Đã hơn 10 năm đưa vào xây dựng tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội (Tuyến đường sắt đô thị số 3), số vốn đã đội lên hàng trăm triệu đô so với ban đầu. Xong ngày hoàn thành và đưa vào khai thác vẫn còn mù mịt không có đích đến.
Dự kiến hoàn thành vào quý III/2014 nhưng đến nay, gói thầu hạng mục trụ cầu và đường ray trên cao (gói thầu CP1) do nhà thầu Daelim (Hàn Quốc) đảm nhiệm vẫn thi công chưa xong.
Nhà ga cuối của đoạn trên cao (trước cổng đại học Giao thông Vận tải) trước khi đường sắt hạ độ cao xuống chạy ngầm ở trước cổng khách sạn Daewoo có tốc độ xây dựng vô cùng chậm chạp cho dù nơi đây không vướng phải công tác giải phóng mặt bằng.
Đoạn đường sắt từ ĐH Sư phạm Hà Nội đến khách sạn Daewoo (khu vực tàu bắt đầu đi ngầm) các trụ xà mũ bê tông đã đổ xong nhưng đứng phơi nắng mưa.
Đoạn đường sắt chạy qua khu vực đường Cầu Giấy mới được tháo tôn quây cách đây ít hôm.
Tuy nhiên một số nhà ga trên đoạn đường này, tôn vẫn được quây chiếm gần hết diện tích lòng đường khiến các phương tiện tham gia giao thông qua đây rất vất vả, đặc biệt là giờ cao điểm luôn trong tình trạng ùn tắc.
Hàng cột vẫn chưa được lắp đường dẫn chạy qua khu vực đường Xuân Thủy.
Đoạn trước công viên Thủ Lệ, khu vực đường sắt bắt đầu hạ độ cao để đi vào đoạn đường chạy ngầm dưới lòng đất.
Theo tiến độ dự án, đây là một trong những hạng mục (gói thầu) phải hoàn thành đầu tiên để triển khai các gói tiếp theo, trong đó có lắp đường ray, thiết bị vận hành. Tuy nhiên sau lễ khởi công năm 2010 đến nay, đã qua 8 năm triển khai nhưng gói thầu này vẫn dở dang.
Phương tiện luồn lách phía dưới công trình thi công tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội.
Phía trong công trường khu vực hạ ngầm đường sắt trên cao (trước cổng Đền Voi Phục).
“Khu tập thể chúng tôi sống ngay sát công trình này, ai ai cũng kêu vì bụi bặm. Nhiều người mắc chứng bệnh về hô hấp do hít phải nhiều bụi từ dưới công trường, không biết bao giờ mới hết cái cảnh sống cạnh công trường như thế này”. Ông Bùi Tuấn Linh nhà trên phố Kim Mã (đoạn hồ Thủ Lệ) cho biết.
Công trường nhà ga trên cao cuối cùng trước khi hạ ngầm vắng bóng công nhân.
Hàng cột bê tông nhìn vô hồn tại công trình triển khai ì ạch kéo dài cả thập kỷ.
Các phương tiện phải nhích chút một ở cả hai chiều đường với diện tích mặt cắt chỉ khoảng 5 mét do công trình thi công chiếm phần lớn mặt đường.
Cây, cỏ dại mọc um tùm phía trong công trường “đang ngủ”.
Người tham gia giao thông luôn cảm thấy hoang mang khi đi dưới những công trình ngổn ngang, dang dở như thế này.
Khu vực thi công lối vào đường chạy ngầm, các thiết bị, máy móc thi công không nhộn nhịp như hình ảnh vốn phải diễn ra vào thời gian này.