Cách đây không lâu, nhà văn Trần Thu Trang, tác giả của nhiều quyển sách được giới trẻ yêu thích đã chia sẻ một câu chuyện mình gặp phải trong lúc buôn bán. Ngoài việc viết sách, chị còn kinh doanh 2 cửa hàng xôi tại đường Ngụy Như Kon Tum và Nguyễn Khang Hà Nội. Trong một ngày trời đông lạnh giá, một khách nam đã đến cửa hàng ở Ngụy Như Kon Tum mua thức ăn và lên tiếng phàn nàn về giá cả.
Theo như chị Trang thuật lại trên fanpage, thì nam thực khách này tiến vào cửa hàng khá “hùng hổ”. Thờ ơ trước mọi lời chào hỏi của nhân viên cũng như thực đơn đã in sẵn của quán, anh lên tiếng gọi 2 phần xôi khá đầy đặn với đủ loại đồ ăn kèm. Nhưng khi được báo giá, anh chàng này lại chê bai rằng “Đắt quá! Xôi gì mà đắt thế!”.
Sau khi được tư vấn giảm đồ ăn, cũng như hạ tiền thì thực khách khó tính này vẫn không vừa lòng và lấy xe đi dạo các hàng quán xung quanh đó. Đi một hồi chán chê mà chẳng kiếm được chỗ vừa ý, anh ta đành quay lại và lấy hai phần xôi, nhưng vẫn hậm hực về giá cả.
Đến lúc này, chủ quán đã rất khó chịu nhưng vẫn giải thích nhẹ nhàng với khách rằng cách quán mình không xa có hàng xôi rẻ hơn, nhưng vì là vỉa hè nên họ bán không được thường xuyên lắm. Đến lúc này, có vẻ như thực khách khó tính kia đã hiểu ra vấn đề nên chẳng còn lời lẽ nào để “ý kiến ý cò” nữa.
Kết lại câu chuyện, chị Trang bức xúc nói: “Chả hiểu khách có biết là mình đang nhắc khéo không. Khổ, thỉnh thoảng lại có khách vào cửa hàng mình thắc mắc theo kiểu hàng này nó chỉ có nhà cửa thiết bị khang trang hiện đại hơn tí, nhân viên sáng sủa ngoan ngoãn hơn tí, bát hộp nuột hơn tí, vệ sinh đảm bảo hơn tí, lạp xưởng dùng ít phẩm màu hơn tí, ruốc làm từ thịt thăn ngon hơn tí mà sao đắt hơn xôi vỉa hè thế nhỉ”.
Chị Trang cũng cho biết thêm rằng mình kinh doanh quán ăn đã hơn một năm, số khách như vậy chỉ chiếm khoảng 10% thôi nhưng lại đem đến những cảm xúc rất tiêu cực cho mọi người. Đối tượng khách cư xử không thỏa đáng ở cửa hàng chị gồm cả người trông rất sang trọng và rất bình thường, không thể dựa vào cách ăn mặc hay xe cộ mà phán đoán.
Nam thực khách này khoảng 35 đến 40 tuổi, ăn mặc cũng bình thường như bao người khác. Chị Trang thường phán đoán khách qua cách họ phản ứng với lời chào của nhân viên và nhìn thực đơn chứ không phải qua dáng vẻ bề ngoài.
Câu chuyện của nhà văn này nhanh chóng nhận được sự đồng tình của rất nhiều cư dân mạng vì cách cư xử khéo léo và văn minh. Có người lập tức liên tưởng tình huống của một chủ quán cà phê bị khách chấm 1 sao trên TripAdvisor vì… lỡ tính phí ly nước lọc. Người khác thì lại cho rằng món xôi của cửa hàng này “giá cao” vì phù hợp với chất lượng của nó, chứ không phải là “đắt” như vị khách hàng nọ chê bai.
“Tóm lại, những khách hàng chê đắt, mình mong muốn họ có cơ hội thành chủ nhà hàng. Lúc đó họ sẽ tự dưng thấy sợ khi ăn đồ ăn rẻ”, Facebook-er Pham Thanh Hoai nhận xét.
Thực tế, cách đối đáp với khách của chị Trang là một bài học rất lớn cho nhiều cửa hàng ăn. Vì có rất nhiều trường hợp, chỉ vì cư xử không khéo với khách hàng, hoặc đôi co quá lời, mà uy tín cũng như việc kinh doanh của cửa hàng đó bị ảnh hưởng nặng nề.
Cái gì cũng có giá của nó cả, giá cả đôi khi đi kèm với chất lượng và những dịch vụ và phụ phí đi kèm. Nhiều người chỉ nghĩ được rằng mình phải chi trả tiền cho món ăn nhưng lại quên mất sự khác nhau “một trời một vực” giữa quán vỉa hè và nhà hàng sạch sẽ, phục vụ mọi lúc. Khách hàng là thượng đế, nhưng thượng đế cũng phải biết cách cư xử chừng mực và văn minh thì mới mong nhận được những gì mình mong muốn.