máy thì ai cũng hỏi là thực hay là tập, tôi chỉ trả lời “mời đồng chí xuống hầm” và bỏ điện thoại xuống để tiếp tục tiếp điện những người khác, không kịp giải thích…”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo An ninh thủ đô

Được quan tâm

Tin mới nhất